Du lịch

Kỳ lạ món cháo có độc “chết người” được xem là đặc sản trứ danh ở Hà Giang

Món cháo được chế biến từ củ ấu tẩu, loại củ có độc mọc trên vùng núi cao biên giới phía Bắc. Tuy nhiên, qua bàn tay chế biến của người Hà Giang, loại độc dược này lại trở thành nguyên liệu có hương vị hấp dẫn, khó quên.

Món ăn nghe có vẻ lạ tai nhưng lại được xem là đặc sản của người Mông ở Hà Giang. Sở dĩ gọi đây là món “cháo độc” bởi món ăn được chế biến từ củ ấu tẩu là loại củ có độc mọc trên vùng núi cao biên giới phía Bắc. Lượng độc của ấu tẩu có thể làm cho người tê cứng chân tay, tắc nghẽn mạch máu, đông máu mà chết. Tuy nhiên, người Hà Giang lại có cách chế biến khiến nó trở thành món đặc sản quý có tác dụng chữa bệnh lại có hương vị rất hấp dẫn.

Để khử độc tố của của ấu tẩu, người ta sẽ phải chế biến qua nhiều công đoạn, như ngâm qua đêm, đặc biệt phải nấu thật lâu.

Củ ấu tẩu còn có tên gọi khác là ô đầu và phụ tử. Theo y học, củ ấu tẩu có vị cay tê, tính nóng, và có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Từ lâu người Mông đã dùng củ ấu tẩu ngâm xoa bóp chân khi đau nhức hoặc chữa cảm gió rất hiệu quả. Bát cháo ấu tẩu ban đầu chỉ được biết đến như món cháo giải cảm của đồng bào dân tộc Mông. Sau này, người dân Hà Giang thêm một số gia vị, phụ gia khác, nấu thành món cháo "đặc sản" của xứ sở mờ sương, ăn ngon miệng lạ lùng.

Để chế biến củ ấu tẩu thành món ăn rất công phu và mất nhiều thời gian. Thông thường, trước khi nấu, người dân vùng cao Tây Bắc thường ngâm ấu tẩu trong nước gạo đặc, sau đó ninh nhừ khoảng 4 - 5 tiếng cho chất độc tiết ra hết. Khi đó, cụ Ẩu tẩu tơi ra thành bột đặc sền sệt. Thứ bột này đem đổ vào nồi cháo chân giò lợn, gạo tẻ, có khi thêm tí nếp cho sánh thơm. Để cháo nhừ và sánh nhuyễn, đặt nồi cháo trên bếp cho lửa liu riu, lúc nào cũng bốc hơi lục sục. Khi ăn người ta múc ra bát, cho thêm quả trứng gà, thịt nạc băm, cùng gia vị như ớt, tiêu, hành và đặc biệt là lá tía tô.

Để biết cháo đã ăn được hay chưa, người ta dùng thìa múc ra một lượng nhỏ nếm thử, nếu cảm nhận đầu lưỡi tê cứng... thì có nghĩa là ấu tẩu chưa hết độc, nếu không thấy tê đầu lưỡi thì có nghĩa là cháo đã được nấu xong và có thể múc ra ăn ngay.

Cháo ấu tẩu nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon, béo ngậy đặc trưng

Cháo ấu tẩu Hà Giang có vị béo ngậy, thơm, cay và đặc biệt là đắng, vị đặc trưng của củ ấu tẩu. Khi mới ăn sẽ cảm nhận thấy một vị đắng bùi, khó nuốt, nhưng chỉ vài ba thìa đã thấy ngọt miệng, ăn nhiều còn có thể sinh nghiện.

Người dân ở đây ăn cháo ấu tẩu hàng ngày và dùng như một thứ thuốc chữa bệnh giúp giãn gân cốt, giảm đau nhức các cơ, xương, thậm chí là cả u nhọt. Nhiều người còn cho biết khi ăn loại cháo này, người đi xa về sẽ có một giấc ngủ say. Một số người bị mất ngủ, thường dùng cháo Ẩu tẩu trước giấc ngủ khoảng vài tiếng đồng hồ, để đi vào giấc ngủ sâu hơn và không bị thức giấc lúc nửa đêm.

Theo kinh nghiệm của những người nấu cháo ấu tẩu bán ở Hà Giang nhiều năm nay, khi nấu cháo, tuyệt đối không được nấu vào nồi áp suất. Nếu nấu vào nồi áp suất thì ấu tẩu sẽ nhanh nhừ nhưng lượng độc tố có trong củ ấu lại không phân hủy được hết.

Nếu không may có người trúng độc do ăn cháo ấu tẩu thì cần phải tẩm quất, mát xa ngay để giải độc. Trong khi tẩm quất nếu giác hơi được cho nạn nhân được thì càng tốt nhằm loại thải độc tố có trong cơ thể của nạn nhân. Đây là cách giải độc duy nhất khi bị trúng độc củ ấu tẩu.

Tác giả: Hiệp Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok