Nhân ái

Khốn cùng cảnh cả gia đình sống nhờ tiền trợ cấp tàn tật của con

“Hai vợ chồng đều già yếu, chồng lại không được nhanh nhẹn. Niềm hy vọng đặt vào đứa con trai thế nhưng đã gần 40 tuổi mà vẫn như đứa trẻ lên ba. Giờ cả gia đình lại phải trông chờ vào khoản tiền trợ cấp hàng tháng của nó…”, bà Trần Thị Hương đắng cay khi nói về hoàn cảnh của mình.

Bà Hương đang bón cơm cho đứa con trai năm nay gần 40 tuổi
Bà Hương đang bón cơm cho đứa con trai năm nay gần 40 tuổi

Về xã Phúc Trạch của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) hỏi thăm hoàn cảnh của gia đình bà Trần Thị Hương (67 tuổi) có lẽ không ai không biết. Gia đình bà đã quá “nổi tiếng” bởi sự nghèo đói và bất hạnh.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là căn nhà nhỏ lụp xụp, tài sản giá trị nhất có lẽ là 3 chiếc giường nhỏ cũ kỹ được đặt cạnh nhau. Bên trong căn nhà, một người phụ nữ tóc bạc phơ cần mẫn bón từng muỗng cơm cho một người đàn ông khá lớn tuổi rồi. Lát sau chúng tôi mới biết, đó chính là người con trai của bà. Con trai của bà bị bệnh tâm thần nên đến nay đã gần 40 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ lên ba.

Chứng kiến những hình ảnh đó, ai cũng nghẹn ngào, xót xa.

Đang ngồi ăn cơm nhưng khi thấy có người lạ, đứa con trai của bà vội lao ra ngoài vườn để trốn.

“Nó bị từ bé. Cứ thấy người lạ là chạy đi trốn. Năm nay gần 40 tuổi rồi”, bà Hương nói. Khi chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình, bà ngậm ngùi, đôi mắt nhấp nháy liên hồi, nước mắt như chực trào ra.

Vợ chồng bà có 4 người con (3 gái, 1 trai). Thế nhưng niềm vui ấy không trọn vẹn, khi người con trai của vợ chồng bà là Nguyễn Văn Thức (SN 1981) không được bình thường. Lớn lên các bác sĩ cho biết Thức mang chứng bệnh tâm thần.

Căn nhà bếp được dựng tạm bằng những tấm phên cũ kỹ và lá cọ rách nát
Căn nhà bếp được dựng tạm bằng những tấm phên cũ kỹ và lá cọ rách nát

Những đứa con gái của bà cũng lần lượt lập gia đình rồi ở riêng nhưng ai cũng nghèo khổ. Chỉ còn Thức sống với vợ chồng bà.

Hai vợ chồng bà thì ngày một già yếu, tưởng rằng “gánh nặng cuộc đời” sẽ được vơi đi, nhưng Thức thì vẫn như đứa trẻ lên ba, mọi sinh hoạt hầu như phải nhờ vào người khác.

Chứng kiến hình ảnh người mẹ tóc đã bạc phơ đút từng muỗng cơm cho đứa con đã gần 40 tuổi khiến ai cũng quặn lòng.

Nỗi đau đớn, bất hạnh ấy tưởng rằng là đã quá đủ nhưng số phận hẩm hiu, bi đát vẫn chưa tha cho đôi vợ chồng già nghèo khó ấy.

Vào năm 2009, vợ chồng của người con gái thứ 2 là Nguyễn Thị Phương chèo đò qua sông lấy củi, không may bị lật thuyền khiến cả hai bị tử vong để lại cho bà 2 đứa cháu là Nguyễn Văn Hòa (lúc đó mới 6 tuổi) và Nguyễn Văn Hiệp (lúc đó mới 5 tuổi).

Khó khăn lại càng chồng chất, nhưng bà chẳng biết kêu ai. Hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn từ sáng sớm đến đêm khuya, ai thuê gì cũng làm để kiếm cái ăn cho con và 2 đứa cháu tội nghiệp.

“Nhiều lúc khủng hoảng và rơi vào bế tắc nhưng chỉ biết ngồi khóc một mình. Nhưng nếu mình buông xuôi thì tội con và các cháu quá. Nó đã thiệt thòi thì mình phải bù đắp cho nó”, bà Hương không kìm được giọt nước mắt của mình.

Thế nhưng không ai chống chọi lại được với thời gian, sức khỏe của vợ chồng bà Hương cũng ngày một yếu dần. Giờ hai vợ chồng bà không thể làm việc nên cũng chẳng có tiền để trang trải cuộc sống hàng ngày.

Giờ đây cả gia đình sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp 400 nghìn đồng/tháng của Thức
Giờ đây cả gia đình sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp 400 nghìn đồng/tháng của Thức

Quá khó khăn nên đứa cháu đầu là Nguyễn Văn Hòa cũng đã phải nghỉ học khi vừa học xong lớp 9 để đi tìm việc làm thêm.

“Còn thằng Hiệp năm nay lên lớp 9 nhưng chắc cũng phải cho nghỉ học thôi chứ nhà không đủ khả năng nữa. Niềm hy vọng đặt vào đứa con trai thế nhưng đã gần 40 tuổi mà vẫn như đứa trẻ lên ba. Giờ cả gia đình lại phải trông chờ vào khoản tiền trợ cấp hàng tháng của nó…”, bà Hương nức nở khi nghĩ về tương lai.


Niềm động viên tinh thần của bà Hương là tấm bảng “Hai mươi chữ vàng danh dự của Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong” năm xưa

Niềm động viên tinh thần của bà Hương là tấm bảng “Hai mươi chữ vàng danh dự của Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong” năm xưa

Không ruộng nương, không còn sức lao động, cả mấy miệng ăn giờ trông chờ vào khoản tiền trợ cấp 400 nghìn đồng/tháng của Thức. Có lẽ niềm động viên, an ủi tinh thần duy nhất của bà Hương lúc này là tờ giấy của Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Hương Khê công nhận bà Hương “Hai mươi chữ vàng danh dự của Bác Hồ tặng Thanh niên xung phong”.

“Lúc 20 tuổi tôi có đi thanh niên xung phong nhưng bị mất hết giấy tờ rồi nên cũng không được chế độ gì cả. Giờ ước muốn của tôi chỉ mong có đủ ăn hàng ngày là hạnh phúc lắm rồi chú ạ”, niềm mơ ước ấy của bà Hương thực sự khiến những người chứng kiến đau lòng.

Đơn xin giúp đỡ của bà Hương
Đơn xin giúp đỡ của bà Hương

Không biết rồi tương lai của họ sẽ đi về đâu, hơn bao giờ hết gia đình bà Hương đang rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Trần Thị Hương, xóm 2, xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

ĐT: 0163.600.9684

Tác giả: Xuân Sinh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok