Kinh tế

Không vung tiền vào doanh nghiệp lỗ

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đổi mới mạnh mẽ với cơ chế thí điểm cho phép phá sản một ngân hàng yếu kém...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng phát biểu tại tổ. Ảnh: TTXVN

Tại phiên Quốc hội thảo luận ở tổ hôm qua 22.10 về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tái cơ cấu ngân hàng tới đây sẽ đổi mới mạnh mẽ với cơ chế thí điểm cho phép phá sản một ngân hàng yếu kém trên nguyên tắc chuẩn bị kỹ lưỡng để vẫn bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và an toàn cho hệ thống tín dụng.

Thí điểm phá sản ngân hàng

"Trên thực tế chúng ta cũng đang dùng nguồn lực nhà nước rồi. Khi mà một tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro 100 đồng thì nhà nước cũng đã góp 25 đồng (không thu thuế thu nhập doanh nghiệp). Cho nên mấy năm trước Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nộp thuế hơn 10.000 tỉ đồng nhưng 2 năm nay không nộp vì dành nguồn lực cho tái cơ cấu", Phó thủ tướng phân tích.

Tương tự, lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận, khi Chính phủ cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) phát hành trái phiếu đặc biệt theo công cụ của tổ chức tín dụng là tái cấp vốn, tức là dùng nguồn lực nhà nước, vì lãi suất cho vay 7 - 8%/năm mà tính lãi thông qua tái cấp vốn chỉ 3%. "Lần này tôi khẳng định có thể sử dụng nguồn lực nhà nước mạnh hơn để xử lý nợ xấu chứ không phải chỉ ngân sách đâu, đó là công cụ tái cấp vốn cho NH, dự phòng hay sử dụng bảo hiểm tiền gửi", Phó thủ tướng nói.

Tuy nhiên, ông Huệ cho hay thời gian tới đây Chính phủ sẽ có những giải pháp mạnh tay hơn trong sắp xếp lại với các tổ chức tín dụng mà đáng chú ý là đề xuất phương án thí điểm cho phá sản NH, tổ chức tín dụng yếu kém. “Sẽ cho phá sản NH yếu kém nhưng phải bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, đồng thời không để xảy ra hiệu ứng domino làm mất an toàn hệ thống. Làm được như vậy thì có tác dụng cảnh tỉnh rất nhiều. Chứ bây giờ cứ thành lập NH cổ phần, hoạt động yếu kém, rồi nhà nước phải mua lại 0 đồng, rồi nhà nước đứng ra lo thì ai chả muốn làm. Như vậy, với tổ chức NH nào còn có thể phục hồi được thì chúng ta nói là tái cơ cấu, còn với những NH không phục hồi được thì chúng ta xử lý”, Phó thủ tướng bình luận.

Trong khi đó, tại tổ Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ cần phải có nguồn lực để thực hiện các công việc tái cơ cấu. "Đơn cử nợ xấu đang rất lớn, muốn giải quyết thì phải bỏ tiền bạc ra, theo quy luật biện chứng thì vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được. Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết, có ý kiến cho rằng lấy trong dự trữ ngoại hối, hay từ phần bán vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”, người đứng đầu Chính phủ bày tỏ.

Nhận xét về quá trình tái cơ cấu NH vừa qua, đại biểu Võ Trọng Việt cho rằng "chưa giải quyết gì cả" vì "không khác gì đảo nợ". Theo ông Việt, cần đánh giá lại xem số lượng NH hiện nay là nhiều hay ít để từ đó có hướng đi phù hợp.

Tiền ở đâu ra?

Trước đó, tại tờ trình của mình, Chính phủ dự kiến nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 5 năm tới là 10,5 triệu tỉ đồng (tương đương 480 tỉ USD). Thảo luận tại đoàn hôm qua, nhiều đại biểu đồng ý rằng cần có tiền tươi thóc thật để tái cơ cấu chứ không chỉ bằng "biện pháp kỹ thuật" hay hô hào. Song câu hỏi "tiền ở đâu" khiến nhiều người băn khoăn bởi thu ngân sách hiện mỗi năm chỉ khoảng trên dưới 1/10 con số này.

"5 năm mà huy động thế này rất đáng lo ngại bởi chúng ta đều biết cân đối thu chi hiện chưa bảo đảm, hằng năm bội chi vẫn còn 5%. Rồi nợ xấu, nợ xây dựng cơ bản chưa giải quyết được rồi thành nợ công thì không biết Chính phủ xoay xở kiểu gì", đại biểu Lê Thanh Vân âu lo bởi ông nhẩm tính, ngay cả khi đề án huy động vàng và USD trong dân được thực hiện trôi chảy thì nguồn lực này vẫn còn thiếu.

Tuy vậy, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội cùng ngày, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, nếu tính mức huy động từ xã hội trung bình 30% GDP trong thời gian qua, thì con số huy động từ nguồn này vào khoảng 70 tỉ USD mỗi năm (30% của GDP 220 tỉ USD) là hoàn toàn có thể.

Tương tự, chia sẻ thêm với báo chí, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải, nguồn lực dự kiến huy động từ xã hội chiếm 2/3, tương đương khoảng 6 triệu tỉ đồng. Phần còn lại sẽ do ngân sách đảm trách thông qua lồng ghép từ nguồn đầu tư công trung hạn. Các đại diện Chính phủ lạc quan rằng, một khi môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, thông thoáng thì người dân sẽ có niềm tin, khi đó họ sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư.

Không lạm dụng từ "tái cơ cấu"

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu DNNN, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định chủ trương của Chính phủ là không cứu các DN thua lỗ, yếu kém kéo dài. Dẫn câu chuyện dự án gang thép Thái Nguyên của Công ty CP gang thép Thái Nguyên (Tổng công ty thép VN chiếm cổ phần chi phối), Phó thủ tướng nói rằng trước nay, DN làm ăn thua lỗ thường xin ưu đãi, cơ chế này nọ. "Bây giờ phân loại ra, nếu thua lỗ do vấn đề khách quan, còn có thể tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu. Dự án nào, công ty nào không có hiệu quả thì dứt khoát phải xử lý hết chứ bỏ tiền vào đó nữa có mà chết. Không thể tiếp tục lạm dụng từ tái cơ cấu nữa mà phải gọi là xử lý", ông Huệ dứt khoát.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (Trưởng ban Chỉ đạo về đổi mới DN) cũng khẳng định trong giai đoạn tới, việc thực hiện tái cơ cấu DNNN sẽ triển khai quyết liệt hơn, với nhiều giải pháp mới. Theo đó, đối với các DN mà nhà nước không chiếm cổ phần chi phối (dưới 50%) thì có thể bán hết vốn. Nhưng với các DN cần giữ lại (100% vốn hay từ 65% cổ phần trở lên) thì cũng phải thay đổi triệt để cách thức quản trị, niêm yết, lên sàn chứng khoán, minh bạch thông tin.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP.HCM) cho rằng, phải cùng với việc quyết liệt thoái vốn những lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ để lấy vốn đầu tư cho phát triển, đồng thời để tạo điều kiện cho DN tư nhân thì Chính phủ cũng phải mạnh tay cho phá sản những đơn vị làm ăn thua lỗ kéo dài. “Dù đau nhưng phải kiên quyết, tránh tình trạng chết rồi mà không chôn”, ông Đạt nói.

Nợ xấu đang rất lớn, muốn giải quyết thì phải bỏ tiền bạc ra, theo quy luật biện chứng thì vật chất giải quyết vật chất, không chỉ nói miệng là được. Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Quyết tâm khống chế trần nợ công

Đó là chia sẻ của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (ảnh) với báo chí sáng qua 22.10 bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14.

Ảnh: Ngọc Thắng

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển có nói về việc Chính phủ đề xuất khả năng phải nới trần nợ công lên 70% GDP vì chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% là quá sức...

Việc này Chính phủ đã tính toán kỹ. Đúng là trần nợ công quan trọng nhưng không phải tất cả. Khả năng trả nợ mới là quan trọng. Thực tế theo thông lệ quốc tế, tỷ trọng nghĩa vụ của ngân sách nhà nước trên thu ngân sách 25% là giới hạn đã rất khó khăn. Năm 2015 con số này là 27,4% kể cả phần trực tiếp chi để trả nợ phần vay để đảo nợ vì năm 2016 - 2017 là đỉnh nợ. Nếu anh nới trần nợ thì áp lực trả nợ sẽ lớn hơn rất nhiều. Do vậy để đảm bảo an toàn, bền vững nợ công thì dứt khoát chúng ta phải khống chế trần nợ công không được quá 65%, nợ Chính phủ không được quá 55%, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% cho đến tận 2020. Đó là quyết tâm của Chính phủ và Chính phủ cũng trình Quốc hội quyết tâm như vậy. Dứt khoát không nới trần nợ công...

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc chi vẫn thực hiện theo dự báo tăng trưởng như thực tế tăng trưởng lại dưới kịch bản nên nợ công vẫn tăng lên. Vấn đề này sẽ được khắc phục như thế nào?

Thực tế bội chi như năm nay Chính phủ đã chủ động đưa xuống mức rất thấp là 3,5%. Như vậy, tổng nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ bản sẽ không được như các bộ ngành, địa phương mong muốn. Chính phủ quyết tâm kiểm soát tổng bội chi tuyệt đối theo đúng con số Quốc hội đã quyết định, không được vượt số này. Nhưng đúng như Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã nêu, nếu tổng số bội chi vẫn trong số Quốc hội quyết định nhưng tăng trưởng không đạt được thì là vấn đề. Nếu các địa phương mà giảm thu thì phải điều chỉnh giảm chi, cắt giảm những khoản chi không cần thiết.

Thứ hai là trong thời gian tới cũng phải phấn đấu tăng thêm ngân sách kể cả thu nội địa và thu thuế quan. Phải siết chặt giá tính thuế thuế quan nhập khẩu, còn thu nội địa mở rộng cơ sở thuế bằng cách nâng dần tỷ trọng kinh tế phi chính thức đưa lên thành chính thức. Các hộ kinh doanh sẽ khuyến khích họ thành lập DN, tăng cường chế độ hóa đơn chứng từ trong lĩnh vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Trường Sơn (ghi)

Tác giả bài viết: Trường Sơn - Chí Hiếu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok