Trong nước

Khóc dở, mếu dở vì người đàn ông say rượu giữa đêm vắng

"Hôm đó, đoàn tàu chở hàng đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn. Lúc đó đang đêm, giữa đồng không mông quạnh, có ông uống rượu say, cứ đường sắt đi vào giữa, tàu không thể tránh được"...

'Em bế con ra cửa cho anh nhìn mấy phút'

Dù không còn làm công việc chuyên môn và đã chuyển sang quản lý nhưng với 11 năm kinh nghiệm lái tàu, ông Quách Tuấn Anh - quản đốc tại Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội luôn cho rằng, những người lái tàu là những người phải chịu rất nhiều áp lực trong công việc.

Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đối với họ chưa tương xứng. Ngay cả khi xảy ra tai nạn đường sắt, nhiều khi các lái tàu còn rơi vào trạng thái khóc dở, mếu dở.

Ông Tuấn Anh cho biết: “Đi tàu khách, đội ngũ nhân viên lái tàu (lái chính - phụ) có một nhóm, khoảng 10 người. Họ thay ca cho nhau nên khi gặp sự cố tai nạn, tất cả cùng nhau xuống giải quyết, hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, đi tàu hàng thì chỉ có một tài một phụ. Vì thế, khi tàu hàng gặp tai nạn, nhất là tai nạn vào lúc nửa đêm, lại ở vùng nông thôn hẻo lánh thì đúng là khóc dở, mếu dở”.

Ông Tuấn Anh nhớ lại: “Hôm đó, đoàn tàu chở hàng đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn. Lúc đó đang đêm, giữa đồng không mông quạnh, có ông uống rượu say, cứ đường sắt đi vào giữa, tàu không thể tránh được. Cuối cùng đoàn tàu va phải họ. Nạn nhân tử nạn. Lái tàu dừng lại và xuống xem xét tình hình nhưng không biết phải làm thế nào.

Bây giờ còn có điện thoại hỗ trợ, chứ thời gian trước năm 2000, điện thoại không có. Trong khi đó, quy định của ngành đường sắt không cho phép nhân viên lái tàu bỏ lại xác chết một mình. Vì thế, chúng tôi phải cắt cử nhau lại để trông nom xác còn một người đi gọi người hỗ trợ. Sau đó mới được tiếp tục cuộc hành trình”.


Ảnh minh họa. Nguồn VietNamNet

Thêm một cái “nghiệt nghã” mà những người lái tàu vẫn luôn phải chấp nhận đó là, sau khi vụ tai nạn xảy ra, những người lái tàu cũng là nạn nhân nhưng họ ít khi nhận được sự quan tâm của mọi người. Ai cũng chỉ vây quanh người tử nạn.

Ông Tuấn Anh kể: “Có bà đi xe đạp điện, đâm vào giữa đoàn tàu. Cũng may, bà ấy thoát nạn, chỉ có xe đạp điện bị hư hỏng. Nhưng sau khi lao vào tàu, bà ấy sợ nên vứt xe rồi bỏ chạy. Thành ra, nhân viên đường sắt còn phải đi tìm bà ấy để trả cho bà ấy cái xe. Và xác định rằng họ không sao”.

Rồi lại có lái tàu, vì phát hiện ra đứa trẻ đang bò trên đường ray từ xa nên đã hãm phanh và dừng kịp. Tuy nhiên, sau đó, người nhà chạy vội ra bế đứa trẻ và chạy mất. Lái tàu không kịp làm thủ tục xác nhận để chứng minh lý do dừng tàu nên sau đó, người lái tàu đã bị kỷ luật.

Khắc nghiệt như vậy nhưng ông Đoàn Đình Sinh (SN 1964) - người có 32 năm kinh nghiệm trong nghề lái tàu chia sẻ, trong thực tế, những người lái tàu vẫn luôn cố gắng đến mức tối đa để có thể cứu người. Dù sau đó, họ biết rằng, nạn nhân có thể chạy trốn khiến cánh lái tàu gặp phải phiền phức.

Ông Sinh cho biết, ông vẫn nhớ như in chuyến tàu mà ông lái va chạm với một cháu bé. Cháu bé này sau đó may mắn không bị thương và cũng được người nhà bế chạy mất. Tuy nhiên, ông vẫn thấy vui và hạnh phúc vô cùng trong khoảnh khắc phát hiện đứa trẻ không sao.

Ông Sinh kể: “Hôm đó, đoàn tàu đang đi với tốc độ cao thì phát hiện một cháu bé đang đi bộ trên đường tàu. Lái tàu đã kéo còi, hãm phanh nhưng thằng bé không hề hay biết. Khi tàu đến cận nơi, cảm giác đầu máy đã lao thẳng vào người thằng bé, những lái tàu bước xuống, ngó vào gầm tàu, thấy thằng bé nằm im lìm. Ai cũng nghĩ thằng bé không thể thoát nạn.

Một lái tàu nhặt lấy chiếc que bên đường chọc vào chân thằng bé. Tự nhiên, nó co chân lại. Cảm giác vui mừng khôn tả. Chúng tôi chui vào bế đứa bé ra. Thằng bé nguyên vẹn, không hề bị thương. Nhưng vừa bế ra khỏi gầm tàu thì người nhà đứa bé đến, họ bế đứa bé rồi chạy mất mà không hề quan tâm đến những người lái tàu”.

“Thế nhưng, thấy thằng bé may mắn thoát nạn, chúng tôi cũng vui lây. Tôi nhớ đến tận bây giờ”- lái tàu Đoàn Đình Sinh kể về những niềm vui nhỏ nhoi trong cuộc đời lái tàu của mình.

Tác giả bài viết: Ngọc Trang - Vũ Lụa

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok