Du lịch

Khu du lịch thác Ma Hao: Điểm du lịch hoang sơ và hấp dẫn

Thác Ma Hao bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh (xã Trí Nang, Lang Chánh) cao hơm 1000m chảy qua các lũng núi tạo thành những dòng chảy không ngừng.

Từ TP.Thanh Hóa chúng tôi bắt đầu hành trình đến với thác Ma Hao vào một ngày đầu tháng 8, theo chân trưởng phòng văn hóa huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) vào Ma Hao để được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ huyền bí chưa hề có bàn tay của con người đụng chạm. Thác Ma Hao bắt nguồn từ đỉnh núi Pù Rinh (xã Trí Nang, Lang Chánh) cao hơm 1000m chảy qua các lũng núi tạo thành những dòng chảy không ngừng. Từ trên đỉnh thác những dòng nước đổ xuống, tung bọt trắng xóa, những hạt nước như những hạt sương mai bay lên cao rồi rơi xuống lan tỏa ra một vùng rộng lớn...

Khu du lịch thác Ma Hao.

Vượt gần 100km chúng tôi có mặt ở thị trấn Lang Chánh, để vào khu du lịch sinh thái Ma Hao (xã Trí Nang) phải đi thêm 18km đường rừng núi mới vào được tận nơi. Đưa chúng tôi đi là chị: Lê Thi Tâm – trưởng phòng văn hóa huyện Lang Chánh, là người con trong huyện nên chị nắm được từng khúc cua, từng con dốc của con đường còn bùn đất sau trận mưa đêm hôm trước.

Đoạn đường không xa nhưng với những người chưa từng chinh phục sẽ khó khăn vô cùng khi xe luôn trong trạng thái chao đảo. Hai bên đường những cánh rừng luồng xanh mướt ẩn mình vào màn sương mỏng của buổi sáng đầu hè, những ngôi nhà sàn đã cũ màu thời gian thưa thớt nằm trên những quả đồi xanh mướt. Tất cả như thôi thúc chúng tôi đi khám phá vẻ đẹp của hoang sơ ở nơi này...

Để vào thác nước thì không còn cách nào khác là phải để xe ngoài, đóng giày thể thao và vượt quãng đường gần 2km đường rừng mới tới được thác. Đường vào nhỏ hẹp nhưng sạch sẽ, hai bên là những cánh rừng luồng mới cảm nhận hết được sự tươi mát trong lành của xứ sở mệnh danh là vua luồng xứ Thanh.

Từ chỗ gửi xe chúng tôi đã nghe thấy những âm thanh của thác nước ào ào khi đổ xuống từ độ cao trăm mét. Càng đi vào gần thì âm thanh càng mạnh, càng réo dắt người đi như bản nhạc chào đón những vị khách đã can đảm vượt chặng đường dài.

Ma Hao hiện ra với độ cao bất ngờ, dòng thác trắng xóa đổ xuống như tà áo dài của thiếu nữ mạnh mẽ nhưng đầy duyên dáng, sự nguyên sơ chưa từng bị can thiệp bởi con người mang lại cho những ai một lần tới đây cảm giác như được hòa vào dòng suối mát lành và thấy được sự hùng vĩ của núi rừng đủ khiến chúng ta mê mẩn, quyến luyến khi rời xa.

Sau khi đổ xuống, vùng nước dưới chân thác trong xanh như viên pha lê khổng lồ có thể nhìn thấu bất cứ vật gì dưới đáy, dòng nước mát lành đổ xuống tạo thành những bọt nước rồi bỗng dưng biến mất vào những khối đá nhẵn lì vì sự bào mòn của nước. Những phiến đá to hàng trăm khối sẽ là nơi nằm nghỉ ngơi lý tưởng tận hưởng sự mát lành đón làn gió đem theo hơi nước thổi lên từ dòng thác.

Theo truyền thuyết các già làng trong xã kể lại rằng, vào thế kỉ XV khi người anh hùng dân tộc Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thọ Xuân) đánh đuổi giặc Minh trong một lần đoàn quân của Lê Lợi bị bủa vây phải rút lên núi Chí Linh (huyện Lang Chánh) để củng cố lực lượng. Đàn chó hung dữ của quân Minh lùng sục khắp nơi, nhiều lần nghĩa quân Lam Sơn phải mở đường máu để thoát thân. Lê Lợi cùng quân lính mang theo một con chó từ đỉnh Pù Rinh xuống, thấm mệt nhưng phải vượt qua một thác nước cao, nước chảy xiết. Bị truy sát nghĩa quân đã đầm mình vượt thác để qua bờ bên kia, con chó đã kiệt sức không thể theo nghĩa quân vượt thác chỉ biết đứng bên này ngáp, khi quân giặc đến, nó đã quay lại cắn tả tơi đàn chó dữ của giặc rồi lao mình xuống dòng thác dữ mà chết.

Quân giặc không tìm được dấu vết của nghĩa quân Lam Sơn nên đã rút lui, sau đó Lê Lợi cho quân lính tìm xác con chó quý của mình và chôn cất nó tử tế. Sau đó Lê Lợi đặt tên cho thác nước đó là Má Háo (theo tiếng Thái Má Háo có nghĩa là thác chó ngáp), sau này người dân địa phương đọc chệnh là thác Ma Hao như bây giờ.

Nằm trong quy hoạch khu du lịch sinh thái thác Ma Hao không thể bỏ qua làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống Năng Cát; khu nuôi cá hồi, cá tầm cũng tạo điểm nhấn cho khu du lịch này. Hiện nay, trong bản Thái còn giữ được nguyên vẹn nếp nhà sàn truyền thống dọc các sườn đồi hay ven bờ suối, trong bản còn duy trì được nhiều nghề truyền thống như thêu dệt, đan lát; gìn giữ được những đồ dùng sinh hoạt đặc trưng và nguyên thủy.

Đây là điểm dừng chân lý tưởng để nghỉ ngơi, tìm hiểu các phong tục tập quán của đồng bào nơi đây, đặc biệt được thưởng thức những câu khặp, câu xường da diết; xem các trò chá mộc, chá mùn hay xem Pồn Poong, cầu mưa... cùng chủ nhà thưởng thức bữa cơm nhiều đồ ăn, uống rượu siêu men lá - thứ đồ uống rất riêng đặc trưng chỉ nơi đây mới có.

Chị Lê Thi Tâm – trưởng phòng văn hóa huyện Lang chánh cho biết: “Khu du lịch sinh thái thác Ma Hao khi được quy hoạch để khai thác sẽ là điểm nhấn cho ngành công nghiệp không khói của huyện, có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của địa phương nhằm khai thác lâu dài giá trị văn hóa của di tích danh lam thắng cảnh và các di tích lịch sử cách mạng của huyện. Du lịch phát triển sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập cho người dân bản địa”.

Ma Hao đang chờ đón những vị khách ưa khám phá vẻ đẹp thơ mộng của vùng đất hoang sơ của núi rừng miền tây Thanh Hóa đến thăm quan và nghĩ dưỡng.

Buổi tối khách du lịch còn được thức những món ăn ẩm thực đặc sản của núi rừng, tham gia vào những trò chơi dân gian truyền thống của vùi đồng bào Thái nơi đây. Việc phát triển du lịch thác Ma Hao tại huyện Lang Chánh tỉnh Thanh Hóa mang tính chất du lịch cộng đồng là bước đi phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Đây chính là loại hình giúp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa bản địa, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Tác giả: Văn Linh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok