Phiên chợ “ngoại tình” độc đáo ở Khâu Vai (Hà Giang)
Chợ tình Khâu Vai, thuộc huyện Mèo Vạc, cách thành phố Hà Giang khoảng 180km, là phiên chợ tình đặc biệt “có một không hai” ở Việt Nam. Phiên chợ chủ yếu dành cho những đôi trai gái có mối tình trắc trở, đã yêu nhưng lại lỡ duyên, dang dở vì một lý do nào đó.
Hàng năm, cứ đến ngày 27/3 âm lịch, họ lại vượt núi, băng rừng nơi cao nguyên đá về hò hẹn, gặp lại người yêu cũ, cùng nhau uống rượu và tâm sự, ôn lại chuyện tình xưa.
Nhiều đôi vợ chồng khi xuống chợ cùng nhau nhưng đến nơi lại tách nhau đi tìm “tình cũ” của mình mà không bị ghen tuông hậm hực tại phiên chợ phong lưu này. Sau ngày 27/3, “cửa lòng” khép lại, họ lại trở về để sống chung thủy với cuộc sống hôn nhân hiện tại của mình.
Nhưng giờ đây, chợ tình Khâu Vai không còn nét nguyên thủy nữa. Những người tình cũ tìm gặp nhau ít hơn, thay vào đó là những chàng trai, cô gái, những cặp vợ chồng hẹn hò, vui vẻ với nhau.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc lễ hội bắt đầu. Ở đâu đó trên đường, bên lùm cây, chàng trai chơi khèn, nhảy múa, hát hò để lấy lòng các cô gái. Từ đó mà họ phải lòng nhau, nên vợ nên chồng.
Chợ tình se duyên ở Mộc Châu
Chợ tình Mộc Châu là nỗi khao khát mong chờ của rất nhiều chàng trai và cô gái. Trước đó cả tháng, các cô gái dù là Mông, Thái hay Mường đều đã rộn ràng chuẩn bị váy áo hoa đủ màu rực rỡ, các chàng trai cũng không quản ngại làm thuê vất vả để có tiền xuống chợ, tìm cho mình “ý trung nhân” để thỏa ước muốn bấy lâu.
Ngay từ đêm 30 tháng 8 hàng năm rất nhiều người đã đổ về thị trấn Mộc Châu háo hức đợi chờ. Đặc biệt là ngày mùng 1 tháng 9, không hẹn mà rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đến từ Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La đến Lào Cai, Yên Bái … đều tụ hội nơi đây, chưa kể tới sự hiện diện rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đối với đồng bào dân tộc, đây là dịp để vui chơi thỏa thích sau những ngày làm lụng vất vả. Một vài ngày trong phiên chợ được gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện, kết duyên, uống rượu tâm tình … dù không thể khỏa lấp được hết những muộn phiền thiếu thốn đời thường nhưng cũng là động lực để họ tiếp tục cố gắng. Chợ tình không chỉ là ngày hội gặp gỡ của những người chưa kết hôn của những người muốn "tán tỉnh nhau" mà còn là nơi để những người đã nên vợ nên chồng có thể hẹn gặp người yêu cũ của mình.
Dịp này cũng là dịp có rất nhiều du khách dưới xuôi rủ nhau lên Mộc Châu chiêm ngưỡng và trải nghiệm nét văn hoá độc đáo này. Chợ tình Mộc Châu là nét nguyên sơ mộc mạc không đâu có được. Chính vì thế sự gìn giữ nét văn hoá này rất cần được trân trọng.
Chợ tình “lỡ duyên” ở Bắc Kạn
Không nổi tiếng như chợ tình Khâu Vai ở Hà Giang hay chợ tình Sa Pa của Lào Cai... Nhưng chợ tình Xuân Dương lại mang trong mình những nét văn hóa hết sức đặc trưng của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng của huyện Na Rì, huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) và các địa phương lân cận thuộc tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên. Chợ tình bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động về một đôi vợ chồng vì lạc mất nhau.
Cứ vào dịp 25/3 (Âm lịch) hằng năm, không chỉ là nam thanh - nữ tú từ khắp các thôn, bản làng trong huyện, mà du khách gần xa cũng tưng bừng về dự hội. Bởi, chợ tình là nơi hẹn hò của biết bao đôi trai gái đang yêu, là nơi hẹn gặp lại của những cặp tình nhân trước đây vì lý do nào đó họ không thể đến được với nhau nay hẹn gặp để chia sẻ, kể cho nhau nghe về những thăng trầm trong cuộc sống. Và hơn cả, chợ tình còn là nơi giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng giúp họ gắn kết với nhau hơn trong đời sống, lao động sản xuất.
Đến với chợ tình Xuân Dương, du khách sẽ được thưởng thức các làn điệu then, sli, lượn, đàn tính trữ tình ngọt ngào, đặc sắc và được thưởng thức văn hóa ẩm thực của người Tày, Nùng với các món ăn lạ mắt mà đậm hương vị của núi rừng như: Thịt treo gác bếp, bánh trứng kiến, bánh khảo, bánh đúc, bánh ngô, bánh lá ngải...
Lễ hội “Linh tinh tình phộc” độc nhất vô nhị ở Việt Nam
Lễ Linh tinh tình phộc được tổ chức tại miếu Trò làng Trám (còn có tên là miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nghi lễ tái hiện cảnh giao hợp của đàn ông và đàn bà này vừa được tổ chức vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng (tức đêm 10 rạng 11/2) vừa qua.
Các cụ cao niên trong làng cho hay, ngôi miếu này thờ bà Ngô Thị Thanh - người có công dạy dân làng múa hát, chơi trò chơi và làm lễ hội. Chính bởi những trò chơi rất “khác biệt” nên người dân gọi bà là “bà Đụ Đị” cái tên mang ý nghĩa phồn thực. Đúng 0 giờ, cụ chủ lễ sẽ lấy ra cặp sinh thực khí bằng gỗ được cất rất cẩn thận trong chiếc hòm đỏ phía trên bàn thờ trong miếu.Tiếp đó, cụ chủ lễ đưa “linh vật” cho một cặp nam nữ, người nam cầm “cái của nam” còn người nữ cầm “cái của nữ”. Đèn tắt phụt, đồng thời vang lên khẩu lệnh của cụ chủ lễ “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần.
Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi. Họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt, cây cối xanh tươi...
Lễ mật xong, cụ chủ lễ hô to “tháo khoán”, lúc này, các đôi trai gái trong làng được “tự do yêu đương”, thỏa sức làm “chuyện trai gái” nếu muốn. Nếu 9 tháng 10 ngày sau sinh con, đứa con ấy được coi là “trời ban”, cả làng sẽ cùng nhau nuôi dưỡng.
Theo các cụ cao niên trong làng, ngày xưa nếu ai yêu nhau nhưng bị lễ giáo phong kiến không cho thành vợ thành chồng, thì đây là lúc để vượt qua ngăn cản, có nhau một đêm xuân tình yêu mặn nồng. Còn lại, đây là lúc để các đôi trai gái tìm nhau, nếu có tình yêu và tiến tới hôn nhân chính là “duyên trời ban”, không ai có quyền ngăn cấm.
Tác giả: Hiệp Nguyễn
Nguồn tin: Báo Dân trí