Vì sao video hút khách?
Lý do khiến việc số lượng độc giả ưa thích xem video hơn đọc chữ ngày một gia tăng không chỉ đến từ thói quen lười đọc của giới trẻ hiện nay, mà còn bởi sự tác động của các nhà quảng cáo. Đánh giá của giới chuyên môn cho thấy không gian quảng cáo trên video được tối ưu tốt hơn nhiều so với bài viết chữ. Từ đó doanh thu quảng cáo thu về từ video cao hơn.
“Các website tin tức online không sản xuất video hướng tới nhu cầu của người xem. Họ chạy theo xu hướng này vì ngành công nghiệp tin tức đang trong giai đoạn khủng hoảng về doanh thu", cây viết Josh Marshall của trang báo mạng Talking Points Memo cho biết.
Vì vậy, các website cung cấp nội dung đều đổ dồn nhân lực vào việc sản xuất video. Từ đó số lượng video xuất hiện trên trang ngày càng nhiều dẫn đến số lượng người xem cũng gia tăng. Mic.com - website đưa ra con số thống kê 75% thời gian của người đọc là xem video mới đây cũng cắt giảm tới 25% nhân sự trong lĩnh vực viết bài và tập trung vào sản xuất video.
Mic.com - một website tin tức của Mỹ đã đưa ra thống kê cho thấy độc giả hiện nay dành tới 75% thời gian để xem nội dung video thay vì đọc bài viết. |
Dự báo của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer cho thấy tại thị trường Mỹ vào năm 2019, người xem sẽ dành 81 phút mỗi ngày để xem các video trực tuyến. Con số này tăng hơn 30% so với 61 phút vào năm 2015. Thời gian đọc nội dung chữ thì ngược lại, giảm từ 16 phút xuống còn 13 phút mỗi ngày.
Báo cáo về hành vi người dùng Internet của Việt Nam vào năm 2016 từ Google cũng cho thấy xem video là hoạt động phổ biến thứ 3 khi một người sử dụng điện thoại. Cứ 10 người Việt khi online qua điện thoại thì có tới gần 8 người xem video (tương đương 77%). Hơn một nửa số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ xem video hàng ngày, trong khi chỉ có 2% trả lời không bao giờ xem video online.
Liệu có phải là hướng đi bền vững?
Đây là câu hỏi đáng để đặt ra khi số lượng các website tin tức chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ vào video ngày càng tăng. Không chỉ riêng Mic.com, rất nhiều website cung cấp nội dung tin tức khác như Vocativ, Fox Sports, Vice và MTV News đều sa thải hàng loạt phóng viên, biên tập viên do cần tập trung nguồn lực để sản xuất video.
Nhà phân tích của eMarketer – Paul Verna – cho biết: “Đây là một thực tế đáng báo động khi các nhà cung cấp nội dung đang lao theo một con đường chưa có đích đến sáng tỏ”.
Vấn đề của các website nội dung tin tức nói trên đó là họ không còn con đường nào khác để lựa chọn. Giới truyền thông trước đây cũng đã đề cập nhiều đến việc Google và Facebook sử dụng “chùa” các nội dung từ các nhà cung cấp nhưng không trả cho họ dù chỉ một đồng doanh thu quảng cáo.
Tuy đã có kiện cáo, khiếu nại và những lời cam kết thay đổi tình hình từ hai ông lớn này nhưng trước mắt, doanh thu của các nhà cung cấp nội dung vẫn sụt giảm nghiêm trọng và họ bắt buộc phải tìm hướng đi mới. Sản xuất nội dung video được xem là “chiếc phao cứu sinh” mà bất cứ website tin tức nào cũng muốn bám lấy.
Nội dung video mang lại nguồn thu một cách nhanh chóng khi các nhà quảng cáo sẵn sàng trả chi phí cao hơn để quảng bá sản phẩm của họ trên video. Quan điểm của các chuyên gia này cho rằng khán giả khó bỏ qua các quảng cáo video hơn là banner trên website hay trong bài viết.
CEO của agency chuyên về quảng cáo video – Clearstream cho biết: “Một vị trí quảng cáo trên video có thể được trả tới 27 USD cho mỗi 1.000 lượt xem, trong khi một mẫu quảng cáo tương tự xuất hiện trong bài viết chỉ mang về khoảng… 50 cent”. Sự chênh lệch có thể nói là quá lớn và rất khó website tin tức nào có thể bỏ qua sự so sánh này.
|
Nội dung video mang lại nguồn thu một cách nhanh chóng khi các nhà quảng cáo sẵn sàng trả chi phí cao hơn để quảng bá sản phẩm của họ trên video.
Theo các chuyên gia nhận định, hướng đi khả quan và bền vững nhất cho các nhà cung cấp nội dung thích sản xuất video đó là… hợp tác với chính Google và Facebook, những kẻ đã đẩy họ vào thế chật vật như hiện nay. Các ông lớn này đều đang muốn có thêm nội dung video trên các nền tảng của mình để thu hút nguồn đầu tư từ các nhà quảng cáo vốn dần rút lui khỏi thị trường quảng cáo truyền hình.
Những thống kê gần đây tại Việt Nam cho thấy, chủ yếu lượng người xem video là qua Facebook, chứ không phải thông qua website “chính hãng” sản xuất ra video đó đang tăng chóng mặt. YouTube cũng là một website thu hút người dùng Việt khi đứng trong top 3 các website phổ biến nhất thông qua truy cập smartphone cùng với Facebook và Nhaccuatui.com.
Động thái gần đây nhất, Facebook đã tung ra nền tảng video độc lập mang tên Watch để cạnh tranh với YouTube của Google. Mạng xã hội lớn nhất thế giới đang rất cần video để thúc đẩy sự phát triển của Watch, do đó sẽ có mức thù lao hậu hĩnh cho nội dung và đây thực sự là cơ hội với các nhà sản xuất video.
Bà Lê Ngọc Linh - Tổng giám đốc Thoughtful Việt Nam cho biết Việt Nam có dân số 95 triệu người, trong đó có 50 triệu người dùng Internet và 40 triệu người sử dụng mạng xã hội. Việt Nam cũng nằm trong danh sách 10 quốc gia có lượng truy cập YouTube hàng đầu thế giới.
Đây chính là sân chơi hứa hẹn cho các nhà cung cấp nội dung video trong tương lai gần.
Tác giả: N.Q
Nguồn tin: Báo Người đưa tin