Xã hội

Kỳ lạ người đàn ông làm chủ tịch hội phụ nữ

Một người đàn ông dù còn trẻ tuổi nhưng đảm trách chức danh Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ. Anh còn giúp bản của mình không còn người hút thuốc lá, uống rượu bia. Với anh, chỉ cần việc gì có lợi và giúp được dân là anh nhận làm hết...

Chân dung của anh Hồ Ê Nót

Chi hội trưởng phụ nữ

Nhâm nhi tách trà nóng đầu năm, anh Hồ Ê Nót (43 tuổi, ngụ ở bản Cu Pua, xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết anh chỉ học hết lớp 6 nhưng đọc viết vanh vách. Vào năm 1997, bản Cu Pua có 55 hộ dân với gần 300 nhân khẩu nhưng không có phụ nữ nào biết chữ. Thấu hiểu được nỗi khổ của chị em trong bản, Ê Nót đã tình nguyện nhận chức Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ để mong có thể giúp đỡ chị em được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi. Đây cũng là điều xưa nay hiếm bởi Hồ Ê Nót là chàng trai đầu tiên và có lẽ độc nhất vô nhị ở Việt Nam làm thủ lĩnh của “phe tóc dài”. Thời điểm đó anh vừa mới có vợ.

Những ngày đầu làm thủ lĩnh, Nót phải đi từng nhà vận động chị em dùng thuốc tránh thai, đặt vòng hay đưa chị em đi triệt sản, nhiều bà con dân bản nhớ lại vẫn còn buồn cười cái ngày Nót đến thủ thỉ vận động họ. “Nó tự hào về chức này lắm. Có hôm, một mình Nót dẫn theo cả đoàn mấy chục phụ nữ đi lên xã tập huấn học nghề thấy nó oai như một vị tướng dẫn quân ra trận”, một người hàng xóm nói.

Trong căn nhà của Nót có rất nhiều bằng khen, giấy khen được tỉnh Quảng Trị và huyện Đakrông tặng

Khi được hỏi tại sao là một người đàn ông mà lại đi làm công việc của phụ nữ, Nót cười hóm hỉnh: “Việc chi có lợi và giúp được dân bản thì mình nhận làm hết không phân biệt công việc của phụ nữ hay của đàn ông. Với lại, bản Cu Pua mình còn nghèo lắm, mình muốn giúp đỡ cho bà con nên không ngại ngùng việc chi cả”.

Những năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Cu Pua, Nót đã cùng chị em trong bản gặt hái nhiều thành tích trong mọi phong trào thi đua và luôn là Chi hội điển hình của xã nhiều năm liền...

Khi mới 23 tuổi, Nót không chỉ làm "sếp" hội phụ nữ mà còn đảm đương thêm chức Chi hội trưởng Chi hội y tế thôn bản, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Cộng tác viên dinh dưỡng. Thấy Nót làm được việc, lại tận tình vì dân bản nên năm 2002 bà con bầu anh làm Trưởng thôn Cu Pua, lúc này anh 28 tuổi.

Năm 1998, thấy cây đót mọc ở vùng cao rất nhiều nhưng phụ nữ trong bản không biết tận dụng để tạo thành một cái nghề để kiếm sống, Nót nghĩ ngay đến việc truyền nghề làm chổi đót cho chị em để kiếm thêm thu nhập. Vốn sinh ra trong một gia đình có nghề làm chổi đót gia truyền, nên Nót không mấy khó khăn khi truyền nghề cho chị em.

Không chỉ dạy làm chổi cho chị em trong bản, Nót còn ra tận các xã miền núi tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh hay vào Thừa Thiên - Huế để dạy nghề chổi đót theo lời mời từ các chương trình, dự án như: Quỹ hỗ trợ phát triển nghề tại các địa phương, dự án Plan...

Nót còn là người đi đầu trong việc vận động bà con dân bản bỏ rượu bia và thuốc lá. Năm 2005, anh bắt đầu thực hiện cuộc vận động đầy gian khó này. Anh là người trước đây hút thuốc rất nhiều, 1 ngày 2 gói nhưng anh từ bỏ được. Rồi phải mất một thời gian dài anh mới thuyết phục được bà con từ bỏ thói quen độc hại này.

Đến nay, 100% dân bản Cu Pua đã bỏ được rượu, bia và thuốc lá. Ở bất kỳ đám cưới, hội hè hay vào hàng quán nào ở bản Cu Pua bạn sẽ không hề thấy một giọt rượu, gói thuốc lá. Cu Pua là địa phương duy nhất ở Quảng Trị và có lẽ là của cả nước không có người sử dụng rượu, bia và thuốc lá.

Hiến đất xây trường

Cũng như nhà của nhiều dân bản khác, đất đai của gia đình Nót không nhiều. Vậy mà năm 2011, nghe tin có dự án về tận bản xây trường cho con em, ngay lập tức anh hiến 1.500 m2 xây trường tiểu học. “Tuổi thơ mình chỉ học hết lớp 6 vì gia đình khó khăn, trường học lại xa nhà đến vài giờ trèo đèo, lội suối. Giờ có dự án muốn xây trường cho con em ngay tại bản. Tội gì mình không hiến đất cho xây. Chỉ cần con em trong bản có chỗ học thuận tiện, không phải trèo đèo lội suối... thì có hiến bao nhiêu đất mình cũng thấy vui”, Nót tâm sự.

Những ngày mưa gió, học sinh ở bản khác phải lội sông Đakrông đến trường mầm non Cu Pua học tập được Nót cho ở lại tại nhà mình để tiện cho việc học, không phải nguy hiểm qua sông mỗi mùa mưa bão. Mọi chi phí ăn uống, ngủ nghỉ của các em đều được Nót miễn phí.

Sau khi hiến đất xây trường tiểu học xong, Nót lại hiến 500m2 đất xây nhà sinh hoạt cộng đồng và ngôi nhà đó cũng là “điểm trường” mầm non của bản. Nhưng rồi lớp học ngày càng đông mà “điểm trường” thì chật hẹp nên Nót lúc nào cũng day dứt trong lòng. Vậy là, anh Nót quyết định làm đơn xin hiến thêm 500 m2 đất ngay cạnh ngôi nhà sàn của gia đình anh vào năm 2013 cho chủ đầu tư để xây trường mầm mon. Để trường mầm non tương lai có thêm khu vui chơi, anh bàn với vợ hiến thêm “căn bếp” của gia đình mình.

Năm 2009, anh Nót gặp một tai nạn nên sức khỏe giảm sút, anh không đảm nhận được nhiều chức danh như trước. Vậy mà mỗi lần dân bản có việc cần, anh lại chạy ngược chạy xuôi để lo liệu mà không đòi một đồng lộ phí.

Tác giả: Gia Huy

Nguồn tin: ngaynay.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok