Tờ Chinanews mới đây gây sốc trong công chúng khi kể lại nỗi đau mà vợ chồng bà Li Guiying phải gánh chịu suốt 35 năm qua. Bà Li, khi đó 18 tuổi, sinh một bé trai ở Bệnh viện Thành Đô, Trung Quốc. Bà Li nhớ rõ sau khi con chào đời, bác sĩ còn vỗ vào mông đứa bé và đặt con bên trong chiếc cũi dành cho trẻ em. "Ngày thứ ba sau khi sinh, tôi đi thăm con, bác sĩ nói con bình thường và hai ngày sau có thể xuất viện", bà Li nhớ lại.
Tuy nhiên sau đó, bà nhận được tin đứa trẻ có chuyển biến xấu ở não nên được đưa vào phòng cấp cứu. Rồi ông bà nhận được tin con đã tử vong. Vì sức khỏe còn yếu nên bà Li vẫn nằm ở phòng bệnh. Bà khóc lóc vật vã và không tin những gì đã xảy ra.
Đôi vợ chồng già chỉ có mong muốn duy nhất là tìm lại con trai. Ảnh: Chinanews. |
Nhiều năm sau, bà vẫn tin con mình còn sống dù chồng luôn nói rằng đã tận mắt nhìn thấy người ta đưa con vào nhà xác. Đó là lý do khiến hai vợ chồng bà thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Hai ông bà cũng không thể có con nữa, sống nương tựa vào nhau suốt mấy chục năm qua.
Lần theo thông tin, bà Li đến tìm y tá hộ sinh đỡ đẻ và chăm sóc con mình năm đó, nhưng bà này đã mất năm 2014. Tiếp tục tìm hiểu những ghi chép còn lại trong bệnh viện và gặng hỏi con gái người y tá, cô Wang Yunhua, bà Li mới biết sự thật đau lòng. Cô Wang cho biết trước lúc lâm chung, mẹ đã nói với cô rằng thực ra con trai bà Li vẫn còn sống. Chính mẹ chồng bà Li là người đã lén bế bé trai cho người khác nuôi vì không muốn hai người có con với nhau. Biết sự thật nhưng người y tá và con bà không dám nói với gia đình bà Li vì sợ bị liên lụy. Người y tá cũng không biết em bé được cho đi đâu sau đó. Thông tin về bé trai đến nay vẫn chưa ai biết vì mẹ của ông Gui cũng đã qua đời.
Câu chuyện đau lòng của gia đình bà Li đã khiến nhiều người bức xúc với hành xử được cho là quá tàn nhẫn của mẹ chồng. Sự can thiệp thô bạo và có phần ác độc của mẹ chồng bà Li đã đẩy gia đình bà Li tan hoang, chia cắt trong một nỗi đau thấu trời: nỗi đau mất con khi con vừa chào đời.
Câu chuyện ở Trung Quốc xa xôi đã khiến nhiều bà mẹ Việt bức xúc. Câu chuyện về mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, về những mẹ chồng tàn nhẫn được nhiều mẹ Việt có dịp "xả" như một bài học về việc học cách sống chung. Thật không dễ dàng nhưng luôn phải có giải pháp trước khi mọi chuyện đi quá muộn!
Chị Thanh Hương (Hà Đông, Hà Nội) nghẹn ngào kể câu chuyện của mình."Tôi gặp phải cú sốc với mẹ chồng ngay trong ngày vui của cuộc đời mình. Xin dâu xong, nhà trai tiến thẳng ra xe về Hà Nội. Hai vợ chồng tôi nán lại chừng 5 phút để chụp với bố mẹ, anh chị em ruột tấm ảnh kỷ niệm. Vậy mà, vừa bước vào xe hoa, mẹ chồng tôi đã quắc mắt. Bà nói bằng cái giọng cực khinh bỉ: “Gia đình con chưa được chụp ảnh bao giờ à? Bố mẹ con nghĩ gì mà để nhà trai phải chờ như vậy?”. Nói xong, cả đoạn đường hơn 2 giờ đồng hồ, bà không hé nửa lời.
Đến điểm tổ chức đám cưới ở Hà Nội, chiếc xe hoa dừng lại. Mẹ chồng tôi mở cửa bước ra rất nhanh. Chồng tôi rời vị trí, chạy lại mở cửa xe cho tôi. Mẹ chồng tôi nhìn thấy, bà nguýt dài. Tiếp đến, bà nhìn thẳng vào mặt tôi nói: “Con không có tay mở cửa à?”, rồi bước đi. Tôi nhìn theo bà, mặt vẫn tái dại.
Về làm dâu, vợ chồng tôi được chia căn phòng ở tầng hai - đối diện với phòng ngủ của bố mẹ chồng. Tuy nhiên, chìa khóa phòng, mẹ chồng tôi giữ. Bà luôn vào phòng tôi bất cứ lúc nào bà muốn mà không bao giờ gõ cửa. Chính vì thế cho nên không dưới 5 lần, chúng tôi bị mẹ bắt gặp cảnh nóng.
Và lần nào cũng vậy, mẹ chồng tôi đều hét toáng như chuyện động trời. Thậm chí, có lần, giống như trên phim, bà bắt gặp tôi đang “đè đầu cưỡi cổ chồng” khi ân ái, thế là một cuộc họp gia đình được tổ chức ngay trong đêm. Tôi không những bị chửi té tát mà còn bị bố mẹ chồng bắt viết bản kiểm điểm.
Chuyện về thăm gia đình ngoại, kể cả điện thoại nói chuyện với mọi người bên ngoại của tôi cũng là cái gai trong mắt mẹ chồng. Bà luôn muốn tôi phải cắt quan hệ với họ. Thế nhưng, mỗi khi tôi làm sai bất cứ thứ gì bà đều bắt tôi quỳ trước mặt rồi điện thoại cho bố mẹ đẻ để bố mẹ đẻ của tôi phải gọi điện xin lỗi thông gia…
5 năm làm dâu, vì những chuyện như vậy, tôi không thể nhẫn nhịn mãi. Có lần, tôi đã cãi lại mẹ chồng và bị bà ghét như “xúc đất đổ đi”. Bà trừng phạt tôi bằng cách không bao giờ gọi tôi là con, cũng không bao giờ nhắc đến tên tôi. Cách bà giao tiếp với tôi là những câu không chủ ngữ - vị ngữ. Khi tôi đi làm về muộn, mẹ chồng tôi đổ tất cả đồ ăn thừa vào thùng rác sau khi bữa ăn của cả nhà kết thúc. Tôi phải tự đứng bếp chuẩn bị đồ ăn cho mình. Nhưng, mẹ chồng tôi cũng không tha, bà kèm sát lúc tôi nấu và lúc tôi ăn rồi lườm nguýt và khạc nhổ...
Bây giờ, cuộc hôn nhân của chúng tôi chuẩn bị kết thúc. Hai đứa con của tôi đang chuẩn bị được chia đôi cho bố và mẹ. Nguyên nhân cũng vì, tôi không thể chịu đựng được bà mẹ chồng ác nghiệt ấy.
Cũng trong cảnh tương tự, chị Hoài Thân (Thanh Xuân, Hà Nội) không thể quên nỗi đau mất con khi mầm sinh còn trong bụng mẹ. Tất cả bởi những tháng ngày sống trong tủi nhục cùng người mẹ chồng mà chị cho rằng "chẳng thể ác hơn". Ngày ấy, Hoài Thân về làm dâu nhà chồng khi cái bụng đã "lùm lùm". Mẹ chồng không đồng ý sự xuất hiện của con dâu trong nhà nhưng vì con trai tuyên bố "sẽ bỏ đi nếu không lấy được cô ấy" nên mẹ chồng chị miễn cưỡng cho phép tổ chức hôn lễ. Thế nhưng không ai có thể ngờ rằng, một mặt chấp nhận đám cưới nhưng mặt khác chính mẹ chồng chị lại âm thầm ly tán đôi trẻ bởi cô gái mà bà muốn làm dâu trong nhà là một người khác. Cô ấy sinh trưởng trong một gia đình bề thế, "nếu lấy được con người ta thì con trai mình sẽ thăng tiến tốt". Câu nói ấy vô tình Hoài Thân nghe được và không bao giờ có thể quên.
Những ngày làm dâu mệt mỏi tâm lý, mệt mỏi thể chất, với sự đay nghiến và dò xét của mẹ chồng đã khiến Hoài Thân mệt mỏi thật sự. Ngay lúc đó bà đưa thuốc bắc cho cô uống. Cô đã cảm động vô cùng mà không biết rằng đó là thứ thuốc không nên dùng đối với mẹ bầu. Những ngày sau cô đau bụng dữ dội và đã không thể giữ được đứa con. Ngay sau đó, đổ lỗi cho con dâu không biết giữ gìn và cho rằng vợ chồng cô đã hết duyên, bà ép vợ chồng cô phải ly hôn. Nỗi đau mất con, sự sợ hãi cảnh mẹ chồng ác nghiệt, nỗi cô đơn khi về nhà chồng, sự mệt mỏi thể chất và tâm hồn đã khiến Hoài Thân ngã khụy. Cô trở về nhà mẹ đẻ và trốn chạy cuộc hôn nhân đó bằng một chữ ký vào đơn ly hôn do chính mẹ chồng cô thảo ra.
Đến bây giờ nhìn lại, cô chỉ ước ao: "Nếu mẹ chồng hay nàng dâu luôn đặt vào vị trí của nhau để hiểu nhau, để thông cảm, để thêm chút nhẫn nại thì có lẽ sẽ yêu thương mà hóa giải mọi hận thù. Và nữa, mình nghĩ cái sai của mình là chọn nhầm chồng. Bởi hơn bao giờ hết, trong tình cảnh ấy, người chồng luôn phải là trọng tài. Mà chồng mình đã vắng bóng suốt trong quãng thời gian mình cần anh ấy nhất!".
Tác giả: Phương Nghi (t/h)
Nguồn tin: Báo Gia đình và Xã hội