Thể thao

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng: ‘Em còn trẻ con, chưa có người yêu’

Đi vào lịch sử của bơi Việt Nam với tấm HCB ASIAD nhưng Nguyễn Huy Hoàng không mất ngủ bởi chiến tích lớn đầu đời.

Buổi sáng sau khi tỉnh dậy với tấm HCB ASIAD, Huy Hoàng vẫn là chàng trai với nụ cười hồn nhiên như những ngày trước đó.

“Em mới 18 tuổi thôi, còn trẻ con lắm nên không nghĩ ngợi gì nhiều đâu. Trước mắt em cứ tập luyện thật tốt để thi đấu, không đặt ra mục tiêu gì và sống thật vui vẻ. Mình cứ tập luyện thật tốt để thi đấu thôi”, Huy Hoàng nói và nở nụ cười.

Cao và hơi gầy, gương mặt thì trong trẻo như cậu học sinh cấp 2, hỏi Hoàng đã có người yêu chưa, thoáng một chút thẹn thùng, chẳng giống gì lúc dũng mãnh trên bể bơi: “Em còn trẻ con lắm, đã yêu ai bao giờ đâu”.

“Thế tiêu chuẩn người yêu của Hoàng là gì? Một cô gái chân dài, bơi giỏi?”. “Không, không, em chỉ cần bạn ấy có khuôn mặt xinh xắn, dễ thương. Không cần biết bơi đâu ạ. Sau này nếu bạn ấy không biết bơi, em sẽ dạy cho bạn ấy”, sau phút ngượng ngùng, anh chàng lại lém lỉnh.

Chàng trai 18 tuổi bật mí chưa yêu ai bao giờ.

Trước khi lên đường sang Indonesia, anh chàng chẳng hề nghĩ đến chuyện mình sẽ đoạt huy chương: “Lúc đó em chỉ nghĩ sang đây dự giải, có nhiều đối thủ mạnh từ châu lục, em sẽ học hỏi được nhiều điều, để tích lũy kinh nghiệm, sau này sẽ phấn đấu có huy chương. Đơn giản vậy thôi!”.

Là con út trong một gia đình có tới 6 anh chị em ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình, nhà gần sông Gianh nên ngay từ nhỏ, Hoàng đã bì bõm bơi lội cùng chúng bạn. Có lần khi mới tập, bơi còn chưa thạo, Hoàng bị mấy anh lớn trong xóm ném ra khúc sông xa, Hoàng hoảng sợ quá khóc loạn lên, cố lóp ngóp dùng sức bơi vào bờ. Nhưng sau lần đó thì Hoàng biết bơi và ngày nào cũng chăm chỉ đi bơi.

Cả vùng quê của Hoàng sống bằng nghề nuôi cá trên sông. Thế là ngay từ nhỏ Hoàng đã cùng gia đình hàng ngày ra các lồng cá ở dưới sông, kỹ năng bơi vì thế cũng tự nhiên hình thành theo thói quen sinh hoạt của gia đình. “Cà nhà em không ai là không biết bơi hết. Nên em cũng biết bơi giống như mọi người ở quê em thôi”.

Kỹ năng bơi của Huy Hoàng hình thành tự nhiên theo thói quen sinh hoạt của gia đình.

11 tuổi, đang hàng ngày nhảy chân sáo ra lồng cá của gia đình, bỗng nhiên Hoàng đọc được thông báo tuyển VĐV bơi lội cho đội tuyển bơi lội của tỉnh. Thế là vui mừng, phấn khích lắm, anh bạn điền tên vào đăng ký. Nhưng bơi tự do dưới sông, hồ lại khác khá nhiều với kỹ năng bơi của một VĐV chuyên nghiệp, Hoàng phải mất thêm 2 tháng để tập bơi cho bài bản. Sau khi được các thầy kiểm tra, thấy được mới nhận.

Lúc đầu mới lên tập huấn ở đội tuyển Quảng Bình cách xa nhà 50 km, Hoàng nhớ nhà lắm, lúc gọi điện về nhà là khóc, lúc tập luyện mệt mỏi cũng muốn bỏ cuộc. Bố mẹ Hoàng cũng nhớ con nên thường hay bắt xe khách lên thăm con, động viên con xong rồi lại về.

Được cái khi lên đội tuyển tỉnh, được tập ở bể bơi, Hoàng thích lắm, thấy khác hơn hẳn so với tập ở sông hồ. Nên ngoài giờ tập luyện chính, hễ rảnh là Hoàng lại ra bể bơi tập luyện. Khi xuống nước, Hoàng cảm thấy thật nhẹ nhõm, nỗi nhớ nhà dường như tan biến.

Sau 2 năm tập luyện, 13 tuổi, Hoàng ẵm ngay HCV ở giải vô địch trẻ quốc gia và thế là được lên đội tuyển trẻ quốc gia. Giờ thì Hoàng đã quen nên không còn chuyện nhớ nhà nữa mà lao vào tập luyện.

17 tuổi, Hoàng làm nên cơn địa chấn khi vô địch SEA Games ở nội dung 1.500 m tự do. Đêm đó vui quá, Hoàng không thể ngủ được. Cứ nhắm mắt vào là lại mơ thấy mình đang bơi rồi được đứng lên bục nhận huy chương.

“Giờ em cũng quen rồi nên hôm qua vẫn ngủ ngon, không hồi hộp như trước. Chỉ có lúc em gọi điện thoại về nhà thông báo với mẹ, mẹ khóc và bảo: ‘Mẹ vừa xem con thi đấu vừa khóc. Tuyệt vời đó, con cố lên’. Nghe giọng mẹ, em thấy xúc động quá và muốn sẽ thi đấu thật tốt để mẹ em ở nhà sẽ có thêm những giây phút hạnh phúc đó”.

Huy Hoàng trên bục nhận huy chương SEA Games năm 17 tuổi.

Hỏi Hoàng có gặp phải khó khăn gì trong cuộc sống, trong tập luyện và thi đấu không. Đáp lại là một vẻ mặt đầy quả quyết: “Hồi nhỏ gia đình em có chút khó khăn nhưng giờ thì ổn rồi. Em không gặp phải khó khăn gì cả bởi luôn ý thức được việc mình làm”.

Sở thích lớn nhất của Hoàng sau khi tập luyện mệt mỏi là ngồi tán gẫu với các đồng đội và xem các anh ở đội tuyển bóng đá U23 thi đấu. “Em yêu quý tất cả anh ở đội đó. Có lần ở giải U23 châu Á vừa qua, em tập xong phải chạy như bay về phòng mới kịp xem các anh thi đấu. Em rất mong các anh ấy thành công”, Hoàng nói.

Huy Hoàng cùng tấm huy chương làm rạng danh nước nhà.

Không đặt mục tiêu trở thành Schooling hay những mục tiêu xa vời, Nguyễn Huy Hoàng dường như muốn thực hiện triết lý “cứ đi rồi sẽ đến”.

“Em cứ tập luyện thật chăm chỉ, nỗ lực từng ngày, học hỏi, tích lũy thật nhiều kinh nghiệm từ các VĐV giỏi thì một ngày nào đó, hy vọng em cũng sẽ thành công”, chàng trai Quảng Bình nở nụ cười rạng rỡ.

Và ở đó có cả nắng, cả gió mang theo mơ ước của Hoàng về một ngày không xa, kình ngư này sẽ bước lên bục cao nhất của đấu trường châu lục…

Nói về Hoàng, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên không hết lời khen ngợi: “Tính em Hoàng hay lắm và ý chí của em ý thì thật tuyệt vời. Khi em ấy mới 13 tuổi, bơi ở giải vô địch trẻ quốc gia, em ấy gắng sức đến mức khi về đích ở nội dung 1.500 m, em ấy không thể lên bờ được. Mọi người phải kéo em ý từ bể bơi lên rồi dìu em ấy đi. Em ấy sẽ còn tiến xa nếu cứ tập luyện chăm chỉ và có thầy tốt”.

Tác giả: Vân Giang

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok