Trong nước

Kiểm toán nhà nước muốn được thêm quyền nhưng chưa được chấp thuận

Dự thảo nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước được trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 20, khai mạc sáng nay, 10/1/2018. Kiểm toán nhà nước muốn được mở rộng thẩm quyền nhưng chưa nhận được sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 20 của UB Thường vụ Quốc hội bắt đầu sáng nay, 10/1.

Trình bày tờ trình về nội dung này, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải thích, ban hành nghị quyết này để khắc phục, tháo gỡ một số khó khăn trong quy định của pháp luật và thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.

Cụ thể, hiện pháp luật còn thiếu những quy cụ thể về chế tài để xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, nhất là những quy định liên quan tới việc xử lý tổ chức, cá nhân không thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu cho Kiểm toán nhà nước.

Luật hiện hành cũng chưa quy định bao quát hết các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và cả các cơ quan có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Dự thảo nghị quyết gồm có 6 điều, hướng dẫn thi hành 5 nội dung của Luật Kiểm toán nhà nước, trong đó có việc mở rộng thẩm quyền và cho phép xử phạt hành chính liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Thuyết minh về nội dung này, ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Luật Kiểm toán nhà nước quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các tổ chức có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công thuộc đối tượng, phạm vi kiểm toán của Kiểm toán nhà nước theo quy định của Hiến pháp.

Nhiều đơn vị chống đối kiểm toán

Tổng Kiểm toán khái quát, thời gian qua, khi Kiểm toán nhà nước tiến hành hoạt động kiểm tra, đối chiếu đối với các đơn vị, tổ chức có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán theo quy định (chủ yếu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản), không ít các đơn vị có hành vi chống đối, không hợp tác, không cung cấp tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

Tổng Kiểm toán: "Trong 100 doanh nghiệp thì có đến 98 doanh nghiệp trốn thuế nhưng muốn làm việc với họ thì phải qua cơ quan thuế, họ từ chối làm việc với kiểm toán".

Ông Phớc dẫn chứng, qua đối chiếu 100 doanh nghiệp thì có đến 98 doanh nghiệp trốn thuế, nhưng muốn làm việc với họ thì phải qua cơ quan thuế. Song, khi được mời đến thì doanh nghiệp chỉ làm việc với cơ quan thuế, từ chối làm việc với kiểm toán.

Để khắc phục tình trạng trên, Kiểm toán nhà nước cho rằng, cần có quy định theo hướng bao quát hết các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công làm cơ sở tiến hành kiểm toán đối với tất cả các cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và cả các cơ quan có hoạt động liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Như tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và các tổ chức khác có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Thực tế khác được ông Phớc nêu là những năm qua đã phát sinh những vi phạm về nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc vi phạm quy định về điều cấm của đơn vị đ­ược kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan như cung cấp không đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu, không thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán, cản trở việc kiểm toán; che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, ngân sách,...

Chỉ tính riêng năm 2017 có 121 trường hợp không cung cấp tài liệu dẫn tới các đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán được nội dung theo kế hoạch. Đặc biệt có trường hợp đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật như một số tờ khai hải quan có hiện tượng tẩy xóa giá trị lô hàng nên khi sử dụng tài liệu này Kiểm toán nhà nước không thể so sánh, đánh giá chính xác giá trị của lô hàng giữa giá nhập và giá bán nên đã làm ảnh hưởng đến kết quả kiểm toán.

Số kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước không được các đơn vị thực hiện còn cao (năm 2015 có 35.7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện)… làm thất thu ngân sách nhà nước, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

Quan điểm của Kiểm toán Nhà nước là cần có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán để xóa bỏ “khoảng trống pháp luật” nói trên.

Tuy nhiên, thẩm tra nội dung này, UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo nghị quyết không phải là các điều, khoản Luật Kiểm toán Nhà nước giao UB Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết. Nhiều nội dung bổ sung mới so với uật hiện hành. Do đó, đề xuất của Kiểm toán Nhà nước không thuộc thẩm quyền của UB Thường vụ mà mà thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chia sẻ với Kiểm toán Nhà nước song các ý kiến tại phiên họp cũng đều cho rằng khó có thể đáp ứng đề nghị của Kiểm toán bằng nghị quyết.

UB Thường vụ Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước rà soát kỹ tất cả các vấn đề còn vướng mắc để đề xuất khi sửa Luật Kiểm toán nhà nước, dự kiến vào năm 2019.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok