Giáo dục

Không được điều chỉnh nguyện vọng nếu ghi "không" vào phiếu đăng kí xét tuyển

Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, nếu để trống hoặc ghi "không" vào phiếu đăng ký xét tuyển thí sinh sẽ không được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi.

20170212153348 tuyen sinh 1
Thí sinh được tư vấn tại ngày hội

Tại ngày hội Tư vấn mùa thi do báo Thanh Niên tổ chức ngày 12/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh đây là năm đầu tiên thí sinh không hạn chế đăng kí nguyện vọng xét tuyển vào ngành, trường yêu thích. Sau khi có kết quả, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, tránh rủi ro khi xét tuyển. Thí sinh phải xác định được ngành nghề phù hợp để tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Theo ông Ga, những điểm mới trong quy chế tuyển sinh 2017 tiếp tục được áp dụng trong các năm tới. Sắp tới, Bộ GD- ĐT sẽ ban hành hướng dẫn thi để cụ thể hoá những quy định của quy chế tuyển sinh.

Kỳ thi năm nay diễn ra sớm hơn các năm trước. Các tỉnh đều có cụm thi đại học và cụm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh được thi THPT quốc gia ngay tại trường đã học để lấy kết quả xét tuyển đại học.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM khuyên rằng, dù không hạn chế đăng kí nguyện vọng nhưng thí sinh cần cân nhắc.

"Thực chất của việc đăng kí nhiều nguyện vọng nhưng cuối cùng thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Đây là nguyện vọng cao nhất vì vậy nguyện vọng đầu tiên trong phiếu đăng kí là nguyện vọng cao nhất" - ông Nghĩa lưu ý.

20170212153348 tuyen sinh 2
Tư vấn cho thí sinh tham dự ngày hội

Còn ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi thi là sự hỗ trợ cho thí sinh trong trường hợp trước đó đã đăng kí vào trường quá sức của mình.

"Khi đăng ký dự thi sẽ có phiếu đăng kí xét tuyển đi kèm. Thí sinh phải trả lời "có" đăng kí xét tuyển. Nếu nguyện vọng ban đầu không phù hợp, sau khi có kết quả thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng. Nếu thí sinh đánh dấu "không" hoặc để trống, khi có kết quả thi không được điều chỉnh nguyện vọng".

Giải thích về cách làm bài thi tổ hợp, ông Nghĩa cho biết, có hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý - Hoá - Sinh) và Khoa học xã hội (Sử - Địa - Công dân). Mỗi bài thi có ba môn thi độc lập. Mỗi môn thi có 40 câu, thời gian làm trong 50 phút. Thí sinh thi lần lượt từng môn. Sau khi làm xong bài thi trước, giáo viên sẽ thu đề và phát đề môn thi khác. Thí sinh làm tất cả các bài thi trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm, tương ứng môn đầu từ câu số 1 - 40, môn 2 từ câu 41 - 80, môn 3 từ câu 81 -120.

Cũng theo ông Nghĩa, điểm từng môn trong bài thi tổ hợp được quy về thang điểm 10. Điểm liệt từ điểm 1 trở xuống trong từng môn thành phần.

Trước thắc mắc của thí sinh về thời gian nghỉ giữa các môn trong bài thi tổ hợp, ông Nghĩa cho biết môn thi đầu tiên thí sinh có 10 phút rà soát đề thi. Sau đó, thí sinh làm bài trong 50 phút. Hết 50 phút giáo viên thu lại đề trong 10 phút, sau đó sẽ phát đề thi mới và thí sinh có 10 phút để rà soát đề. Như vậy thí sinh có thời gian nghỉ giữa hai đề thi là 20 phút.

Tác giả bài viết: Tuệ Minh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok