Kinh tế

Không tạo kẽ hở tham nhũng sau khi lập "siêu ủy ban"

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) với tên giao dịch quốc tế viết tắt là CMSC đã chính thức ra mắt chiều 30-9, tại Hà Nội.

Tổng hợp Báo cáo tài chính tại thời điểm 31-12-2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về "siêu ủy ban" này là trên 1 triệu tỉ đồng, tổng giá trị tài sản hơn 2,3 triệu tỉ đồng. Phát biểu tại lễ ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thành lập CMSC là bước quan trọng để phân biệt rõ, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa CMSC với 5 bộ về kế hoạch chuyển giao quản lý Ảnh: TTXVN

Là cơ quan mới thành lập với khối lượng công việc và tài sản quản lý khổng lồ nên công tác kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn được Thủ tướng đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đó, Thủ tướng chỉ đạo CMSC bổ sung chiến lược phát triển, xác định rõ mục tiêu với từng tập đoàn, tổng công ty; đồng thời chú trọng nâng cao hiệu lực quản trị DN, tiếp tục sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DN nhà nước chất lượng hơn. Thủ tướng giao trọng trách cho lãnh đạo CMSC phải có chiến lược để các tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng mạnh hơn, không phải về ủy ban rồi bị teo tóp đi. "Làm sao khắc phục cho được yếu kém, tạo sự khác biệt lớn cho khu vực DN nhà nước để khu vực này nói riêng và từng DN tăng hiệu quả hoạt động, kinh doanh" - Thủ tướng đặt ra mục tiêu cho ủy ban.

Người đứng đầu Chính phủ còn đặc biệt lưu ý phải nâng cao trách nhiệm giải trình tại ủy ban cũng như các tập đoàn; thực hiện chặt chẽ cơ chế giám sát người đại diện, tăng cường minh bạch, tránh thất thoát, không để xảy ra tình trạng "sân trước, sân sau", tạo kẽ hở cho tham nhũng phát sinh.

Tác giả: M.Chiến

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok