Thể thao

Kỳ vọng V-League không “đầu voi, đuôi chuột”

Bóng sẽ lăn tại V-League từ cuối tuần này. Giải đấu vài năm nay có thông lệ khởi đầu khá hứng khởi, nhưng càng về cuối càng lặng lẽ. Đấy là thực tế là mà người ta mong V-League sẽ thay đổi, nhất là sau hàng loạt tuyên bố từ cơ quan quản lý nền bóng đá.

Vấn đề cũ, liệu cách làm có mới?

VFF đã có một loạt động thái trước thềm mùa giải năm nay nhằm chấn chỉnh V-League, hòng giảm thiếu các sai sót của trọng tài, tình trạng bạo lực sân cỏ và nhất là thông qua đó cải thiện chất lượng giải V-League.

Biện pháp thì đã có, vấn đề nằm ở chỗ người điều hành giải đấu có thực hiện đến cùng các biện pháp đấy hay không?

Đầu tiên là vấn đề giảm bạo lực sân cỏ, đấy là điều ai cũng muốn và ai cũng thấy rằng để giải quyết bạo lực, thì điều đầu tiên là những án phạt nặng hòng ngăn chặn bạo lực.

Tuy nhiên, các năm qua thì đấy lại là chuyên gây tranh cãi. Ví dụ như án treo giò 6 tháng dành cho Quế Ngọc Hải khi cầu thủ này đá gãy chân đồng nghiệp năm nào nhìn có vẻ thì nặng, thì kéo dài, nhưng thực tế lại không nặng.

VFF đang muốn cải thiện chất lượng của V-League (ảnh: Trọng Vũ)
Số trận mà Ngọc Hải phải nghỉ thi đấu trên thực tế không nhiều, do khoảng thời gian 6 tháng bị treo giò của Ngọc Hải là khoảng thời gian mà bóng đá nội hầu như cũng nghỉ vì mùa bóng kết thúc.

Rồi VFF sẽ xử lý như thế nào với các giám sát trọng tài và giám sát trận đấu, bởi biên bản của các giám sát hiếm khi ghi nhận sát với thực tế bạo lực diễn ra trên sân, thì lấy căn cứ đâu mà xử bạo lực? Trong khi câu cửa miệng của Ban kỷ luật là “án tại hồ sơ” – mà hồ sơ ở đây tức báo cáo của giám sát.

Vấn đề trọng tài cũng vậy, số lượng trọng tài của chúng ta chỉ chừng đó, chất lượng mấy năm gần đây đang bị đánh giá đi. Vậy trường hợp tính quyết liệt và sự căng thẳng của các trận cầu tăng lên, các trọng tài sẽ xử lý thế nào? – Trong lúc mà năng lực và bản lĩnh của họ cũng chỉ có vậy!

Về phía các CLB, đầu mùa đội nào cũng sẵn sàng tuyên thệ sẽ đá vì khán giả, sẽ chơi sòng phẳng, không ngại xuống hạng... Nhưng đến những trận đấu nhạy cảm, đội thua hiếm khi nhận phần lỗi, nhận phần yếu kém của mình, mà thường đổ lỗi cho trọng tài, khiến cho không khí giải đấu càng căng thẳng lên.

Hay như khi mà một số đội đã chạm đến ngưỡng gần an toàn, khi động lực giảm đi, các đội lại thường đá thứ bóng đá kém chất lượng, mà không ý thức được rằng nhiệm vụ của họ phải là mang đến những sản phẩm tốt cho người tiêu dùng, kéo khán giả đến sân.

Cải thiện chất lượng V-League để nâng chất đội tuyển quốc gia

Con số khán giả sụt giảm nghiêm trọng ở cuối mùa bóng trước phản ánh chính xác những tồn đọng của giải V-League. Mọi nền bóng đá, mọi giải đấu đều có sai sót của trọng tài, cũng có những trận cầu mà các đội không còn nhiều động lực. Vấn đề là tất cả các bên phải cho người xem thấy được rằng sai sót hay không sai sót, kết quả còn ý nghĩa hay không còn ý nghĩa thì những người tham gia cuộc chơi cũng phải nỗ lực, để người xem nhìn vào diễn biến mà thấy đáng xem.

Cầu thủ trẻ Việt Nam nhiều triển vọng, nhưng khi trưởng thành và được tung vào môi trường V-League thì dễ bị chững lại, vì V-League có chất lương không cao (ảnh: Trọng Vũ)
Xin nhắc lại rằng kết quả của cuộc bầu chọn danh hiệu Quả bóng vàng vừa qua phản ánh chính xác thực trạng của bóng đá nội: Thực trạng không ổn định về mặt chất lượng, khi các cầu thủ đoạt giải hoặc đã bắt đầu bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, hoặc chưa chín tới về mặt tài năng.

Làm sao chúng ta cho ra những cầu thủ có chất lượng, một khi mà giải V-League của chúng ta kém chất lượng, quá ít những trận cầu có tính đua tranh cao để cầu thủ vừa được trui rèn về mặt bản lĩnh, vừa trưởng thành về mặt chuyên môn.

Đấy còn là một phần lời giải cho việc bóng đá Việt Nam dù vẫn có sự khởi sắc trong công đào tạo trẻ, nhưng đến khoảng lứa tuổi 22 – 23 trở lên, tức là lứa tuổi bắt đầu đá chuyên nghiệp, thì chúng ta lại không giữ được ổn định về mặt chất lượng.

Thực tế là đến lứa tuổi đấy, khi được “thả” vào môi trường V-League kém tính cạnh tranh, các cầu thủ nội bị chững lại về khả năng thăng tiến, thậm chí có nguy cơ thui chột.

Tất cả các nền bóng đá lớn, ổn định trên thế giới đều sở hữu các giải quốc nội ổn định, bóng đá Thái Lan khi muốn cải thiện chất lượng của đội tuyển quốc gia, sau thất bại tại AFF Cup 2008, thì việc làm đầu tiên của họ là cải thiện chất lượng giải Thai-League cũng vì lẽ đó!

Tác giả bài viết: Trọng Vũ

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok