Giáo dục

Kiểm định chất lượng: Đại học nào cũng “khiếm khuyết” về chương trình đào tạo

Theo khảo sát, trong 117 trường đại học đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho thấy, trường đại học nào cũng không đạt đầy đủ các tiêu chí về chương trình đào tạo.

GS.TS Nguyễn Quang Dong, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã có khảo sát toàn diện về 117 trường đại học đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Tại khảo sát, GS Dong đã chỉ ra những tồn tại chủ yếu của các trường như đã phản ánh trong bài: "3 nhược điểm lớn của các trường đại học qua kiểm định chất lượng"

65% trường chưa thực hiện cải tiến chất lượng

Tiêu chuẩn chương trình đào tạo, đánh giá quản trị của trường đại học về những nội dung từ xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT), chuẩn đầu ra (CĐR), kết cấu CTĐT, đổi mới CTĐT và đánh giá CTĐT.

Đây là tiêu chuẩn mà theo GS Nguyễn Quang Dong, không có trường đại học nào đạt tất cả các tiêu chí.

Theo GS Dong, tiêu chí yêu cầu CTĐT có mục tiêu đào tạo rõ ràng, cụ thể, có kết cấu hợp lý, hệ thống đáp ứng chuẩn đầu ra (tiêu chí 3.2) (CĐR), và đáp ứng linh hoạt nhu cầu của thị trường. Để đạt được tiêu chí này đòi hỏi các trường đại học đạt được 5 mốc chuẩn.

Các lý do để 43,6% các trường đại học chưa đạt tiêu chí này là do CĐR còn phân biệt giữa các hình thức đào tạo (hình thức đào tạo chính quy, đào tạo vừa làm vừa học), chưa liên kết giữa mục tiêu đào tạo với CĐR và CTĐT, chưa đảm bảo đo lường và đánh giá được, chưa được công khai hóa. CĐR về ngoại ngữ còn thấp hơn so với yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Trong chương trình đào tạo, trường đại học chưa cụ thể hóa văn bản về kết cấu CTĐT dẫn đến các CTĐT có kết cấu rất khác nhau (mục tiêu đào tạo, CĐR, tỷ lệ các khối kiến thức, tỷ lệ các học phần tự chọn…). CTĐT cho hình thức vừa làm vừa học (VLVH) khác biệt nhiều với hình thức đào tạo chính quy (học phần, cách đánh giá học phần, tổ chức đào tạo).

Trong hệ thống đề cương học phần, trường đại học chưa cụ thể hóa văn bản về đề cương chi tiết học phần, nên một số yếu tố cấu thành của đề cương không có (thẩm quyền phê duyệt đề cương, phân bổ thời gian cho lý thuyết và thực hành, hình thức kiểm tra đánh giá, tài liệu tham khảo...). Hệ thống đề cương chưa được công khai hóa; người học chưa được phổ biến đề cương một cách đầy đủ và rõ ràng, nhất là đối với người học theo hình thức VLVH, người học sau đại học. Giáo trình và tài liệu tham khảo chưa đầy đủ…

Đặc biệt, với tiêu chí 3.6 (như hình trên) CTĐT được định kỳ đánh giá và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá. Để đạt được tiêu chí này, các trường đại học cần phải vượt qua 3 yêu cầu: trong 5 năm ít nhất một lần đánh giá CTĐT (tự đánh giá/đánh giá đồng cấp/kiểm định CTĐT); trường đại học có giải pháp cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá và CSGD ĐH có biện pháp và thực hiện cải tiến chất lượng CTĐT dựa trên ý kiến của các bên liên quan.

Tuy nhiên, có tới 65% các trường chưa đạt tiêu chí này với các lý do chủ yếu là không thực hiện định kỳ đánh giá CTĐT bằng cách tự đánh giá hoặc đánh giá đồng cấp hoặc KĐCL. Rất nhiều trường đại học chưa biết được việc đánh giá CTĐT là kiểm định CTĐT theo bộ tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT ban hành hoặc kiểm định CTĐT do nước ngoài thực hiện.

Về hoạt động đào tạo, GS Dong cho biết, tiêu chuẩn này đánh giá quản trị của trường đại học về hoạt động đào tạo. Tiêu chuẩn yêu cầu trường đại học phải đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tổ chức đào tạo theo tín chỉ, có phương pháp hợp lý đánh giá họat động giảng dạy của giảng viên; đánh giá kết quả học tập của người học khách quan, công bằng, chính xác; đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi ra trường…

Tỷ lệ % các tiêu chí chưa đạt về tiêu chuẩn hoạt động đào tạo

Theo khảo sát của GS Dong, trong 7 tiêu chí, có 5 tiêu chí dưới 20% các trường đại học chưa đạt, và Tiêu chí 4.4 có 43,6% và Tiêu chí 4.7 có 33,3% số trường đại học chưa đạt.

Phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá được đa dạng hoá, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và phù hợp với hình thức đào tạo, hình thức học tập, mục tiêu môn học và đảm bảo mặt bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo; đánh giá được mức độ tích lũy của người học về kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề.

Tiêu chí này có 3 mốc để đánh giá tiêu chí đạt hay chưa đạt. Có tới 43,6% trường đại học chưa đạt tiêu chí này với các lý do chủ yếu:

Trường đại học chưa có quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng ngân hàng câu hỏi thi. Công tác làm đề thi còn chưa được quản lý chặt chẽ, có không ít học phần do giảng viên tự ra đề thi. Đáp án chưa nộp cùng đề thi. Công tác tổ chức thi, quản lý chấm thi còn do nhiều đầu mối thực hiện.

Công tác giám sát chấm thi và hậu kiểm hầu như chưa được thực hiện, số lượng bài phúc khảo nhiều (có trường đại học tỷ lệ thay đổi điểm thi đối với các trường hợp phúc khảo khá cao, dao động từ 42,4% đến 49,6%).

Việc xây dựng câu hỏi thi và ngân hàng câu hỏi chưa vận dụng khoa học đo lường đánh giá để định lượng phân tích các câu hỏi thi nên chất lượng câu hỏi chưa tốt, phổ điểm kết quả học tập bị lệch.

Về đánh giá chất lượng đào tạo đối với người học sau khi ra trường và kế hoạch điều chỉnh hoạt động đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của xã hội. Để đạt được tiêu chí này, trường đại học thực hiện đầy đủ 3 yêu cầu: thực hiện đánh giá chất lượng người học sau khi ra trường hằng năm thông qua ý kiến phản hồi của người học đã tốt nghiệp và của đơn vị sử dụng lao động; triển khai điều chỉnh hoạt động đào tạo dựa trên các thông tin phản hồi và lấy ý kiến phản hồi của nhà sử dụng lao động đối với sinh viên tốt nghiệp phải được thực hiện theo ngành có người học tốt nghiệp. 33,3% trường đại học chưa đạt tiêu chí này.

77,8% trường đại học chưa đạt về nguồn thu từ nghiên cứu khoa học

Trong tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ, GS Dong cho rằng, tiêu chuẩn này đánh giá về quản trị và kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH), ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ gắn với sứ mạng, tầm nhìn của trừng đại học.

Tiêu chuẩn bao gồm: xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, đánh giá kết quả; đóng góp về mặt học thuật (các bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành, tạp chí quốc tế), đóng góp về mặt thực tiễn (chuyển giao công nghệ, ứng dụng thực tiễn); tác dụng của nghiên cứu đối với trường đại học về mặt đào tạo, về tài chính…

GS Dong cho biết, theo bảng trên với tiêu chí 7.2, các đề tài, dự án được thực hiện và nghiệm thu theo kế hoạch. 47,9 % các trường đại học chưa đạt tiêu chí này. Nguyên nhân chủ yếu là số đề tài quá hạn chiếm tỷ lệ cao; Tỷ lệ đề tài NCKH/giảng viên quá thấp.

Trong tiêu chí 7.5, tiêu chí này yêu cầu trường đại học phải đảm bảo nguồn thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ không ít hơn kinh phí dành cho các hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ. Tiêu chí này có 77,8% trường đại học chưa đạt và là tiêu chí có tỷ lệ trường đại học chưa đạt nhiều nhất trong 61 tiêu chí.

Nguyên nhân chủ yếu là các trường đại học chưa trích đủ kinh phí từ nguồn thu hợp pháp của trường đại học cho NCKH và chuyển giao công nghệ; Trường đại học chưa trích đủ kinh phí từ học phí cho NCKH của sinh viên; Không cân đối được chi và thu từ NCKH và chuyển giao công nghệ.

66,7% thư viện các trường chưa đủ tài liệu đáp ứng nhu cầu sinh viên

Về tiêu chuẩn thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất, theo GS Dong, tiêu chuẩn này đánh giá cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập của sinh viên.

Theo phân tích của GS Dong, tiêu chí 9.1, tiêu chí này yêu cầu trường đại học phải có đủ giáo trình, tài liệu tham khảo tiếng Việt và tiếng nước ngoài đáp ứng yêu cầu của sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu; có thư viện điện tử kết nối mạng, tuy nhiên, có tới 66,7 % trường đại học chưa đạt Tiêu chí này.

Các lý do Tiêu chí chưa đạt là trường thiếu giáo trình, sách tham khảo bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài phục vụ giảng dạy, NCKH và học tập. Rất nhiều học liệu quá cũ, trường đại học chưa đầu tư thích đáng cho công tác giáo trình học liệu; chưa thực hiện đầy đủ quy định của Bộ GD&ĐT về công tác giáo trình.

Việc kết nối với thư viện điện tử trong và ngoài nước còn yếu, dung lượng đường truyền không cao nên khó khăn trong tra cứu, tìm kiếm tài liệu. Hệ thống tin học phục vụ tra cứu thư mục còn yếu, không theo dõi được số người truy cập.

Người học ít sử dụng thư viện và thư viện điện tử, kỹ năng tra cứu yếu. Thư viện không lấy ý kiến về sự hài lòng của người sử dụng.

GS Dong cho rằng, đối với các trường đại học, việc hình thành văn hóa chất lượng, nâng cao chất lượng giáo dục của trường quá trình lâu dài, không có điểm dừng. Về mặt nhận thức, các trường cần phải coi hoạt động đảm bảo chất lượng là hoạt động trung tâm để quản trị trường, là hoạt động cho chính mình.

Nhờ đó, chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, vị thế của trường mới được nâng cao. Qua quá trình KĐCLGD, đó đây, khâu công việc nào đó ở một số trường đại học thực hiện như không phải cho lợi ích của chính mình, thực hiện mang tính đối phó.

Tác giả: Nhật Hồng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok