Giáo dục

Khổ vì chứng chỉ sư phạm

Nhiều giảng viên bức xúc bởi dù đã tốt nghiệp các trường ĐH khối ngành sư phạm nhưng muốn làm giảng viên ĐH, CĐ thì vẫn phải học… chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Nhiều giảng viên (GV) tại TP HCM phản ánh việc Thông tư liên tịch số 36/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Nội vụ quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của GV là phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (SP). Theo đó, rất nhiều GV từng tốt nghiệp chính quy từ trường ĐH SP vẫn phải đi học các lớp để lấy chứng chỉ SP.

Bất hợp lý, cứng nhắc

Trong khi đó, Thông tư 12/2013 của Bộ GD-ĐT về ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ SP cho GV trong cơ sở giáo dục ĐH quy định đối tượng chưa qua đào tạo về nghiệp vụ SP muốn trở thành GV trong cơ sở giáo dục ĐH thì mới phải có chứng chỉ nghiệp vụ SP.

index
Tốt nghiệp trường ĐH sư phạm vẫn phải học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm mới được làm giảng viên Ảnh: TẤN THẠNH

TS Lê Thị Linh Trang, GV Học viện Cán bộ TP HCM, cho rằng có sự bất hợp lý, không thống nhất giữa Thông tư 12 của Bộ GD-ĐT với Thông tư 36 của liên bộ. Theo bà, việc học nghiệp vụ SP không cần thiết cho những người đã được đào tạo chính quy. Đây là một sự lãng phí vì mất thời gian, công sức, tiền của để đi bồi dưỡng lại nghiệp vụ cho những người đã được đào tạo chính quy. “Những quyết định như thế làm chúng tôi đặt dấu hỏi về trình độ quản lý nhà nước, về sự thống nhất, tính hệ thống trong văn bản; từ đó làm suy giảm niềm tin vào những quyết định của lãnh đạo quản lý” - TS Trang nói.

GV Nguyễn Ngọc Duy, giảng dạy tại một trường ĐH tại TP HCM, cho rằng Bộ GD-ĐT phải quy định rõ ràng đối tượng đi học là ai. Nếu GV học trường ĐHSP ra thì bằng ĐHSP đã có giá trị hơn rất nhiều so với chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. “Ví dụ, ngành của tôi là tâm lý giáo dục. Tức là bên cạnh tâm lý, chúng tôi đã được học rất nhiều về giáo dục. Chúng tôi ra ngoài đi dạy cho những người khác về những phương pháp giảng dạy, cuối cùng lại phải học môn này ở khóa nghiệp vụ SP. Quá trình học chứng chỉ này đối với ngành tâm lý giáo dục lặp lại nhiều nội dung. Sự bất hợp lý, cứng nhắc nằm ở chỗ đó” - ông Duy nói.

GS, PGS cũng không ngoại lệ

Thông tư 12 quy định các đối tượng đã qua đào tạo SP nhưng chưa tham gia giảng dạy trong cơ sở giáo dục ĐH phải được học đầy đủ cả 2 phần kiến thức bắt buộc và tự chọn của chương trình và được miễn trừ 2 học phần 7, 8 của chương trình bồi dưỡng này. Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 36 (đã nêu ở trên) yêu cầu tất cả những ai muốn trở thành GV chính thức đều phải có chứng chỉ này.

Lần theo các văn bản, chúng tôi thấy năm 2007, chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ phiên bản đầu tiên quy định các đối tượng đang là GV các trường ĐH, CĐ phải được học đầy đủ phần nội dung kiến thức bắt buộc tối thiểu của chương trình. Các đối tượng chưa tham gia giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ phải được học đầy đủ cả 2 phần kiến thức bắt buộc và tự chọn của chương trình. Phần này thì không nhắc gì tới “người tốt nghiệp ĐHSP”.

Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 31/2008 liên quan vấn đề này. Ở mục 2, 3 của điều 1 quy định: “Người tốt nghiệp ĐH chưa qua đào tạo SP đang làm hoặc sẽ làm nhiệm vụ giảng dạy trong các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH. Văn bản này miễn áp dụng đối với các giáo viên, GV đã có thâm niên công tác từ 20 năm trở lên và những người đã có chức danh PGS, GS”.

Theo một chuyên viên phòng đào tạo của một trường ĐH khối ngành SP tại TP HCM, với văn bản năm 2008 này thì ai cũng tự tin là mình không phải bồi dưỡng nghiệp vụ SP, nhất là người có 20 năm giảng dạy và có học hàm PGS, GS. Tuy nhiên, vị này lưu ý riêng mục 2 vẫn còn chút mơ hồ khi hiểu từ chưa qua đào tạo SP ở một số nơi. Ở bậc phổ thông, việc qua đào tạo nghiệp vụ SP và chưa qua đào tạo nghiệp vụ SP quá rõ ràng khi có những bằng cấp tương ứng. Tuy nhiên, lên tới bậc CĐ, ĐH, mọi người hiểu theo hướng “có lợi” là người tốt nghiệp trường ĐHSP sẽ không phải bồi dưỡng nghiệp vụ SP. Có người lại hiểu “tốt nghiệp ĐHSP” chỉ là nghiệp vụ SP bậc phổ thông, bậc ĐH không liên quan.

Thông tư 27/2012 lần nữa quy định đối tượng bồi dưỡng nghiệp vụ SP là người có bằng tốt nghiệp ĐH hoặc CĐ cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ SP để đạt trình độ chuẩn của nhà giáo theo quy định tại điều 77 của Luật Giáo dục. Trong khi đó, Luật Giáo dục và thông tư này không nói rõ tốt nghiệp ĐH, CĐ ngành gì mà nói chung. Như vậy, tốt nghiệp ĐHSP cũng chỉ được xem là tốt nghiệp ĐH và cần có chứng chỉ nghiệp vụ SP thì GV mới được xem là đạt chuẩn.

Trong Thông tư xếp ngạch lương năm 2014 (số 36/2014 ngày 28-11-2014) khi bộ thông báo về việc thi GV chính có mục “có chứng chỉ nghiệp vụ SP GV” mà không nhắc đến các loại bằng cấp. “Điều đó có nghĩ là người tốt nghiệp SP, người có 20 năm giảng dạy, GS, PGS cũng cần có chứng chỉ… nghiệp vụ SP” - vị chuyên viên phân tích.

Không ai được miễn

Khi được hỏi đối tượng được miễn chứng chỉ nghiệp vụ SP, một cán bộ phụ trách phòng đào tạo một trường ĐHSP cho biết hiện chưa có ai được miễn. Không có bằng cấp nào được nhắc tới trong luật, thông tư về việc miễn toàn bộ chứng chỉ nghiệp vụ SP. Có thể người đăng ký học chứng chỉ nghiệp vụ SP GV được miễn một số môn và các môn khác thì phải học để đạt được nghiệp vụ SP GV. Hiện bộ có 3 chương trình nghiệp vụ SP phân biệt: THPT (dành cho người không tốt nghiệp ĐHSP); trung cấp chuyên nghiệp và nghiệp vụ SP GV dành cho ĐH, CĐ.

Tác giả bài viết: Lê Thoa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok