Làm sao để giành vé bán kết, lại không bị tổn thất lực lượng và để dành thể lực cho bán kết là điều mà các đội bảng B, trong đó có U22 Việt Nam phải tính toán.
Một vấn đề khác rất được quan tâm là đối thủ ở bán kết. Với sức mạnh hiện tại và tương quan lực lượng trong bảng đấu, U22 Malaysia được đánh giá là một trong 2 đại diện bảng A (gồm U22 Myanmar, Brunei, Lào, Singapore, Malaysia) giành quyền đi tiếp. Việc cục diện bảng A ngã ngũ trước bảng B một ngày càng khiến các đại diện bảng B phải toan tính cho bán kết.
|
Nếu cùng giành vé đi tiếp, U22 Việt Nam và U22 Thái Lan sẽ phải tính toán khi chạm trán lượt cuối vòng bảng để làm sao có lợi nhất ở bán kết diễn ra chỉ sau đó 2 ngày (Ảnh: Bảo Lâm)
Trong trường hợp U22 Việt Nam và U22 Thái Lan đã chắc chắn giành suất bán kết của bảng B, hai kịch bản có thể xảy ra khi hai đội chạm trán nhau lượt trận cuối:
Một là, U22 Việt Nam và U22 Thái Lan quyết đấu tranh ngôi nhất bảng để né Malaysia ở bán kết, nếu đội chủ nhà nhất ngôi bảng A.
Hai là, U22 Việt nam và U22 Thái Lan "nhường nhau" ngôi nhất bảng để né chủ nhà Malaysia, nếu đội này xếp nhì bảng A.
Trên đây là hai trong số nhiều kịch bản ở môn bóng đá nam, song hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi trong quá khứ, bóng đá Đông Nam Á từng dính vết nhơ ở Tiger Cup 1996, khi Effendi cố tình đá phản lưới nhà để "giúp" Indonesia chủ động thua cuộc trước Thái Lan. Điều này vừa giúp Indonesia tránh ngôi nhất bảng gặp chủ nhà Việt Nam, lại tránh được việc di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội thi đấu trận bán kết.
Chủ nhà Malaysia đang thu hết lợi thế vòng bảng về phía mình, bao gồm cả việc tiếp các đội khách trên sân Shah Alam có sức chứa hơn 8 vạn chỗ ngồi. |
Để tiến tới ngôi vô địch, bắt buộc phải đánh bại tất cả các đối thủ. Tuy nhiên muốn có mặt ở trận đấu cuối cùng cần phải giải bài toán bán kết và việc tránh đội chủ nhà (nếu có) được đánh giá mạnh hơn đối thủ còn lại, kèm nhiều lợi thế hậu ứng, là điều cần tính tới.
Trước đó, chủ nhà SEA Games đã cho thấy họ làm mọi cách để có lợi thế ở môn bóng đá nam. Cụ thể, sau khi hạ độ tuổi VĐV xuống U22, Malaysia tiếp tục kiến nghị được tự chọn bảng đấu trước khi bốc thăm nhưng không thành.
Gần đây nhất, BTC SEA Games thông báo đổi lịch thi đấu, theo đó U22 Việt Nam và U22 Thái Lan gặp nhau ở lượt cuối, thay vì lượt thứ 3 như lịch cũ. Cùng với đó, các đội bóng cả bảng B lẫn bảng A sẽ phải di chuyển ít nhất 2 sân khi đá vòng bảng, trong khi Malaysia chỉ đá duy nhất 1 sân Shah Alam. Ngoài việc phải thi đấu nhiều hơn 1 trận, các đội bảng B vào bán kết còn thiệt thòi hơn khi nghỉ ít hơn một ngày so với các đại diện bảng A.
Tất cả những tính toán trên cho thấy chủ nhà Malaysia đang làm mọi cách để kiếm lợi thế cho mình và gây bất lợi cho các đối thủ còn lại, trong cuộc đua HCV SEA Games 29 môn bóng đá nam.
Tác giả: Băng Tâm
Nguồn tin: Báo An Ninh Thủ Đô