VietNamNet dẫn thông tin từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đầu năm 2018 khu vực phía Bắc ga Hà Nội (từ Km 0+595 đến Km 0+840 tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng) xuất hiện tình trạng khách du lịch đến tham quan, quay phim, chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua. Cùng với đó là các hàng quán bày bàn ghế bán nước cho khách du lịch trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Khi xuất hiện tình trạng này, Tổng công ty Đường sắt đã chỉ đạo Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải (đơn vị được giao quản lý) phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan của Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) triển khai nhiều biện pháp quyết liệt như tuyên truyền, cưỡng chế giải tỏa các vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính…
Nhiều khách du lịch quốc tế đến quay phim, chụp ảnh ở khu phố cà phê đường tàu. Ảnh: Phạm Hải/VietNamNet. |
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 được khống chế, tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực này lại tái diễn.
Tháng 5 vừa qua, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Hải đã có văn bản gửi các phường Hàng Bông, Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) và phường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) đề nghị có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng người dân bày bán hàng cà phê, giải khát và các mặt hàng khác trên đường sắt. Các đơn vị liên quan của ngành Đường sắt sẵn sàng phối hợp với UBND các cấp khi có yêu cầu.
Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND Tp.Hà Nội đề nghị tiếp tục chỉ đạo, xử lý tình trạng bán hàng trên đường sắt.
Ngay sau đó, UBND Tp.Hà Nội ra văn bản giao UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình tiếp tục phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo, xử lý tình trạng bán hàng trên đường sắt nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên những vi phạm tại khu vực này vẫn đang tái diễn. Nhiều người dân hiếu kỳ, nhất là khách nước ngoài vẫn đứng trên đường ray để quay phim, chụp ảnh.
Trao đổi với Dân Trí về vấn đề này, các chuyên gia pháp lý đánh giá tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu ở Hà Nội là "vi phạm rất nghiêm trọng" và đồng tình với kiến nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Tp.HCM, chính quyền sở tại cần phải cương quyết chấn chỉnh thực trạng bát nháo xảy ra tại nhiều quán cà phê đường tàu nằm trên địa bàn phường Hàng Bông, Cửa Nam và Điện Biên Phủ.
Theo luật sư Hậu, tại Điều Luật Đường sắt 2005 quy định hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ray ngoài cùng trở ra mỗi bên là 2m; hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang phải bảo đảm tầm nhìn cho người tham gia giao thông và phù hợp với cấp đường ngang…
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Từ các căn cứ trên, ông Hậu cho rằng chính quyền sở tại hoàn toàn có thể ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính để xử lý nghiêm các vi phạm không đảm bảo an toàn giao thông theo quy định.
Để giải quyết triệt để hơn nữa thực trạng trên, luật sư Hậu đề nghị UBND Tp.Hà Nội ban hành quy định chủ cơ sở tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ giải khát ngoài phạm vi 2m tính từ mép ray đường sắt ngoài cùng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đồng thời, thành phố cũng cần giải quyết dứt điểm tồn tại vi phạm trong phạm vi đất dành cho đường sắt, được quy định tại Điều 39 Nghị định 56/2018/NĐ-CP. Theo đó, cần dỡ bỏ ngay các công trình ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn công trình đường sắt và nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.
"Cụ thể, đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt trước ngày 1/7/2018 sẽ giải quyết theo quy định của Luật Đường sắt năm 2005 và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, thực hiện theo quy định của Luật Đường sắt năm 2017 và quy định tại Nghị định 56/2018/NĐ-CP", luật sư Hậu phân tích.
Trong khi đó luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC (Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), cho biết, cơ quan quản lý nhà nước có quyền cấm các hoạt động vi phạm an toàn đường sắt, bao gồm hoạt động kinh doanh cà phê đường tàu hoặc các hoạt động khác nếu các hoạt động này có vi phạm. "Tuy nhiên, cơ quan chức năng chỉ có quyền xử lý vi phạm an toàn giao thông đường sắt chứ không thể "xóa sổ" quán cà phê ở khu vực này nếu các cơ sở này không vi phạm", luật sư Đức nêu ý kiến.
Tác giả: Minh Hoa (t/h)
Nguồn tin: nguoiduatin.vn