Giới trẻ

'Không có phụ nữ đàn ông mãi chỉ là một đứa trẻ' gây xôn xao mạng

Từng khiến mẹ và chị gái phiền lòng vì tiêu tiền phung phí, mải chơi quên giờ về... Thế nhưng, từ khi có vợ chàng công tử Hải Phòng đã thay tính đổi nết.

Những ngày gần đây, câu chuyện về người em trai ruột của mình được chị Tuệ Nhi (Hải Phòng) chia sẻ trên trang cá nhân đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của nhiều người.

Theo đó, nhân vật chính mà chị Tuệ Nhi kể đó là cậu em trai có tên Hoàng Mạnh Thịnh và em dâu Minh Thu (cả hai đều 29 tuổi, hiện đang làm việc tại Hải Phòng).

Bài chia sẻ của Tuệ Nhi thu hút nhiều người quan tâm.

Trong lời kể của chị Tuệ Nhi, ngày xưa em trai chị như một “công tử” khi được mẹ cưng chiều hết mực. Có lẽ vì thế, em trai chị sa đà vào những cuộc chơi, tiêu tiền không phải nghĩ. Thế rồi, kể từ khi gặp vợ của mình hiện tại, người em trai của chị Tuệ Nhi đã thay tính đổi nết, là một người chồng, người cha biết chăm lo, vun vén cho gia đình.

Câu chuyện về người phụ nữ thay đổi cuộc đời của “công tử bột” đất Cảng đã nhận được rất nhiều bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng.

Nickname Đức Phạm chia sẻ: "Bạn này cũng có phần giống mình, chính vợ đã làm mình trưởng thành hơn, biết suy nghĩ và trách nhiệm với gia đình hơn. Đến nay đã 11 năm rồi, từ khi có vợ mình có mọi thứ đất, nhà, xe... nhiều lúc mình nghĩ giá mà em đến bên mình sớm hơn”.

Hà Trang bình luận: “Đọc câu chuyện của chị thấy bình yên đến lạ, trong cuộc sống của mỗi người dù có nghịch ngợm đến đâu cũng sẽ có một ai đó trị được. Hy vọng cậu em này biết trân trọng những gì mình đang có”.

Chia sẻ thêm với PV báo Người Đưa Tin, chị Tuệ Nhi cũng cho biết thêm chị cảm thấy rất vui khi câu chuyện của mình được lan tỏa. Và mong muốn những anh chàng nghịch ngợm có thể đọc được và có những suy nghĩ chín chắn, trưởng thành hơn.

Người em trai trong câu chuyện mà Tuệ Nhi chia sẻ.

Nguyên văn bài chia sẻ đang gây sốt mạng:

“Sau khi em trai tôi cưới vợ, trong bữa cơm tối mẹ đã nói với em dâu tôi thế này: "Mẹ chỉ là người đẻ ra chồng con, nuôi nó đến ngày hôm qua là hết trách nhiệm. Còn nó từ giờ cho đến lúc già trở thành người ra sao một phần do con định đoạt. Mẹ nuôi nó lớn nhưng đời mới dạy nó khôn và chính con mới là người giúp nó trưởng thành thực sự".

Quả thật mẹ tôi nói không sai chút nào. Mẹ sống với cậu em 25 năm, mỗi ngày đều cưng chiều bao bọc cho cậu ấy mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Cơm canh có người nấu, quần áo có người giặt, tiền tiêu có người đưa. Nhưng cha mẹ sinh con, trời sinh tính, thói quen khó bỏ, chỉ được mấy hôm đứa nào lười vẫn lười, bệ rạc vẫn bệ rạc, ham vui vẫn cứ ham vui. Thế nên mẹ tôi chỉ dám mong em trai tôi là một người tử tế và yêu được một cô gái tử tế là đủ.

Sẽ không có gì thay đổi cho đến khi em trai tôi biết yêu, biết đến một người phụ nữ thứ hai ngoài mẹ mình. Mà tôi thấy người phụ nữ thứ hai ấy còn uy lực hơn cả mẹ tôi nữa. Mọi thứ cô ấy đều chỉ cần điều khiển từ xa qua một cú điện thoại, một vài tin nhắn là cậu em đã răm rắp làm theo.

Từ bao giờ cậu ấy biết đặt chuông đồng hồ báo thức trong khi mấy ngày trước mặt trời đứng bóng mới chịu bình minh. Sáng thì ngược đường đưa bạn gái đi ăn, trưa lại ngược nắng đón bạn gái tan ca. Quần áo không phải nhắc cũng tự động là lượt, sơ mi trắng giặt tay ngâm thơm phức. Hôm nào bạn gái hẹn đến nhà chơi là dọn dẹp từ ngoài ngõ lên đến sân thượng, tưng tửng còn mua cả hoa cắm trong phòng.

Yêu được một thời gian em trai tôi muốn cưới, mẹ tôi gật đầu mặc dù vẫn than thở rằng:

- Còng lưng nuôi được thằng con trai 25 năm, còn chưa đưa nổi cho mẹ đồng lương nào giờ lại phải bo thêm mấy chục triệu nữa cho nó lấy vợ. Mình nuôi nó giờ nó đi nuôi gái, đẻ con trai đúng là lỗ nặng. Nhưng thôi ít nhất con bé đó đã làm được một việc mà mẹ bất lực trong suốt 25 năm qua là thay đổi được mày.

Em dâu tôi kể lúc mới yêu đang đi chơi thì xe hết xăng. Em không mang ví, còn cậu em moi hết 6 cái túi được 15 nghìn đổ xăng. Vâng, đi xe SH vào đổ xăng hẳn 15 nghìn, nhân viên bán xăng còn tưởng nói đùa. Sau bữa đó, em tôi bắt đầu nhấc mông đi kiếm việc. Cứ thế từng ngày biết lăn xả chỗ nọ chỗ kia theo người yêu mở tiệm buôn bán. Từng là một anh chàng tiêu tiền không nghĩ, em trai tôi đã biết tính lỗ lãi từng đồng. Rồi phơi mặt cháy nắng ngoài quốc lộ, vượt rừng vượt núi tìm đường mưu sinh. Đúng là chỉ có thể vì yêu mà đàn ông mới biết... 'cai sữa' mẹ.

Em dâu có bầu, nghén lên nghén xuống. Mẹ thì đi vắng, em trai tôi trở thành người đàn ông nội trợ. Sau hai mươi mấy năm lần đầu tiên trong đời tôi thấy cậu ấy biết đi chợ mua rau về nấu canh. Và đó cũng là món canh thật đặc biệt, cà rốt, su hào, thịt lợn, tất cả bỏ vào nồi đun sôi (khi ăn thấy cảm xúc khó tả). Rồi không ai cản cũng biết từ chối anh em bia bọt, biết mua thuốc bổ cho bà nội, bà ngoại, biết nhang khói giỗ chạp tổ tông… biết làm những điều chưa bao giờ nghĩ đến.

Thiết nghĩ không chỉ riêng cậu ấy, mà những người đàn ông ngoài kia cũng vậy. Họ trưởng thành một phần lớn nhờ đi qua cuộc đời của những người phụ nữ. Nếu như mẹ là người bồng ẵm đưa nôi thì vợ chính là người khiến đàn ông lớn dần lên, bước chân vào đời và trải nghiệm cuộc sống thực sự. Đàn ông làm chồng mới biết bữa cơm gia đình quan trọng, làm cha mới thấu công lao khó nhọc của đấng sinh thành.

Họ như những con ve sầu, cần có mùa hè để thoát xác. Ve sầu không thể kêu giữa mùa đông, đàn ông cũng không thể sống trong một nửa thế giới.

Người phụ nữ chính là ánh mặt trời, là đời là nắng. Dù cái nắng ấy dịu dàng hay gay gắt, người vợ ấy tươi trẻ hay già nua. Vì nghĩa phu thê, vì tháng năm cùng nhau kiên định đi qua mưa gió, cùng trời cuối bể đàn ông đều phải biết yêu thương trân trọng vợ mình. Không có phụ nữ đàn ông mãi mãi chỉ là một đứa trẻ”.

Tác giả: Thanh Lam

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

  Từ khóa: mạng , đàn ông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok