Theo Báo cáo nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng online Việt Nam 2016, chỉ có 6% người dùng Việt Nam mua hàng online. Tuy nhiên, con số này lên đến 18% năm 2017. Để bắt kịp xu hướng này, người làm kinh doanh phải mở rộng các kênh bán hàng online để khai thác lượng khách hàng tiềm năng, cũng như tối ưu hóa hoạt động quảng cáo để tăng doanh thu.
Nền tảng cho doanh nghiệp
Zalo là một kênh tiếp cận mới với tập khách hàng tiềm năng nhưng nhiều người kinh doanh vẫn còn nghi ngại về các hình thức quảng cáo và hiệu quả mà nền tảng này mang lại.
Dẫu vậy việc đăng ký thuận tiện và dễ dàng sử dụng nên hầu hết người dùng điện thoại thông minh đều cài đặt, sử dụng ứng dụng này và tìm kiếm những giải pháp kinh doanh trong hệ sinh thái của Zalo.
Với lợi ích có thể kết nối bạn bè, người thân nhưng vẫn đảm bảo được quyền riêng tư, Zalo đang có hơn 100 triệu người dùng. Ứng dụng này chính là một môi trường khai thác kinh doanh online hiệu quả. Zalo đang có nền tảng tốt về khách hàng tiềm năng nhưng làm cách nào để người dùng có thể tận dụng và tự tin để thử sức với ứng dụng này trong kinh doanh?
Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Khối Zalo Business, giới thiệu các giải pháp kinh doanh trên nền tảng Zalo. |
Ông Nguyễn Công Chính, Giám đốc Khối Zalo Business, cho rằng: “Ngay từ thời điểm ra đời Zalo đã nghĩ đến việc xây dựng nền tảng cho các doanh nghiệp, tổ chức, đối tác. Nền tảng này duy trì được sự tương tác của người dùng giúp họ tiếp cận được các công cụ kinh doanh trên Zalo một cách tối ưu nhất. Song song với sự phát triển của Zalo, chúng tôi cũng liên tiếp triển khai những giải pháp kinh doanh khác nhau trên ứng dụng này".
Cũng theo ông Chính, giải pháp kinh doanh online hiện nay rất nhiều nên nền tảng này muốn phát triển hướng đến sự khác biệt của Zalo Business so với các nền tảng khác để tạo nên sự tối ưu cho người dùng.
Ở Việt Nam, để kinh doanh online cần rất nhiều giải pháp nhưng chủ yếu vẫn được chia thành 2 nhóm đó là kênh truyền thông và công cụ quản lý online. Kênh truyền thông là nơi truyền tải thông tin về sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp tới người dùng trong khi đó công cụ được áp dụng để quản lý và tối ưu chiến lược của doanh nghiệp.
Mô hình kinh doanh mới
“Giải pháp kinh doanh của Zalo không đơn thuần chỉ là kênh truyền thông hay cung cấp các công cụ. Chúng tôi xây dựng nền tảng không phải chỉ để giải quyết một khâu trong kinh doanh mà hỗ trợ người dùng triển khai một mô hình kinh doanh mới mà Zalo cung cấp” - ông Chính cho hay.
Có 4 yếu tố cấu thành nên sự khác biệt của nền tảng Zalo Business so với cáccông cụ hỗ trợ kinh doanh khác. Đó là thế mạnh về người dùng (lớn nhất Việt Nam); hai là cung cấp sẵn các cơ chế tương tác với người dùng với những kênh đặc thù như Zalo Ads, Chat, Zalo Shop..., ông Chính thông tin. Thứ 3 là hệ thống các công cụ Zalo cung cấp giúp tương tác tốt với cơ chế quảng cáo, nội dung, hàng hóa... công cụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả hơn như quản lý đơn hàng, quản lý người dùng... Thành phần cuối cùng là khả năng mở rộng và kết hợp với các giải pháp bên ngoài để phù hợp với từng mô hình kinh doanh.
Hiện Zalo cũng đã kết nối với các công ty dẫn đầu trong việc cung cấp các giải pháp thương mại điện tử cho doanh nghiệp tại Việt Nam như Haravan, Sapo… để đa dạng hoá công cụ hỗ trợ nhà kinh doanh.
Với Marketplace, ở thời điểm hiện tại chưa có ứng dụng OTT nào triển khai chính thức ở Việt Nam. Zalo đang là nền tảng duy nhất sở hữu hình thức kinh doanh này.
Những yếu tố như nguồn gốc, chất lượng hàng hoá sẽ được kiểm duyệt chặt chẽ trước khi được “rao bán” trên Zalo Marketplace. Đây là “chợ mua bán” tương tự như các trang thương mại điện tử hiện nay, với chi phí đầu tư gần bằng 0.
Hệ thống API là một ưu điểm công nghệ nổi trội và độc đáo trên Zalo. Dựa vào đó, Zalo Shop sẽ đồng bộ với các nền tảng bán hàng khác của doanh nghiệp như website hay app. Doanh nghiệp sẽ dễ dàng quản lý tồn kho, doanh số, danh mục sản phẩm… tại một đầu mối duy nhất. Đây là cơ sở để người dùng tiếp cận và tận dụng hệ sinh thái kinh doanh trên nền tảng Zalo.
Tác giả: Bình Nguyên
Nguồn tin: zing.vn