Núi Yên Tử từ xưa vốn được coi là “Phúc địa” với các giá trị nổi bật về văn hóa - lịch sử, thiên nhiên, và tâm linh. Núi nổi danh từ hàng nghìn năm nay kể từ khi đạo sỹ An Kỳ Sinh, rồi đến các thế hệ Thiền sư xuất chúng về đây tu tập qua các thời đại Lý – Trần – Lê – Nguyễn… trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Không gian văn hóa Trần dưới chân núi Yên Tử
Địa danh này càng trở nên đặc biệt linh thiêng từ khi đức Vua anh minh Trần Nhân Tông về đây tu hành, thành Đạo, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – dòng Phật giáo mang bản sắc Việt vào thế kỷ 13. Từ đó núi trở thành “Thánh địa của Phật giáo Việt Nam” - biểu tượng thiêng cho niềm tin tín ngưỡng của người Việt.
Năm 2018, lần đầu tiên Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, một quần thể kiến trúc – văn hóa độc đáo đã ra đời ở chân núi Yên Tử, kế thừa tinh thần và các giá trị cốt lõi của ngọn núi. Quần thể mang “Hồn Việt, Nét Trần, và tinh thần Thiền Trúc Lâm” mời gọi khách vào không gian văn hóa lịch sử của dân tộc từ hơn 700 năm trước.
Theo công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm, trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử có tổng thể không gian kiến trúc cảnh quan được mang cảm hứng Thiền và Tâm linh là chủ đạo. Công trình tọa lạc trên diện tích gần 17 ha mang đậm nét văn hóa kiến trúc nhà Trần do kiến trúc sư nổi tiếng Bill Bensley thiết kế và giám sát thi công. Trong đó, nổi bật là Làng Nương mang phong cách của làng cổ Bắc Bộ và khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử với phong cách cung đình.
Những nếp nhà theo kiểu làng xóm thời Trần được tái hiện
Lạc vào không gian Làng Nương, du khách ấn tượng với 2 dãy nhà thiết kế kiểu làng xóm thời Trần với nếp nhà dựng bằng gạch đất nung, tường trình bằng đất, kết hợp với hệ thống cổng, cửa gỗ lim. Điểm nhấn Làng Nương là ngôi đình ở trung tâm, nơi tổ chức hát xẩm, quan họ… phục vụ khách.
Tại đây, bạn có thể ghé thăm chợ làng với những quầy hàng thủ công mỹ nghệ địa phương, hàng nông sản hữu cơ thu hoạch từ núi Yên Tử, trải nghiệm nghỉ trong những “kén ngủ” theo phong cách tối giản tại những dãy nhà mang tên gọi dân giã, từ Hương Sen, Hương Bưởi, Hương Chanh cho tới Hương Nhài…
Bên cạnh đó là nhiều hoạt động trải nghiệm tại đây, chủ yếu tập trung vào những giá trị truyền thống như học cách pha chế tinh dầu thiên nhiên, vẽ tranh Đông Hồ, làm nón lá, tập yoga, thiền, thưởng thức biểu diễn nghệ thuật…
Học cách làm tranh Đông Hồ
Không gian trưng bày tranh Đông Hồ
Trải nghiệm cách làm nón lá truyền thống
Buổi hướng dẫn cách pha chế tinh dầu thiên nhiên
Thành quả nhận được sau buổi học pha chế tinh dầu
Thưởng thức những buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống
Tác giả: Hoàng Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí