Giáo dục

Khó khăn với bài toán “bỏ biên chế ngành giáo dục”

Từ bấy lâu nay, khi được vào biên chế là giáo viên cho rằng đã yên vị, nên việc dạy học cứ “tàng tàng”, lương thì “đến hẹn lại lên” nếu không mắc khuyết điểm trầm trọng!

Hơn 30 năm trong ngành giáo dục, tôi nhận thấy một sự thật đau lòng: dạy giỏi, dạy hay, dạy có hiệu quả cũng không được ai khen; còn dạy dở, dạy cho có cũng không ai chê, chẳng làm gì được nhau!

Vì vậy chúng tôi ủng hộ cao và kỳ vọng vào chủ trương bỏ biên chế ngành giáo dục, vì khi thực hiện sẽ tác động rất lớn đến đội ngũ giáo viên về mọi mặt.

Đây còn là cơ hội “ngàn năm có một” để nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời loại bỏ được tình trạng “chạy” trong ngành giáo dục.

Vấn đề đặt ra là nếu giao quyền tuyển chọn giáo viên cho nhà trường, cho hiệu trưởng, thì có nảy sinh nhiều tiêu cực không? Rồi với các mối quan hệ bên trên, với “ngành ngang ngành dọc”, với những cám dỗ của vật chất, liệu hiệu trưởng có vượt qua nổi không? Hiệu trưởng là người sẽ chịu trách nhiệm về năng lực của giáo viên được tuyển chọn, nhưng làm sao kiểm soát được quyền lực của người đứng đầu nhà trường?

Trao quyền cho hiệu trưởng trong việc tuyển chọn giáo viên theo hợp đồng là giao “đặc quyền” cho người này, liệu việc đó có dẫn tới “đặc lợi” không? Bởi quy luật vốn có ở đời là có quyền ắt sẽ sinh ra có tiền (hiện tượng “chạy” biên chế vào ngành giáo dục không còn cá biệt, nhưng vẫn không chỉ ra được chính danh thủ phạm)!

Hơn thế nữa, hiện tượng “lợi ích nhóm” sẽ nảy sinh trong nội bộ nhà trường. Hiệu trưởng “có vấn đề” sẽ chọn người cùng phe cánh, cùng êkip để dễ dàng thực hiện những vụ việc khuất tất mà không bị những người trung thực phản đối, tố cáo...

Ngoài ra, còn là việc những giáo viên thực sự có năng lực, tâm huyết với nghề, có nhiều đóng góp cho ngành, bây giờ không lẽ cũng chuyển qua “hợp đồng” như lớp trẻ mới ra trường? Điều đó thật không công bằng, không đúng với họ.

Mặt khác, nếu giáo viên không mặn mà với “hợp đồng”, xin nghỉ, thì việc giải quyết chế độ, chính sách cho họ như thế nào? Như vậy ngành giáo dục trong cả nước sẽ đẩy ra ngoài xã hội một số lượng giáo viên rất lớn.

Xem ra bài toán “bỏ biên chế ngành giáo dục” cần có lộ trình phù hợp để từng bước thực hiện, có như vậy thì hiệu quả sẽ cao hơn, đáp ứng sự mong mỏi của toàn xã hội.

Tác giả: Lê Lam Hồng

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok