Xã hội

Kỳ lạ chuyện làng lập hương ước để bảo vệ rừng lộc vừng trăm tuổi

Một ngôi làng ở Huế đã lập hằn một hương ước để bảo vệ khu rừng lộc vừng có tuổi đời trên 300 năm tuổi và được mệnh danh là “lá phổi xanh của làng”.

Ngôi làng mà chúng tôi nói đến là làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Ngôi làng này hiện tồn tại một khu rừng lộc vừng cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi thuộc hàng hiếm có trên cả nước.

Khu rừng cây Lộc Vừng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi ở làng Siêu Quần. (Ảnh: Trần Anh)

Làng cổ giữa rừng trăm tuổi

Đến làng Siêu Quần, điều làm những vị lữ khách ấn tượng nhất có lẽ là hệ thống những cây lộc vừng cổ thụ có tuổi đời vài trăm năm tuổi bao bọc bọc quanh làng. Nó giống như một vành đai xanh để che chở và bảo vệ làng.

Video: Cận cảnh rừng lộc vừng cổ thụ được dân làng lập hương ước bảo vệ

Ông Nguyễn Hiệu – Trưởng thôn Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa thiên – Huế) bảo, thôn Siêu Quần xưa thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, được lập ra vào năm 1306.

Rừng lộc vừng cổ thụ dài gần 3 km bao bọc quanh làng Siêu Quần. (Ảnh: Trần Anh)

Từ hồi khai canh, lập đất, các bậc cao niên của thôn đã trồng cây lộc vừng tổ trên đất chùa trong thôn và khi đắp đê ngăn mặn, thấy cây này có những đặc tính hợp với đất ở vùng này, họ đã quyết định chọn cây lộc vừng trồng đại trà trên những con đê nhằm giữ đất, chắn sóng.

Ông Hiệu còn cho biết, rừng lộc vừng trăm tuổi này còn gắn liền với câu chuyện về một vị quan triều Nguyễn. Chuyện kể rằng, cách đây khoảng 300 năm, có ông Trần Văn Kỷ ở làng Vân Trình kế bên làng Siêu Quần vốn là người học rộng tài cao, thi cử đỗ đạt và được vào triều làm quan.

Người làng Siêu Quần cho rằng, mỗi cây lộc vừng là một chiếc áo ấm mà vị quan triều Nguyễn tặng cho làng. (Ảnh: Trần Anh)

Một dịp ông Kỷ về thăm quê có mang theo nhiều giống cây khác nhau mà trước đây làng chưa có như cây mưng (lộc vừng – PV), cây cừa,... Ông đi đến từng nhà kêu gọi người dân trồng cây trước nhà, bờ ruộng và hứa sẽ tặng mỗi nhà một chiếc áo thật ấm để tránh rét ngày đông.

Nghe lời quan, người dân ai nấy đều háo hức trồng cây và mong một ngày vị quan này sẽ trở về và ban tặng áo. Thời gian thấm thoát trôi qua, những cây nhỏ ngày nào đã hóa thành cây to, vươn cao với nhiều tán lá, phủ bóng mát ngày nóng và giúp chắn gió cho người dân những ngày đông rét buốt.

Đến mùa hoa nở, đường vào làng Siêu Quần rực rỡ sắc đỏ của hoa lộc vừng rơi rụng. (Ảnh: Trần Anh)

Khi tuổi đã cao, vị quan quyết định trở về quê hương để sống cuộc sống an nhàn cuối đời. Vừa đặt chân đến cổng làng, người dân đã ùa ra chào đón ông. Mọi người đều mừng thầm trong bụng sẽ được vị quan tặng áo. Các bô lão tiến đến gần hỏi quan: “Thưa quan, những chiếc áo được thêu từ những người thợ giỏi của Kinh thành ắt hẳn đang được quan mang về đây ạ?”

Vị quan không nói năng gì mà đưa tay chỉ về hàng cây lộc vừng mà trước đây ban phát cho làng nói: “Áo mà tôi hứa sẽ tặng cho bà con là nằm ở đây này”.

Sau hồi ngẫm nghĩ, nhìn lại hàng lộc vừng tốt tươi, đã che chở cho làng Siêu Quần trải qua bao trận bão lũ thiên tai, dân làng mới ngộ ra tấm áo mà ông nói đến là những cây lộc vừng do chính tay họ trồng.

Lập hương ước bảo vệ rừng già

Làng Siêu Quần có 320 ha rừng thì cây lộc vừng chiếm đến 70% diện tích. Quanh làng có hàng nghìn cây lộc vừng cổ thụ, trải dài gần 3km, tạo thành một vành đai vững chắc chắn bão cho người dân trong thôn.

Trước đây, có thời gian cây lộc vừng bị trộm cắp rất nhiều, từ đó người dân trong thôn đã lập hương ước để bảo vệ. Trong đó, có những quy ước vừa có tính nhân văn vừa có tính răn đe. Đồng thời, người dân phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thành quy ước văn hóa để người dân thực hiện nghiêm túc nhằm bảo vệ rừng lộc vừng hàng trăm tuổi.

Dân làng Siêu Quần đã lập ra một hương ước riêng để bảo vệ "lá phổi xanh" của làng. (Ảnh: Trần Anh)

Trưởng thôn Siêu Quần cho biết, trong hương ước có quy định: “Ai chặt hoặc đào bán lộc vừng trong làng sẽ bị phạt 500.000 đồng và tên của người đó sẽ nêu trên loa phát thanh xã. Đồng thời, phải dâng mâm trầu, rượu đưa ra đình làng tạ lỗi với dân làng.”

Cũng theo ông Hiệu những năm gần đây cây lộc vừng cổ thụ được giới chơi cây cảnh săn lùng, trả giá cao. Nhưng từ khi có hương ước, khu rừng lộc vừng ở làng Siêu Quần được bảo vệ nghiêm ghặt, phát triển tốt, trở thành “lá phổi xanh” cho ngôi làng. Điều này là kết quả của sự đồng lòng, đồng sức và ý thức bảo vệ cao của dân làng.

Trải qua thời gian, những thế hệ từng qua các thời kì kháng chiến chống Pháp và Mỹ, không thể quên hình ảnh những cây lộc vừng như “lá chắn” chở che cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích tiến vào trung tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Chủ tịch UBND xã Phong Bình chia sẻ: “Xã Phong Bình có 5 làng, cả 5 làng đều có hương ước liên quan đến việc bảo vệ cây cổ thụ. Bản hương ước này, hàng năm vào ngày lễ tế của làng, những người từ 18 tuổi trở lên sẽ họp tại đình làng. Lúc này trưởng làng sẽ dựa theo những ý kiến của số đông mà sửa đổi, bổ sung thêm vào bản hương ước. Làng Siêu Quần là nơi có diện tích rừng lộc vừng lớn, loại cây này có giá trị cao nên từ lâu người dân trong làng đã lập hương ước.”

Được biết, hiện nay làng Siêu Quần đang lập hồ sơ gửi Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đề nghị vinh danh rừng cây Lộc Vừng và một số cổ thụ khác của làng là cây di sản.

Tác giả: Trần Anh

Nguồn tin: Báo VTC NEWS

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok