Kinh tế

Lá trầu đất Nghi Ân "xuất ngoại"

Ngoài cung cấp thị trường nội địa, từ tháng 8 âm lịch năm nay, bà con trồng cây trầu ở xã Nghi Ân – TP Vinh có thêm mối nhập cho thương lái xuất khẩu trầu đi Đài Loan. Mỗi năm, làng trầu Nghi Ân thu về khoảng 8 tỷ đồng từ cây trồng này.

Trầu là loại cây trồng có từ lâu ở xã Nghi Ân (thành phố Vinh). Sau thời gian mai một, cây trồng này được nhiều người dân địa phương khôi phục và phát triển. Những năm gần đây, cây trầu đem lại giá trị kinh tế cao: 200 triệu đồng/sào/năm.

Toàn xã Nghi Ân hiện có khoảng 2 ha vườn trầu


Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 5 xã Nghi Ân chỉ trồng một ít cây trầu không để thi thoảng hái đi bán chợ quê, lấy ít tiền lo chi tiêu vặt vãnh trong nhà. Giờ đây, chị là chủ một vườn trầu rộng 1.300m2. Trong đó 900m2 vườn đã cho thu hoạch từ nhiều năm nay. Chị Hoa cho biết: Vườn trầu nhà chị ngày nào cũng được hái bán khoảng 100 liền trầu (mỗi liền 20 lá). Cứ mỗi liền được bán nhập với giá 10 ngàn đồng. Riêng ngày tuần, lễ tết, dịp cưới hỏi thì lượng trầu thu hái tăng lên gấp bội, mà giá cả cũng cao hơn nhiều. Tính ra, mỗi năm chị Hoa thu về khoảng 400 triệu đồng từ bán trầu không của vườn nhà.

Chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 5 - xã Nghi Ân có gần 2 sào trầu đã cho thu hoạch. Bình quân mỗi ngày nhà chị thu về 1 triệu đồng từ cây trồng này.


Toàn xã Nghi Ân hiện có khoảng 100 hộ dân rải rác ở các xóm trồng cây trầu hàng hóa và tập trung nhất là các xóm 5, 7, 8. Nhà trồng nhiều vài sào, ít cũng khoảng vài ba thước đất. Tổng diện tích cây trồng này toàn xã xấp xỉ 2 ha. Hàng ngày, người dân đem lá trầu thu hoạch đến các điểm hẹn trong xã để nhập sỷ cho thương lái. Ngoài cung cấp thị trường nội địa, từ tháng 8 âm lịch năm nay, bà con Nghi Ân có thêm mối nhập cho thương lái xuất khẩu trầu đi Đài Loan. Mỗi năm, người dân Nghi Ân thu về khoảng 8 tỷ đồng từ cây trồng ít người biết đến này. Gia đình tôi đã nuôi hai con ăn học đến nơi đến chốn và còn tích lũy được tiền tỷ nhờ trồng cây trầu không - Anh Nguyễn Hồng Thái ở xóm 5 - xã Nghi Ân chia sẻ.

Mỗi liền trầu được bán sỷ với giá 10.000 đồng


Cây trầu có giá trị kinh tế cao nhưng trồng với diện tích lớn để bán hàng hóa thì không phải ai cũng làm được. Cây trầu trồng vào dịp từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch. Đất trồng phải ẩm, không được úng ngập. Phân bón phải là phân chuồng hoai mục; hạn chế tối đa sử dụng phân hóa học. Vườn trầu phải được rào kín, chắn nắng nóng mùa hè, che kín sương muối vào dịp trời đông giá lạnh. Chăm bón cũng phải biết cách để lá trầu phát triển đồng đều, không to quá hay nhỏ quá. Lá trầu bán để thắp hương, cưới hỏi hay xuất khẩu phải lành lặn, không bị thủng lỗ. Cây trầu dễ bị lây nhiễm bệnh nấm. Chỉ một cây bị bệnh, cả vườn trầu sẽ chết theo. Do vậy, người trồng trầu không bao giờ cho người lạ đi buôn trầu vào vườn vì sợ họ đưa bệnh từ nơi khác đến.

Chăm bón phải đúng cách để lá trầu phát triển đồng đều

Trầu, cau là lễ vật không thể thiếu được trong các đám hỏi (ảnh internet)


Ông Phạm Huy Thông – Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết: Cây trầu có giá trị kinh tế rất cao nhưng trồng nó lại rất khó, chỉ những người có kinh nghiệm mới trồng được nhiều. Đầu ra cho cây trầu chưa thật ổn định. Do vậy xã chưa có chủ trương mở rộng cây trồng này mà chỉ khuyến khích những hộ gia đình có kinh nghiệm trồng cây trầu tự chuyển đổi, thuê mượn đất hộ khác để mở rộng sản xuất nâng cao thu nhập.

Tác giả bài viết: Nhật Tuấn

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok