Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa |
“Mỗi nhà máy chỉ được một cảng chuyên dụng”
Từ cuối năm 2016 Ban quản lý Khu Kinh tế (BQL KKT) Nghi Sơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị thu hồi 400 m (phần mở rộng) bến cảng chuyên dụng Công Thanh.
Theo đơn vị này, dự án xây dựng Cảng chuyên dụng Công Thanh được phê duyệt từ năm 2011 với quy mô ban đầu là 500m chiều dài cảng. Sau đó, đến tháng 7/2013, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có công văn 5277/UBND-THKH chấp thuận chủ trương mở rộng cảng thêm 400m nữa. Như vậy, tổng diện tích cảng chuyên dụng Công Thanh là 900m chiều dài.
Lý do BQL KKT Nghi Sơn đề nghị thu hồi 400m cảng được nói là vì đây là phần mở rộng thêm của cảng chuyên dụng Công Thanh để phục vụ hàng hoá cho Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh, nhưng hiện dự án nhà máy này đã bị đề xuất thu hồi. Vì thế, cảng chuyên dụng Công Thanh cũng không cần thiết phải mở rộng nữa.
Lấy lý do để tạo sự hấp dẫn trong việc thu hút các dự án công nghiệp nặng có nhu cầu sử dụng bến cảng chuyên dụng, BQL KKT Nghi Sơn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét không gia hạn thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng phần mở rộng cảng chuyên dụng Công Thanh đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ đầu tư tập trung nguồn vốn đầu tư khu cảng chuyên dụng phía Nam với chiều dài mép bến 500 m và bến cảng tổng hợp số 6.
Căn cứ tờ trình này, ngày 28/2/2017, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Thị Thìn đã ký văn bản 1946/UBND-THKH chấm dứt hoạt động dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Công Thanh và phần mở rộng Cảng chuyên dụng Công Thanh do Tập đoàn Công Thanh làm chủ đầu tư.
Sau khi thu hồi dự án, BQL KKT Nghi Sơn và UBND huyện Tĩnh Gia đã nhiều lần có văn bản xử lý Tập đoàn Công Thanh vì xây dựng trái phép trên khu đất của cảng chuyên dụng. Đến nay số tiền phạt xây dựng trái phép là 48 triệu đồng.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (BQL KKTNS) cho biết, mỗi nhà máy chỉ được một cảng chuyên dụng, Xi măng Công Thanh đã có cảng chuyên dụng ở bên 500m rồi. Phần 400m là cảng chuyên dụng cho nhà máy phân đạm. Cảng chuyên dụng phải sử dụng đúng mục đích, thế nên nhà máy phân đạm thu hồi thì cảng đó cũng phải thu hồi. Chúng tôi thấy đúng thì chúng tôi đề xuất thu hồi, còn doanh nghiệp thấy chúng tôi sai thì cứ việc kiện.
Tuy nhiên, khi được đề cập đến việc Tập đoàn Công Thanh còn một nhà máy nhiệt điện trong cảng Nghi Sơn thì ông Nguyễn Văn Thi chỉ cho biết, dự án vẫn đang được Tập đoàn Công Thanh kêu gọi đối tác hợp tác đầu tư và từ chối trả lời thêm.
Bị đẩy vào đường cùng, doanh nghiệp phải khởi kiện
Nói về động thái này của tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh cho biết, hiện nay Tập đoàn có hai nhà máy là Xi măng Công Thanh và Nhiệt điện Công Thanh đang hoạt động với lượng hàng clinker và than nhập về các cảng trong khu vực Nghi Sơn rất lớn.
"Chúng tôi phải bỏ ra hơn 200 tỷ đồng để thuê lại các khu bến cảng trong khu Kinh tế Nghi Sơn phục vụ cho việc tiếp nhận hàng hóa. Tôi không hiểu tại sao họ thu hẹp bến cảng của chúng tôi khi nhu cầu của Tập đoàn là có thực", ông Lý nói.
Vị này khẳng định ngay sau khi UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận chủ trương, doanh nghiệp đã khẩn trương gửi báo cáo đề nghị Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền sớm phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và các thủ tục xây dựng khác.
"Quá trình này đang được Bộ GTVT thẩm định triển khai. Vì thế, trong khi chờ đợi, để giữ đất và thể hiện khát vọng mong muốn đầu tư, chúng tôi đã tiến hành san lấp, xây dựng, kè, tôn tạo, để hình thành lên khu cảng đẹp như hiện nay. BQL KKT Nghi Sơn nói thu hồi làm sao được. Thu hồi, tôi sẽ khởi kiện", ông Lý cho biết thêm.
Được biết, hồi tháng 7/2017, Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh có văn bản số 23 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin được tiếp tục sử dụng phần mở rộng chuyên dụng để phục vụ dự án nhà máy nhiệt điện Công Thanh. Sau đó, UBND tỉnh đã có công văn số 9120 giao BQL KKTNS giải quyết.
Ông Nguyễn Công Lý cho biết, song hành với việc hoàn tất thủ tục nêu trên, Tập đoàn đã “rót tiền” đầu tư, bến cảng rộng lớn đã được kè kiên cố và xây dựng nền xi măng chiếm tới 70-80% toàn diện tích. Phần mặt bằng đang gấp rút hoàn thành để chuẩn bị xây dựng 2 cầu cảng chuyên dùng dài 800m hướng ra phía biển đã lên hình hài.
Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Công Thanh cho biết thêm số tiền doanh nghiệp đầu tư vào khu bến cảng này đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Tập đoàn đã phải bỏ tiền riêng để mua đất của người dân xung quanh xây dựng đường vào cảng, làm đường nước. Nhưng hiện nay, Ban quản lý KKTNS chưa giải phóng mặt bằng xong, còn 2 hộ dân vẫn cản trở vì họ cho rằng tiền đền bù chưa thỏa đáng. Vì thế tập đoàn chưa có mặt bằng sạch để lập dự án, làm các thủ tục cấp phép xây dựng.
Theo ông Nguyễn Công Lý, Tập đoàn Công Thanh đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng vào các dự án ở KKTNS và tạo công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và vùng lân cận.
Nếu vì để thu hút nhà đầu tư mới mà đẩy một nhà đầu tư đã gắn bó và có nhiều đóng góp với kinh tế - xã hội địa phương vào tình thế phải kêu cứu như vậy, nhà chức trách tỉnh Thanh Hóa cần xem lại vai trò tham mưu của BQL KTT Nghi Sơn.
Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2017 của Xi măng Công Thanh, Công ty này đang lỗ lũy kế 1.671 tỷ đồng, tổng tài sản là 13.921 tỷ đồng, nợ phải trả gần 14.700 tỷ đồng, chi phí lãi vay dài hạn hơn 3.000 tỷ đồng, lãi tiền vay là 778,5 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Nguyễn Công Lý, do Tập đoàn bị thua lỗ và chi phí lãi vay cao là do Xi măng Công Thanh mới hoàn thành dây chuyền 2 có tổng mức đầu tư 12.500 tỷ đồng vào tháng 4/2016. Theo dự tính, phải sau 5 năm khi dự án hoàn thành mới bắt đầu có lãi. Trên thực tế, từ khi dây chuyền 2 của nhà máy Xi măng Công Thanh đi vào hoạt động vào tháng 4/2016, doanh thu năm 2016 của Doanh nghiệp này đạt hơn 2.252 tỷ đồng so với 970 tỷ đồng năm 2015. Và doanh thu năm 2017 là 3.423 tỷ đồng, tăng hơn năm 2016 là 1.171 tỷ đồng. Hơn nữa, các khoản vay dài hạn, trái phiếu thường và chi phí lãi phát sinh của Xi măng Công Thanh được ngân hàng chấp thuận tái cơ cấu đến năm 2035. |
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam