Xã hội

Không có vùng cấm khi kiểm tra, giám sát tài sản lãnh đạo cao cấp

Trả lời báo chí bên hàng lang Quốc hội xung quanh quy định kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đại biểu Lê Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư cho biết, thực hiện công việc này không có vùng cấm, chỉ cần có một căn cứ là tiến hành kiểm tra.

Về vụ biệt thự ở "khu đất vàng" của các lãnh đạo tỉnh Lào Cai được báo phản ánh, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã nắm tình hình đến đâu rồi thưa bà?

- Các công việc của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư luôn được bàn tập thể, vì vậy khi nào các đồng chí được giao nhiệm vụ nắm tình hình về báo cáo mới có thông tin. Còn từ hôm khai mạc và họp Quốc hội đến nay, Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư chưa họp.

Đại biểu Lê Thị Thủy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Khi cán bộ đi nắm tình hình thì có báo cáo luôn không thưa bà?

- Theo quy định, khi nắm tình hình xong, các đồng chí, tổ công tác được phân công nắm tình hình sẽ báo cáo thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong kỳ họp gần nhất.

Thời gian tới Ủy ban Kiểm tra T.Ư xây dựng kế hoạch thế nào để tiến hành kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý?

- Mọi việc đều do Thường trực của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, nhưng đến giờ phút này, quy định mới của Bộ Chính trị ra ngày 23.5 và thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư chưa họp nên chưa có thông tin gì về việc đã bàn về việc này.

Về việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ trong diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có ý kiến lo ngại sẽ có vùng cấm, không kiểm tra đến cán bộ đang đương chức không thưa bà?

- Quy định này là của Bộ Chính trị nên sẽ được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Đối tượng nằm trong quy định này sẽ không có vùng cấm.

Ngoài cán bộ đương chức, đối với cán bộ đã nghỉ hưu có dấu hiệu sai phạm về kê khai tài sản thì vẫn có thể kiểm tra?

- Trong quy định đã nói rõ toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà khi có 3 căn cứ đã nêu thì sẽ phải kiểm tra.

Thứ nhất, đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì giao cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư làm.

Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực.

Thứ ba, khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

Như vậy cần cả 3 căn cứ mới tiến hành kiểm tra, xác minh hay chỉ cần 1 căn cứ thôi đã tiến hành?

- Tức là trong 3 căn cứ trên, chỉ cần một cái có căn cứ là tiến hành kiểm tra. Ví dụ, khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền thì sẽ tiến hành kiểm tra hoặc khi có phản ánh, tố cáo có căn cứ về việc cán bộ nào đó kê khai tài sản không trung thực, cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra. Trường hợp nữa là khi cán bộ nào đó có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước về việc kê khai tài sản không trung thực cũng bị tiến hành kiểm tra, xác minh, không cần đủ cả 3 căn cứ.

Việc kiểm tra tài sản của cán bộ cấp cao là công việc khó, làm sao để việc kiểm tra, giám sát để quy định được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả?

- Việc này là việc của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra T.Ư được giao nhiệm vụ. Ủy ban Kiểm tra T.Ư sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm, theo quy định thì không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không có né tránh.

Xin cảm ơn bà!

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nội dung kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản gồm việc thực hiện các quy định về kê khai tài sản, biến động tài sản hằng năm thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên.

Việc giải trình về biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm cũng sẽ nằm trong nội dung kiểm tra, giám sát.

Đối với việc kiểm tra, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư được quyền yêu cầu đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tài sản, thu nhập của cán bộ được kiểm tra.

Xác minh, kết luận về sự trung thực, đầy đủ, rõ ràng, kịp thời của việc kê khai tài sản và biến động tài sản phải kê khai; tính xác thực, hợp pháp về nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư cũng sẽ xử lý, hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ theo quy định.

Đối với việc giám sát, ngoài Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt cũng sẽ tham gia giám sát, trong đó có quyền yêu cầu đối tượng giám sát cung cấp thông tin, báo cáo, giải trình về việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Đối tượng kiểm tra, giám sát có trách nhiệm giải trình, cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc kê khai tài sản, biến động tài sản và nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Quy định cũng nêu các vi phạm về kê khai tài sản gồm không kê khai, kê khai không trung thực, không đúng quy định; không giải trình, giải trình không trung thực, không đầy đủ, không kịp thời.

Việc xử lý vi phạm trong việc kê khai tài sản được thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước.

Tác giả: Ngọc Lương

Nguồn tin: Báo Dân việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok