Du lịch

Lạ chuyện bỏ tiền để được vớt rác ở Hội An

Bỏ tiền để được vớt rác, học cuốc đất, cấy lúa, trồng rau… nghe có vẻ lạ lùng nhưng lại là hoạt động đã và đang diễn ra ngày càng nhiều ở phố cổ Hội An (Quảng Nam). Loại hình du lịch cộng đồng độc đáo này đang trở thành một xu hướng trải nghiệm mới mẻ, đầy ý nghĩa và mang lại lợi ích thiết thực cho cả du khách lẫn người dân bản địa.

Du khách nước ngoài thích thú khi tham gia “tour vớt rác” trên sông Hoài (TP Hội An, Quảng Nam). ảnh: T.G

Khách Tây trả tiền để được vớt rác, làm nông…

Khác với những lần du lịch Hội An trước đây, chỉ quanh quẩn trong khu phố cổ, lần này, anh Clayton Hornbaker, du khách đến từ Mỹ tỏ ra thích thú khi được tham gia “tour vớt rác” trên sông Hoài. Chấp nhận bỏ ra 20 USD, anh Clayton cùng người bạn đồng hành Brandon đã có những trải nghiệm vô cùng mới lạ và thú vị khi tự mình chèo thuyền gần 8km từ rừng dừa nước Cẩm Thanh vào trong phố cổ để vừa ngắm cảnh, vừa tìm vớt bao ni lông, vỏ chai nhựa…

Sản phẩm du lịch khiến nhiều người mắt tròn mắt ngạc nhiên này do anh Nguyễn Văn Long (SN 1983), Giám đốc Công ty Hội An Kayak tours và các cộng sự của mình “sáng tạo” nên. Tham gia “tour vớt rác”, hai du khách sẽ được sắp xếp đi trên một thuyền Kayak, mỗi người một tay chèo, dùng vợt để vớt rác và bỏ vào bao tải. Suốt hành trình, sẽ có một nhân viên điều khiển thuyền máy làm nhiệm vụ tập kết rác khách vớt được, mang đi tiêu hủy.

Theo anh Long, mỗi du khách tham gia sẽ phải đóng phí 10 USD/người. Số tiền này dùng để mua bao tải, thuê thuyền thu gom rác mang đi tiêu hủy và thuê nhân viên phục vụ khách… “Thấy nước sông Hoài ngày càng ô nhiễm nên tôi nảy sinh ý định mở một loại hình du lịch kết hợp với việc bảo vệ môi trường. Tôi mong muốn du khách chia sẻ với mình để bảo vệ môi trường Hội An, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong thói quen xả rác bừa bãi...”, anh Long tâm sự.

Hào hứng với “chiến lợi phẩm” vừa thu được là một bao tải đầy rác, ông Michael, du khách đến từ Đức chia sẻ: “Rất thú vị! Khá mệt nhưng tôi rất vui vì đã làm một việc tốt, góp phần bảo vệ môi trường. Hội An rất đẹp và dòng sông Hoài cũng rất tuyệt vời, nhưng nơi đây có nhiều rác thải…”.

Với phương châm “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, giờ đây mô hình du lịch xanh đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, không chỉ giúp bảo tồn và phát huy thế mạnh văn hóa bản địa mà còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhiều người dân địa phương. Đến Hội An bây giờ, không khó để bắt gặp hình ảnh những “hướng dẫn viên áo nâu” trở thành “ thầy giáo” dạy khách Tây tiếp cận, thực hành những công việc của người nông dân.

Tham gia các tour du lịch độc đáo như “Một ngày làm nông dân” hay “Một ngày làm cư dân phố cổ với nghề trồng rau”…, du khách sẽ được trải nghiệm những công việc thuần tuý của nghề nông như cưỡi trâu, đi cày, đi bừa, gieo mạ, cấy lúa, trồng rau, gánh nước... Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn dân gian gắn liền với bữa cơm thường nhật của người Việt xưa như là món mỳ xào, cá sốt cà, cà tím chiên, rau muống xào… do chính tay mình chế biến.

Cộng đồng hưởng lợi từ du lịch xanh

Du khách Tây thích thú khi đến Hội An.

Với việc dạy khách du lịch làm đồng áng, chỉ cần một khoảnh đất ruộng khoảng vài trăm mét vuông, cùng con trâu, cái cày, cái cuốc… hàng trăm hộ nông dân ở thôn Thanh Nhất (xã Cẩm Thanh) và làng rau sạch Trà Quế (xã Cẩm Hà) đã kiếm được hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó là chưa kể đến những khoản tiền mà du khách hào phóng "bo" cho “thầy” của mình và nguồn thu nhập thêm từ việc bán rau, nông sản sạch.

Vừa dạy cho một nhóm khoảng 10 khách Tây đứng bừa, cấy lúa xong, ông Phan Nhì (54 tuổi, trú xã Cẩm Thanh), chia sẻ: "Làm tour du lịch này, tôi đỡ vất vả với mấy sào ruộng hơn. Lúc trước, cứ đến vụ mùa thì cả gia đình lại phải xuống ruộng để cày cấy, kiếm cơm. Nhưng mấy năm nay, nó biến thành chỗ để tôi và vợ dạy khách nước ngoài làm việc đồng áng, kiếm chác lai rai, mỗi tháng cũng được 7 đến 10 triệu đồng, kinh tế giờ ổn định hơn rất nhiều…”.

Nắm bắt xu hướng ưa thích du lịch sinh thái, nhân văn, người dân xã Cẩm Thanh cũng đã bắt tay làm du lịch làng quê và “phất” lên từ nhiều năm qua. Hiện nay, Cẩm Thanh đã xây dựng được tổ du lịch cộng đồng với nhiều hoạt động thu hút khách tham quan như tour “Một ngày làm ngư dân” hay “Về Hội An đi xe đạp”… Du khách đến đây có thể thả hồn mình lênh đênh trên những chiếc thuyền thúng để câu cá, tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, hay cùng ăn, ở, sinh hoạt và nghe người dân vùng sông nước hát hò khoan đối đáp, hát trạo... Vào mùa du lịch cao điểm, trung bình mỗi ngày có hàng ngàn lượt du khách đến với Cẩm Thanh, chứng tỏ sức hấp dẫn của loại hình du lịch này ngày càng lớn.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, Hội An luôn định hướng phát triển du lịch bền vững trên nền tảng gắn kết giữa văn hóa và sinh thái. Trong đó, du lịch cộng đồng và du lịch trách nhiệm đang là xu hướng trong chiến lược phát triển hiện nay nhằm chia sẻ lợi ích từ du lịch cho người dân địa phương, góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan, bảo tồn giá trị văn hóa…

“Ở Hội An, cộng đồng chính là chủ nhân của di sản. Nếu người dân không được hưởng lợi từ chính di sản của mình thì sẽ không có nền tảng để du lịch phát triển. Chính vì vậy mà lợi ích thu được từ du lịch phải đảm bảo hài hòa giữa kế sinh nhai của người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi rất khuyến khích một số loại hình du lịch sinh thái làng quê mới lạ như dạy du khách làm nông, vớt rác trên sông Hoài phát triển. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn, an ninh tại các khu du lịch cộng đồng này nhằm phục vụ du khách tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An, chia sẻ.

Tác giả: Tâm Trí – Đ.Hoàng

Nguồn tin: Gia đình và Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok