Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh Nghệ An, tính đến hết ngày 30/9/2016, trên địa bàn tỉnh có 471 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm cho người lao động từ 3 đến 16 tháng với tổng số tiền lên tới hơn 157 tỷ đồng. Trong đó, hơn 111 tỷ đồng tiền BHXH, 7,7 tỷ đồng nợ BHYT và 3,6 tỷ đồng nợ bảo hiểm tai nạn. Lãi chậm đóng là hơn 34 tỷ đồng.
Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An giám sát việc thực hiện pháp luật lao động nữ tại Công ty TNHH Em-tech.
Số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động đang ở mức cao, chiếm 3,51% so với sự toán năm 2016. Mặc dù số nợ BHXH giảm so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên tình trạng nợ diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của người tham gia.
Khởi kiện ra tòa án được xem là biện pháp cuối cùng nhằm giải quyết các tranh chấp liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, trong đó có tình trạng nợ BHXH. Theo thống kê, trong 5 năm, từ 2010-2015, cơ quan Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã làm đơn khởi kiện 83 doanh nghiệp ra tòa án, trong đó, năm 2014 khởi kiện 23 doanh nghiệp, năm 2015 khởi kiện 24 doanh nghiệp. Số nợ BHXH mà 83 doanh nghiệp này chưa thực hiện nghĩa vụ với người lao động lên tới hơn 27 tỷ đồng. Sau khi khởi kiện, đơn vị BHXH đã thu được gần 9 tỷ đồng tiền BHXH.
Mới đây, trước tình trạng nợ đọng bảo hiểm gay gắt, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 8275/UBND-VX ngày 1/11/2016 về việc tăng cường công tác chỉ đạo thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN. Bên cạnh giao trách nhiệm cụ thể cho các chủ sử dụng lao động, các cơ quan, ban ngành có liên quan, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu LĐLĐ tỉnh phối hợp với BHXH tỉnh tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo vệ quyền lợi của người lao động; thu thập số liệu, thủ tục lập hồ sơ khởi kiện nhằm mục đích thu hồi nợ BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng của người lao động.
Cán bộ BHXH tỉnh Nghệ An tư vấn về chính sách BHYT, BHXH và BHTN cho công nhân Công ty TNHH BSE.
UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh xét xử và chỉ đạo TAND các huyện xét xử kịp thời các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN khi Liên đoàn Lao động tỉnh khởi kiện.
Chưa doanh nghiệp nợ bảo hiểm nào bị tổ chức công đoàn khởi kiện
Luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, trong đó có điểm quan trọng là chính thức trao quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ đóng BHXH cho tổ chức Công đoàn. Mặc dù Luật BHXH đã có hiệu lực gần 1 năm tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có doanh nghiệp nào nợ đóng BHXH ở Nghệ An bị tổ chức Công đoàn khởi kiện ra tòa án.
Vừa qua Phòng khai thác và thu hồi nợ, BHXH tỉnh Nghệ An đã chuyển Liên đoàn lao động Nghệ An danh sách 95 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài và có số nợ lớn. “Hiện chúng tôi đã chuyển thông báo nợ đến 4 doanh nghiệp, ấn định ngày thanh toán nợ. Nếu đúng thời hạn đó, phía doanh nghiệp nợ BHXH không thanh toán nợ, thực hiện nghĩa vụ với người lao đông, chúng tôi sẽ khởi động chương trình khởi kiện ra tòa án”, bà Hoàng Thị Thu Hương – Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An cho hay.
Bà Hoàng Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An.
Theo Luật BHXH mới, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH được trao cho tổ chức công đoàn cơ sở. Trong khi đó, tại nhiều doanh nghiệp bị “nêu tên” lại chưa thành lập được tổ chức công đoàn để thực hiện chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi những quyền này bị chủ sử dụng lao động xâm phạm.
“Sau khi được trao quyền, Thường trực, Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt. Hiện LĐLD tỉnh đang nỗ lực triển khai, phối hợp với các đơn vị như Tòa án, Thi hành án, Viện Kiểm sát tranh thủ ý kiến để có sự tương tác. Trong số 95 doanh nghiệp nợ bảo hiểm mà cơ quan BHXH tỉnh Nghệ An chuyển cho Liên đoàn thì phần lớn là chưa có tổ chức công đoàn cơ sở hoặc là tổ chức công đoàn Trung ương đóng trên địa bàn.
Đối với các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì tổ chức công đoàn cơ sở cấp trên (LĐLĐ huyện, thành, thị, Công đoàn ngành) có thẩm quyền khởi kiện với điều kiện là được người lao động yêu cầu. Trong khi đó, nếu chưa có xung đột hay tranh chấp gay gắt thì không ai yêu cầu giải quyết cả. Bởi vậy, dù đã được trao quyền nhưng tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở vẫn chưa được “nhờ” để thực hiện việc khởi kiện doanh nghiệp ra tòa”, bà Hoàng Thị Thu Hương cho hay.
BHXH Nghệ An phối hợp với LĐLĐ Nghệ An đối thoại chính sách bảo hiểm với người lao động Công ty TNHH Haivina Kim Liên.
Đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn thì trên thực tế, tổ chức công đoàn cơ sở vẫn “ngại” khi thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động bởi lẽ chính bản thân cán bộ công đoàn vẫn đang phụ thuộc chủ sử dụng lao động về việc làm. Bởi vậy, dù Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn Nghệ An sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục, pháp lý… nhưng tổ chức công đoàn cơ sở vẫn “không dám” khởi kiện hay ủy quyền cho tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở khởi kiện doanh nghiệp nợ BH.
Bà Hương cũng cho rằng, nên xem xét lại hoặc có phương án khác, giao quyền khởi kiện cho tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở mà không phải đợi công đoàn cơ sở ủy quyền?
“Khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH là nhiệm vụ mới và quan trọng của tổ chức công đoàn. Vì mới nên có nhiều khó khăn trong việc triển khai. Tuy nhiên, dù khó tới đâu cũng phải làm để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
LĐLĐ tỉnh đang phối hợp với BHXH hoàn chỉnh quy trình, hồ sơ để khởi kiện 1 số doanh nghiệp nợ BHXH trong tháng 11 này, từ đó rút kinh nghiệm thực tế và kiến nghị điều chỉnh nếu có vướng mắc trong quá trình triển khai”, bà Hoàng Thị Thu Hương cho hay.
Tác giả bài viết: Hoàng Lam
Nguồn tin: