Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trong buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ Nội vụ - Ảnh: BẢO NGỌC |
Hiện cả nước có khoảng 3,2 triệu công chức, viên chức đang hưởng lương từ ngân sách.
Truyền đạt 5 vấn đề Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ thời gian tới, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặc biệt lưu ý các vấn đề tinh giảm biên chế, sắp xếp lại tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và cơ quan sự nghiệp công lập.
Vấn đề đầu tiên, Thủ tướng lưu ý ngành Nội vụ là việc tinh giảm biên chế nhà nước. Vấn đề này rất quan trọng, chỉ tiêu giảm biên chế đề ra cho 6 năm (2015-2021) là 10% tổng số biên chế, bình quân 1 năm phải giảm khoảng 1,66% biên chế, tương đương giảm khoảng 50.000 công chức, viên chức.
Đối với khối sự nghiệp công lập đang định hướng chuyển sang tự chủ toàn bộ.
Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng nhấn mạnh cần quản lý biên chế chặt hơn, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động và quỹ lương tại 13 bộ, 14 địa phương còn lỏng nẻo, nhiều nơi tiếp nhận sử dụng biên chế vượt thẩm quyền.
Đặc biệt, khối các đơn vị sự nghiệp công lập đã vượt chỉ tiêu biên chế được giao khoảng 63.200 người. Vì vậy phải kiểm soát chặt, chấn chỉnh từ bên dưới.
"Thời gian qua, nhiều bộ, ngành địa phương đề xuất bổ sung biên chế công chức, nhưng không thể thực hiện sai Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, không thể tăng biên chế công chức được. Không thể chấp nhận bộ máy hành chính phình to ra nữa", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh chuyển đổi mạnh mẽ đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính. Ví dụ tại Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến cuối như Bạch Mai, Việt Đức… đều thành lập cơ sở 2, cơ sở 3.
Theo quy định các bệnh viện này chỉ được 4 phó giám đốc, nếu rải ra cơ sở 2, cơ sở 3 thì không đủ lãnh đạo quản lý, nhưng nếu bổ sung thêm phó giám đốc thì sai quy định.
Để giải quyết thực tế này, vừa qua các bộ, ngành đã trình Thủ tướng đề án cho phép các bệnh viện tự chủ hoàn toàn cả về mặt tài chính, con người, tuyển dụng nhân lực.
Vấn đề thứ 2 là sắp xếp bộ máy tổ chức, trong giai đoạn hiện nay cực khó. Cần vận hành theo hướng như chỉ đạo của trung ương, nếu cơ chế đó không phù hợp thực tiễn cuộc sống thì cơ quan thực thi sẽ đề xuất Chính phủ cho áp dụng thí điểm cơ chế mới.
Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập sang tự chủ tài chính thời gian tới là khó nhất, vì vậy Bộ Nội vụ cần đi sâu, đi sát, đốc thúc quyết liệt, giúp Chính phủ thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7, xây dựng các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính, về cơ chế, về xây dựng đầu tư.
Số liệu của Bộ Nội vụ ghi nhận cả nước hiện có khoảng 2,5 triệu viên chức, và khoảng 0,5 triệu công chức đang làm việc tại các cơ quan, nếu cộng thêm đội ngũ cán bộ xã, phường nữa thì cả nước có khoảng 3,1 - 3,2 triệu công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách.
Vấn đề thứ 3 về tổ chức đào tạo cán bộ, công chức, viên chức, cần phát huy hiệu quả Học viện Hành chính, giúp đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn cao, thông thạo kỹ thuật.
Vấn đề thứ 4 về cải cách hành chính, Bộ Nội vụ là cơ quan xây dựng thể chế, cần có tổng kết kinh nghiệm thực tiễn. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch mọi thủ tục hành chính.
Cuối cùng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ cần quản lý tôn giáo, tín ngưỡng đúng với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích.
Tác giả: BẢO NGỌC
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ