Kinh tế

Kinh doanh gas: Siết hay mở 
đều gặp khó

Một nhóm doanh nghiệp đã gửi văn bản lên Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu được “bồi thường” do Bộ Công thương nới lỏng các điều kiện kinh doanh gas!


Một đại lý kinh doanh gas trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Số tiền đòi bồi thường này là khoản tiền họ đã đầu tư vào kho chứa và vỏ bình.

Trong khi đó, nhiều DN khác lại cho rằng không thể “siết” quá chặt các điều kiện, hạn chế quyền tự do kinh doanh.

Đầu tư bài bản bị thiệt hại?

Cũng tại văn bản này, các DN cho rằng việc nới lỏng các điều kiện kinh doanh gas sẽ là sự bất công với những DN làm ăn chân chính, vay vốn ngân hàng đầu tư bài bản để đáp ứng quy định.

“Cần giữ nguyên quy định về sở hữu bồn chứa và vỏ bình, điều kiện trạm nạp gas phải thuộc sở hữu của thương nhân đầu mối để gắn trách nhiệm”, văn bản nêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Minh Châu, giám đốc Công ty Dầu khí Thanh Hóa, cho biết ngay từ khi nghị định 107/2009 về quản lý kinh doanh gas được ban hành, DN này đã phải đầu tư hệ thống kho chứa 800m3 cùng 300.000 vỏ bình để đáp ứng các điều kiện.

Tuy nhiên, nghị định 19/2016 thay thế nghị định 107 được ban hành với nhiều điều kiện nới lỏng đã khiến DN “đứng ngồi không yên”.

Và trong thời gian tới, Bộ Công thương dự kiến sẽ sửa đổi nghị định 19, trong đó “hạ chuẩn” nhiều điều kiện, khiến DN lỡ đầu tư lớn trước đó có nguy cơ bị thiệt hại nặng, khó có thể cạnh tranh được.

“Chúng tôi đã đầu tư tới hơn 135 tỉ đồng cho hệ thống kho chứa và vỏ bình, chưa kể đầu tư thương hiệu riêng, nếu điều kiện kinh doanh gas được nới lỏng như dự kiến, vốn đầu tư này coi như công cốc” - ông Châu nói.

Theo ông Châu, một khi các điều kiện được nới lỏng, trong đó có chuyện đầu tư vỏ bình, các DN chưa đầu tư, nhất là DN nhỏ có thể tận dụng kẽ hở này để đi chiết thuê, dẫn tới khả năng chiết lậu.

“Và khi không đầu tư nhiều cho kho chứa và vỏ bình, những DN này sẽ có chi phí thấp hơn, các DN lớn không thể tồn tại được” - ông Châu nói.

Giám đốc một DN kinh doanh gas khác dẫn trường hợp một số DN chỉ có số lượng vỏ bình đủ cung ứng khoảng 10 tấn ra thị trường, nhưng trên thực tế đã cung cấp đến hàng trăm tấn.

Theo vị này, số lượng gas lậu được cung cấp ra thị trường là do những DN này thu gom các vỏ bình không đảm bảo chất lượng từ nhiều nguồn khác nhau.

“Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến an toàn tính mạng, cháy nổ cho người tiêu dùng” - vị này nói.

DN nhỏ cũng được quyền kinh doanh

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Phượng, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Tiến Phát, cho rằng không nên đánh đồng tất cả các DN nhỏ đều làm ăn gian lận, sang chiết gas lậu trái phép và đưa vỏ bình kém chất lượng ra thị trường.

Theo bà Phượng, Công ty Tiến Phát hiện đang chiết nạp gia công cho ba thương hiệu gas. Trong quá trình sang chiết gas, cả ba thương hiệu đều có kiểm soát viên tại kho để giám sát.

“Với sự kiểm soát chặt chẽ như vậy, dù chúng tôi có muốn chiết lậu hay đưa vỏ bình kém chất lượng vào thị trường cũng khó” - bà 
Phượng khẳng định.

Giám đốc một DN kinh doanh gas nhỏ cũng cho rằng không nên áp dụng cứng nhắc quy mô kho chứa hay số lượng bình lớn cho tất cả DN ở mọi địa bàn.

Bởi có nhiều DN nhỏ được hình thành để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gas ở vùng sâu vùng xa, chỉ cần khoảng 20.000-30.000 vỏ bình.

“Với những DN ở những địa bàn này mà buộc phải đầu tư hàng trăm ngàn vỏ bình gas là không phù hợp, mà chỉ tạo thêm gánh nặng cho DN nhỏ” - vị này nói.

Ngoài ra theo nhiều DN, hoạt động sang chiết và kinh doanh gas hiện đang có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng địa phương nên những DN làm ăn chân chính, trọng uy tín sẽ không dám “làm liều”.

Giám đốc một DN cho rằng thay vì siết các điều kiện về đầu tư hạ tầng kinh doanh gas, làm hạn chế quyền kinh doanh của các DN nhỏ, Nhà nước có thể đưa vào nghị định những quy định chặt chẽ để kiểm soát việc sang chiết gas, vỏ bình kém chất lượng và phạt nặng những trường hợp vi phạm để làm gương.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Khánh - thứ trưởng Bộ Công thương - cho rằng sau khi khảo sát, Bộ Công thương nhận thấy có một số quy định gây ảnh hưởng đến sự phát triển thị trường trong nước, trong đó có nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh khí hóa lỏng.

Do đó, lãnh đạo bộ đã tổ chức nhiều cuộc họp đưa ra định hướng sửa đổi để nghị định này phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, trên cơ sở đảm bảo hài hòa quyền lợi của DN nhỏ và vừa cũng như các DN đã có sự đầu tư bài bản.

* Ông Nguyễn Minh Đức (ban pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI): Không có cơ sở đòi “bồi thường”

Việc xử phạt nặng các hành vi gian lận trong kinh doanh gas là cần thiết nhưng không có nghĩa là các DN nhỏ không được tham gia thị trường, bởi chưa có bằng chứng cho thấy DN nhỏ vi phạm nhiều hơn DN lớn. Cũng không thể cấm DN nhỏ tham gia thị trường.

Việc đòi “bồi thường” cho khoản đầu tư thêm cũng không có cơ sở pháp lý. Hơn nữa, nếu DN đầu tư thêm sẽ được quyền kinh doanh, những DN không thể đầu tư thêm cũng sẽ bị mất toàn bộ quyền kinh doanh thì ai sẽ bồi thường?

* Bà Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Phải đảm bảo quyền kinh doanh của DN nhỏ

Việc quy định các điều kiện kinh doanh gas, như có bao nhiêu bình gas mới được kinh doanh gas, là tạo ra rào cản cạnh tranh không lành mạnh, khiến DN nhỏ không có cơ hội tham gia thị trường.

Các điều kiện về đảm bảo quy mô sẽ làm tăng chi phí cho DN, gây lãng phí cho xã hội, chưa kể khi đầu tư chi phí cao, DN sẽ tìm cách “móc túi” người tiêu dùng.

Tác giả bài viết: NGỌC AN - LÊ THANH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok