Nếu như Thanh Hoá ổn định, nếu V-League ổn định thì người ta có lẽ sẽ tin vào chuyện Thanh Hoá dẫn đầu đoàn đua từ nay đến cuối mùa.
Đằng này, đội bóng xứ Thanh cứ hết thắng lại thua, hết thua rồi lại thắng, lúc lên lúc xuống, khiến nhiều người còn không biết đoàn quân của HLV Petrovic sẽ đụng độ với từng đối thủ khác nhau bằng phong độ nào và hình ảnh nào?
V-League cũng không ổn định, giải cứ ngưng rồi lại đá, đá được một lúc lại ngưng, khiến cho việc giữ phong độ của các đội bóng là không hề đơn giản. Ví dụ nhưng Thanh Hoá đang có phong độ tốt trước đó bỗng dưng phải nghỉ bất đắc dĩ 2 tháng.
Thanh Hoá liệu có tung nước rút nhanh hơn các đội bóng của bầu Hiển trước đích đến? (ảnh: Đ.V) |
Giờ, khi giải trở lại, thấy rõ là đội bóng xứ Thanh rất vất vả trong việc bắt nhịp trở lại với giải đấu. Điều này cũng khó trách HLV Petrovic, vì có lẽ ông chưa bao giờ trải qua điều kiện làm việc tương tự khi cầm quân ở nước ngoài.
Cũng chẳng có bất cứ giáo án huấn luyện nào trên khắp thế giới chỉ cho các nhà chuyên môn cách tính điểm rơi phong độ cho các cầu thủ trường hợp tương tự: Tức là chọn điểm rơi ở một giải vô địch quốc gia đang đá giữa chừng lại nghỉ vài tháng, đá thêm ít trận, lại nghỉ tiếp vài tháng nữa.
Thanh Hoá không ổn định cũng là điều kiện để cho nhóm các đội bóng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển bứt lên. Hết CLB Hà Nội, CLB Sài Gòn rồi đến Quảng Nam thay phiên nhau đe doạ ngôi đầu bảng của đội bóng xứ Thanh.
V-League còn 7 vòng và ở 7 vòng đấu còn lại, vấn đề nan giải nhất đối với đội bóng xứ Thanh là họ không biết đâu mới là đối thủ chính của họ trong cuộc đua đến ngôi vô địch?
Đội sát Thanh Hoá nhất vẫn chưa chắc là đối thủ hàng đầu của đoàn quân trong tay HLV Petrovic, vì các đội bóng của bầu Hiển đang có lợi thế ngang nhau trong cuộc đua với Thanh Hoá.
Sài Gòn FC bất ngờ trở thành ứng cử viên vô địch trước chặng nước rút (ảnh: Trọng Vũ) |
Đành rằng để nói trong những lần đụng độ trực tiếp với nhau, các đội bóng cùng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển có đá hết 100% sức hay không thì rất khó? Nhưng thà họ chẳng có liên hệ gì với nhau ngay từ đầu, thà họ không chịu cảnh “một ông chủ - nhiều đội bóng”, thì người hâm mộ trung lập còn vô tư nhìn vào các trận đấu của họ.
Đằng này khởi điểm của họ đã có lợi hơn quá nhiều so với phần còn lại của V-League, chưa đá họ đã đi ngược lại tinh thần của bóng đá chuyên nghiệp, đi ngược lại thông lệ quốc tế thì muốn người xung quanh tin vào sự sòng phẳng của cuộc đua cũng không phải đơn giản!
Ví dụ như người xem có quyền đặt giả thiết rằng nếu chỉ là một thực thể đơn lẻ nhưng phần còn lại của V-League, không có quá nhiều người anh em ở cùng một giải đấu, liệu Sài Gòn FC hay Quảng Nam có leo cao đến vậy không?
Xét về mặt thực lực thông thường, 2 đội bóng vừa nêu có hơn được hàng loạt đội bóng tầm trung tại V-League như Khánh Hoà, Hải Phòng hay CLB TPHCM hay không? Vì thực tế rằng Sài Gòn FC hay Quảng Nam muốn thắng Khánh Hoà, CLB TPHCM hoặc Hải Phòng cũng chẳng phải chuyện dễ.
Thành ra mới nói đối thủ thực thụ sẽ cạnh tranh ngôi vô địch với Thanh Hoá, trong số 3 đội bóng của bầu Hiển gồm Quảng Nam, CLB Hà Nội và Sài Gòn FC là ai thì phải chờ đến những vòng đấu chót mới biết.
Giống như năm 2012, SHB Đà Nẵng ban đầu không có quá nhiều lợi thế để đua đến ngôi vô địch, luôn đứng sau XM Xuân Thành Sài Gòn và Hà Nội T&T (nay là CLB Hà Nội).
Tuy nhiên, đúng vòng đấu cuối cùng, Hà Nội T&T xét thấy không đấu tay đôi lại đội bóng thành phố, đã chọn lối chơi phòng ngự cực kỳ tiêu cực trước XM Xuân Thành Sài Gòn ở sân Thống Nhất, dọn đường cho SHB Đà Nẵng lên ngôi, khiến bầu Thuỵ của XM Xuân Thành Sài Gòn bức xúc phản ứng về chuyện “một ông chủ - hai đội bóng” trong lễ tổng kết mùa giải năm đó.
Huống hồ bây giờ Thanh Hoá không phải một chọi hai như XM Xuân Thành Sài Gòn năm nào, mà một mình đội bóng xứ Thanh phải chọi đến 3 – 4 đội cùng chịu ảnh hưởng của một ông bầu.
|
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí