Trong tỉnh

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động vận tải bằng xe điện

Tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 660 xe điện bốn bánh tham gia chở khách ở các khu du lịch, trong đó phần lớn phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm lộ trình thay thế xe điện không thể đăng ký, đăng kiểm, tỉnh Thanh Hóa chủ trương đấu thầu rộng rãi, nhằm lựa chọn đơn vị, cá nhân đủ năng lực kinh doanh loại hình vận tải này.

Xe điện của doanh nghiệp Hưng Phong đón, chở khách du lịch tại TP Sầm Sơn.

Bất cập trong kinh doanh, vận tải

Với ưu điểm thân thiện môi trường, linh hoạt trên các tuyến giao thông, thời gian qua xe điện phát triển nhanh, chiếm thị phần lớn trong chuyên chở người ở các khu du lịch tỉnh Thanh Hóa. Hơn hai năm gần đây, tại Khu du lịch Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) có 120 xe điện bốn bánh từ bốn đến bảy chỗ ngồi thuộc ba doanh nghiệp (DN) tham gia vận tải. Ngoài số ít phương tiện do DN đầu tư, phần lớn do hộ cá thể tự mua, DN thuê, giao lại cho chủ sở hữu, người lao động sử dụng trên cơ sở xin vào công ty và hợp đồng thỏa thuận.

Thông tư số 86/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có hiệu lực từ ngày 15-3-2015 quy định, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, được đăng kiểm lần đầu và định kỳ, gắn BKS mới được phép tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế. Người điều khiển phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên. Qua kiểm tra hồ sơ 120 phương tiện và người lái ở huyện Hoằng Hóa cho thấy, hầu hết xe đã qua sử dụng, không đăng ký, đăng kiểm và 69 người điều khiển không có bằng lái.

Ngoài ra, tại khu du lịch Hải Tiến có 77 xe điện các hộ tự mua, đưa vào sử dụng. Chủ DN Nam Trường Ngọc Ðỗ Thị Ðiển phản ánh, nếu tính thêm hai DN mới được lựa chọn, đưa thêm 60 xe điện vào kinh doanh, cả huyện Hoằng Hóa có 180 xe điện được phép lưu hành. Ðó là chưa kể lượng "xe cóc, xe dù" còn nhiều hơn số xe điện của năm DN gộp lại. Tuyến đường được phép lưu hành không kẻ vẽ điểm dừng, đỗ; trật tự kinh doanh lộn xộn, cơ quan chức năng chưa xử lý triệt để nạn xe dù.

Một số người tại khu du lịch Hải Tiến phản ánh, họ bỏ vốn đầu tư từ 40 đến hơn 100 triệu đồng, tự mua sắm xe điện tham gia vận chuyển du khách. Một số người khác thì góp phương tiện, đóng 17 triệu đồng/năm cho DN để được tham gia. Ðiều này cho thấy, không phải ngẫu nhiên lại có nhiều phương tiện hoạt động chui vẫn lưu hành ở Hải Tiến.

Trên địa bàn TP Sầm Sơn có 431 xe điện cũng không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm. Theo báo cáo, năm 2017, tại Sầm Sơn có 431 trường hợp xe điện vi phạm trật tự an toàn giao thông, chiếm 23% số vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ tại thành phố, trong đó xảy ra hai vụ tai nạn làm hai người chết. Kiểm tra của Cục Ðăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) cho thấy, tỉnh Thanh Hóa có 547 xe điện đưa vào hoạt động trước thời điểm Thông tư 86/2014/TT-BGTVT có hiệu lực; không thể đăng ký BKS với cơ quan công an vì không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xe và giấy chứng nhận chất lượng nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng,... Phần lớn các xe cũ nát, hệ thống phanh không bảo đảm; không có đèn báo lùi, không có đồng hồ đo vận tốc, thiếu kính chắn gió an toàn,...

Thiết lập trật tự

Thực tế, từ năm 2008, xe điện đã được nhập, phát triển tự phát ở Sầm Sơn. Ðến năm 2012, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm sử dụng xe điện bốn bánh vận chuyển khách du lịch trong phạm vi hạn chế. Nhiều xe điện ba bánh buộc phải dừng tham gia vận tải. Trên địa bàn Sầm Sơn còn lại 335 xe điện bốn bánh được phép chở người trên 18 tuyến giao thông nội thị, dài gần 21 km. Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý bổ sung gần 100 phương tiện nữa.

Trong hoạt động kinh doanh, đã nảy sinh tình trạng lái xe chèo kéo, tranh giành khách; xe điện vận hành, đậu đỗ bừa bãi gây ùn tắc giao thông, gia tăng nguy cơ tai nạn. Sau hai năm thí điểm, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT rà soát, ban hành bổ sung quy định tạm thời về tổ chức, quản lý việc sử dụng xe điện bốn bánh. Sau đó, một số DN tiếp tục xin mua thêm xe điện, gây sức ép với chính quyền để đưa thêm phương tiện vào sử dụng.

Giám đốc Công ty TNHH Phương Hiền Cao Duy Hồng chia sẻ: DN mất nhiều năm xây dựng đề án, hoàn tất các thủ tục liên quan nhưng vẫn không được tham gia vận tải khách. Trong khi đó, có đơn vị tuy không ở Sầm Sơn, vẫn được đưa 13 xe điện tham gia vận tải. Chính quyền cần sớm bỏ cơ chế xin - cho, tổ chức đấu thầu rộng rãi nhằm lựa chọn tổ chức, cá nhân có năng lực mua sắm, đưa phương tiện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường vào vận tải hành khách ở các khu du lịch.

Nhằm thiết lập trật tự kinh doanh, vận tải bằng xe điện bốn bánh, tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quy định về phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động thí điểm đối với xe điện bốn bánh tại các khu du lịch trong tỉnh. Theo đó, xe điện được hoạt động từ 5 giờ đến 24 giờ hằng ngày. Chỉ được dừng đón, trả khách tối đa 180 giây tại các điểm quy định trên gần 28 km ở TP Sầm Sơn và các khu du lịch trên địa bàn.

Ðồng thời, yêu cầu đến ngày 25-4 phải thay thế 40% số lượng xe điện ở từng đơn vị không đủ điều kiện; ngày 31-12-2019 thay thế nốt theo quy định tại Thông tư 86. Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Sầm Sơn Văn Ðình Vân cho biết: Ðến ngày 6-5, DN Hưng Phong đã thay thế 107 xe, Việt Cường 24 xe, Thương binh 27-7 Chiến Thắng 46 xe và BMC thay chín xe, đạt tỷ lệ 40 đến 60% tổng số lượng phương tiện phải thay thế. Các DN không thực hiện nghiêm túc lộ trình sẽ bị cơ quan chức năng trừ điểm khi lựa chọn dự thầu.

Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn đánh giá: Nhìn chung các DN ở TP Sầm Sơn cơ bản bảo đảm lộ trình thay thế phương tiện đạt yêu cầu. Với các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa thay thế đúng lộ trình, một số xe dù ở huyện Hoằng Hóa, cơ quan chức năng đang đôn đốc xử lý. Sở GTVT sẽ tăng cường kiểm soát, cấm gần 50 phương tiện chưa thay thế, xe dù hoạt động. Tỉnh phấn đấu hết năm nay, sẽ thay thế toàn bộ phương tiện không bảo đảm điều kiện.

Ðại diện Sở GTVT Thanh Hóa nhấn mạnh: Căn cứ chỉ tiêu bổ sung xe điện hằng năm, tỉnh đã giao TP Sầm Sơn, các huyện Hoằng Hóa, Cẩm Thủy tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Ðấu thầu để lựa chọn các đơn vị, cá nhân được bổ sung xe điện; thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện mới được phép hoạt động. Ðồng thời, thực thi đồng bộ các giải pháp bảo đảm thiết lập trật tự, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh vận tải bằng xe điện ở các khu du lịch trong tỉnh.

Tác giả: MAI LUẬN

Nguồn tin: Báo Nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok