Theo chân phóng viên BBC Matthew Vickery đến thăm ngôi làng Nördlingen thuộc miền nam nước Đức tới một tháp nhà thờ kiểu Gothic.
“Tòa tháp làm từ đá suevite. Đây là kiểu đá dăm kết hợp với các mảnh vụn chứa thủy tinh, pha lê và kim cương. Bao bọc bên trong là những viên kim cương siêu nhỏ. May là kích thước chúng quá nhỏ, nếu không tòa tháp sớm đã không còn rồi”, anh Horst Lenner, người trông coi tháp, hài hước nói.
Những người dân định cư đầu tiên đến với Nördlingen không hề biết rằng họ sống trên mỏ kim cương, với hàng triệu viên siêu nhỏ tập trung tại đây mà không nơi nào có được.
Ngôi làng nằm gọn trong một hố thiên thạch khổng lồ. Khoảng 15 triệu năm trước, một tiểu hành tinh đâm xuống trái đất để lại hố lõm. Lực đâm mạnh tạo nên loại đá suevite. Người định cư đầu tiên vào khoảng năm 898 sau công nguyên đã dùng loại vật liệu này để dựng nhà cửa.
Một số công trình còn tồn tại tới ngày nay. Những bức tường bao bọc, nhà thờ, được cho là xây từ những viên kim cương siêu nhỏ. Tất cả đều nhỏ hơn 0,2mm – hầu như không thấy bằng mắt thường.
Bà Roswitha Feil, một cư dân của Nördlingen cho biết, mọi bức tường trong làng đều làm từ loại đá chứa kim cương. Người ta ước tính, nhà thờ St. Georges có lượng kim cương lên tới 5000 carat. Nếu tính tổng toàn bộ cả làng, nơi này phủ trên mình khoảng 72,000 tấn bụi loại khoáng sản quý hiếm này.
“Nhà thờ St. Georgs tại thị trấn được xây từ đá suevit chứa hàng ngàn carat kim cương. Chúng rất nhỏ được coi như bụi kim cương, chỉ có thể thấy được qua kính hiển vi. Có thể nói, kim cương tại đây mang ý nghĩa về khoa học và không mang giá trị kinh tế”, ông Gisela Pösges, phó giám đốc bảo tàng Ries Crater ở Nördlingen, chia sẻ.
Ngôi làng kim cương hiện là điểm thu hút khách đến với miền nam nước Đức. Một người dân địa phương nói đùa: “Người ta bảo chúng tôi sống trên mỏ kim cương. Điều đó thì đúng, nhưng tôi chẳng thấy gì khác biệt”.
Tác giả: Hoàng Hà (Theo BBC/travelandleisure)
Nguồn tin: Báo Dân trí