Giáo dục

Kỳ thi “2 trong 1”: Phép thử của lòng tin

Một khi giáo dục coi học sinh chỉ là những con chuột bạch để thí nghiệm, ắt hẳn, phép thử giáo dục đó sẽ đánh mất một điều vô cùng quan trọng: Đó là Lòng tin!

Trong cuộc họp đánh giá bước đầu công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2016 chiều 4/7, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Kết quả năm nay là phép thử đánh giá năng lực tổ chức kỳ thi của các địa phương. Sự thành công của kỳ thi vừa qua cho thấy chúng ta có thể tổ chức được kỳ thi ở địa phương”.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: “Việc tổ chức cụm thi ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước được xem như phép thử quan trọng để tiếp tục đổi mới công tác thi tuyển sinh nhẹ nhàng, hiệu quả hơn trong những năm sắp tới. Sự thành công trong mô hình tổ chức cụm thi trên cả nước đã tạo được niềm tin trong xã hội về tính công bằng, nghiêm túc của kỳ thi”.

Vậy, phép thử đó đã được chứng minh như thế nào?

2016 ky thi thpt quoc gia5
Kết quả thi THPT quốc gia được sử dụng để xét tuyển tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH-CĐ. Đồ họa: Zing News

Bộ về với địa phương, thầy cô về với thí sinh

Năm 2016 là năm thứ hai Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT trên toàn quốc để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH-CĐ, hay còn gọi là kỳ thi “2 trong 1”. Việc này đã phần nào giải tỏa những bức xúc về sự trùng lặp, chồng chéo giữ hai kỳ thi quốc gia (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ), gây tốn kém cho xã hội và gia đình sĩ tử.

Tuy nhiên, những lùm xùm xung quanh kỳ thi năm 2015 từ khi diễn ra cho đến công tác xét tuyển khiến dư luận không mấy ủng hộ, thậm chí còn đòi quay lại thời những năm… 1990 cho “đơn giản, dễ hiểu”. “Đừng mong thi “2 trong 1”, dù ai cũng hiểu rằng, đây là một định hướng hoàn toàn đúng đắn và hợp lý.

Vấn đề vương mắc trong công tác tổ chức kỳ thi 2015 là gì có lẽ nhiều người dù không làm trong ngành giáo dục cũng có thể nói “đúng và trúng”. Thế nhưng, làm thế nào để giải quyết bài toán đó khi mà có rất nhiều yếu tố chi phối, ảnh hưởng đến sự vận hành của cỗ máy giáo dục quốc gia mới là điều đáng quan tâm.

Đổi mới giáo dục, xây dựng một nền giáo dục toàn diện theo kịp xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế… không đơn giản là câu khẩu hiệu hay nhiệm vụ mà các cán bộ ngành giáo dục phải đáp ứng, mà cơ bản, “chúng ta cần thay đổi vì chính các em, thế hệ tương lai chủ nhân của đất nước”, một nhà giáo lão thành chia sẻ.

Cần phải xác định, kỳ thi 2 trong 1 là một hướng đi đúng đắn. Khâu cơ bản chính là tổ chức sao cho hợp lý. Năm 2015, những ngày kỳ thi THPT quốc gia diễn ra, dọc con đường Tôn Đức Thắng đến Nguyễn Trãi, tại các điểm thi như ĐH Thủy lợi, ĐH Công đoàn, hay ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) thường xuyên xảy ra ùn tắc. “Hàng rào sống” có lẽ là ký ức không thể nào quên trong cuộc đời sinh viên của các tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi năm ấy.

2016 ky thi thpt quoc gia6
Năm nay, Hội đồng thi ĐH là 70, hội đồng thi tốt nghiệp 50. Tổng cộng, có 1.482 điểm thi trên và có tất cả 31.668 phòng thi. 81.153 giám thị được huy động tham gia kỳ thi.
Bo truong phung xuan nha
Bộ GD-ĐT tổ chức 14 đoàn thanh tra lưu động (trong tổng số 134 đoàn thanh tra trên toàn quốc) tiến hành thanh tra đột xuất tại các điểm thi. Trong ảnh: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hỏi thăm phụ huynh tại cụm thi ĐH Thủy lợi (Hà Nội). Ảnh: Lê Văn

Vậy là, năm nay, thay vì để các em và phụ huynh “cơm nắm muối vừng” về Thủ đô “ăn chực nằm chờ” mấy ngày thi, Bộ GD-ĐT quyết định… “về” với học sinh. Tại sao lại phải “về”? Bởi các em chính là nhân vật chính trong kỳ thi này.

Tại mỗi tỉnh, thành phố được tổ chức một cụm thi thay vì ghép tỉnh để làm một cụm thi như năm 2015. TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, đây là điều các chuyên gia giáo dục đã từng có ý kiến ngay khi có định hướng tổ chức kỳ thi 2 trong 1 năm trước.

Đề thi vừa sức, đảm bảo tính phân hóa thí sinh cao

Điểm đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện kỳ thi 2 trong 1 đó là làm sao ra được bộ đề thực hiện được đúng mục đích này. Đề thi không đánh đố, nội dung thuộc chương trình phổ thông chủ yếu lớp 12, vừa sức thí sinh, có tính phân hóa thí sinh cao, đặc biệt là nhóm các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, “Điều này có thể cải thiện được phổ điểm giúp các trường ĐH-CĐ tuyển sinh được thuận lợi, nhất là các trường tốp trên”.

Để đề thi đạt được yêu cầu 2 trong 1, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, công tác ra đề thi được Bộ GD&ĐT thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ khâu tuyển chọn người ra đề, soạn thảo, in sao đề thi, vận chuyển và bảo quản đề thi. Các cán bộ soạn thảo đề thi là giảng viên trường ĐH-CĐ, nghiên cứu viên các Viện Nghiên cứu, giáo viên trường phổ thông… nắm vững chương trình THPT, am hiểu về công tác xây dựng ma trận đề thi, có năng lực biên soạn, biên tập câu hỏi thi.

Hiện tại, đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành giáo dục, đề thi năm nay tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh, khi có nhiều nội dung liên hệ thực tiễn, đồng thời có tính phân hóa cao, đáp ứng được hai mục tiêu của kỳ thi vừa xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ. Bản thân các thầy cô cũng như học sinh đều có những nhận xét khá tương đồng, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.

“2 trong 1” - Phép thử vì học sinh

Trong quá trình đi đến mục tiêu Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, những người làm công tác giáo dục luôn tự đề ra cho mình trọng trách không ngừng nghiên cứu, học hỏi, phát huy năng lực sáng tạo đưa ra những sáng kiến mới hỗ trợ tốt nhất cho không chỉ giáo viên, học sinh mà cả các bậc phụ huynh…

thu truong bui van ga
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại buổi họp báo chiều 4/7, sau khi thí sinh hoàn thành môn thi cuối cùng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016

Việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1, như nhận xét của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, rõ ràng là một phép thử trong ngành giáo dục. Lẽ dĩ nhiên, khi bắt đầu áp dụng sáng kiến trong thực tiễn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, có thể đúng, có thể chưa đúng, cũng có thể sai. Đánh giá về kỳ thi năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, khách quan, cơ sở vật chất được chuẩn bị kỹ lưỡng từ các các khâu phần mềm đến tập huấn cán bộ nên thuận lợi, ít sai sót.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là nhận định ban đầu, bởi trong thời gian sắp tới, khi công tác chấm thi hoàn thành, khi những cô cậu học trò vừa kết thúc 12 năm học đứng trước lựa chọn khó khăn về con đường đi tiếp theo, chúng ta sẽ có những đánh giá cụ thể, thực chất mức độ ảnh hưởng của kỳ thi quan trọng này đối với các em.

Tỉ lệ thí sinh chỉ đăng ký dự thi để xét tốt nghiệp cao hơn năm trước (32%) có phải bởi các em đã có định hướng về con đường mình đi hay vì một lý do nào khác? Việc cho phép các em tự chọn môn thi (ngoài 3 môn bắt buộc Toán, Ngoại ngữ, Ngữ văn) là tôn trọng khả năng, sở thích của thí sinh, nhưng liệu rằng thực tế bao nhiêu trong số những sĩ tử đăng ký sẽ xét tuyển ĐH-CĐ hiểu được khả năng thực sự của mình là gì để chọn trường phù hợp?

Đó là chưa kể đến chuyện, với những em ngay từ đầu xác định sẽ thi khối A, B, C, D, hay khối đặc biệt nào đó thì không phải chỉ đến khi vào cấp 3, mà ngay từ khi còn là học sinh cấp 2, có lẽ các em cũng đã (được) định rõ hướng đi và biết nên tập trung vào môn học nào. Học lệch (vốn bị ngành giáo dục phản đối và tìm cách khắc phục) là điều khó tránh khỏi. v.v… và v.vv…

gieo mam 1
Trồng cây - Trồng người. Muốn cây tốt tươi thì phải năng chăm sóc. Ảnh minh họa

Giáo dục, nói nôm na là dạy người, lấy con người làm trọng tâm, mà ở đây theo hướng đổi mới chính là các em học sinh. “Dân cường thì nước thịnh” (lời Bác Hồ), một nền giáo dục muốn được đánh giá là tốt, là phát triển, đặc biệt trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, thì yếu tố quan trọng cần phải xây nên một thế hệ tương lai có nền tảng bền vững ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường - với NHÂN - TRÍ - ĐỨC.

Vì vậy, dù là sáng kiến hay phép thử gì đi chăng nữa, dù mục đích đúng là hướng đến học sinh, thì thiết nghĩ, ngành giáo dục cũng cần có những bước đi cân nhắc kỹ lưỡng, tính toán chi ly tỉ lệ xác suất tốt - không tốt - xấu, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với các em. Bởi, một khi giáo dục coi học sinh chỉ là những con chuột bạch để thí nghiệm, ắt hẳn, phép thử giáo dục đó sẽ đánh mất một điều vô cùng quan trọng: Đó là Lòng tin!

Tác giả bài viết: Nhật Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok