Cán cân tài chính của PVC hiện đang khó khăn |
Theo đó, PVC rao bán 3 ô tô, gồm 1 xe Ford Everest 7 chỗ đăng ký năm 2008 với giá khởi điểm 284,6 triệu đồng; 1 xe Hyundai Santafer 7 chỗ đăng ký năm 2009 giá khởi điểm 410 triệu đồng và 1 xe Honda Civic 5 chỗ đăng ký năm 2008 với giá khởi điểm 350 triệu đồng. Các mức giá này đều đã bao gồm VAT.
Xe được rao bán cho cán bộ công nhân viên trong tổng công ty và cả “người ngoài”. Khoản tiền mà cá nhân, tổ chức đăng ký mua xe phải nộp đặt cọc là 20 triệu đồng/chiếc. Việc đăng ký diễn ra trong tháng 12/2017, tuy nhiên, PVC chưa cập nhật kết quả thanh lý số tài sản nói trên.
Hoạt động thanh lý tài sản của PVC diễn ra trong bối cảnh hàng loạt nguyên lãnh đạo của tổng công ty này phải ra hầu toà còn công tác sản xuất kinh doanh vẫn chật vật. Năm 2017, PVC ước lỗ hợp nhất 472,5 tỷ đồng và dự kiến tiếp tục lỗ 84 tỷ đồng trong năm 2018.
Theo báo cáo tài chính của PVC, đến cuối quý III/2017, doanh nghiệp này có 13.432,9 tỷ đồng tổng tài sản (tăng hơn 530 tỷ đồng so với đầu năm 2017). Tuy nhiên, tiền và các khoản tương đương tiền đã giảm tới 42% còn 766 tỷ đồng.
Nợ phải trả lên tới 10.500 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới hơn 93% tổng nợ.
Được biết, trong giai đoạn từ năm 2014 - 2017, PVC đã đẩy mạnh công tác thu hồi công nợ của các khách hàng trong và ngoài ngành với tổng số tiền thu được khoảng 689,45 tỷ đồng (riêng năm 2017 thu được khoảng 212,6 tỷ đồng).
PVC cũng rút gọn số đầu mối đơn vị thành viên, liên kết từ 40 (năm 2013) xuống còn 29 đơn vị. Giá trị thoái vốn tại các đơn vị trong giai đoạn này đã đạt trên 303,2 tỷ đồng, góp phần cân đối nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vào cuối tháng 12/2017, PVC và các đơn vị thành viên đã thực hiện thoái vốn thành công tại Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Nha Trang (INT), thu về giá trị khoảng 330 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận đạt được hơn 30 tỷ đồng.
Tác giả: Bích Diệp
Nguồn tin: Báo Dân trí