Trong tỉnh

Khó khăn trong đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp

Tháng 3 - 2017, UBND tỉnh đã ra Quyết định xử phạt Công ty TNHH Sản xuất thương mại Tuấn Vinh 250 triệu đồng do đơn vị này đã lắp đặt đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường, không thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thu gom chất thải nguy hại theo quy định.

Một cơ sở chế biến lâm sản tại Cụm công nghiệp Xuân Phú (Quan Hóa).

Cơ sở này cũng bị đình chỉ hoạt động trong thời gian 3 tháng để khắc phục vi phạm. Cũng trong năm 2017, khi kiểm tra hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản tại cụm công nghiệp (CCN) Bãi Bùi, xã Quang Hiến (Lang Chánh), Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phát hiện hai đơn vị vi phạm và phải xử phạt đó là HTX chế biến lâm sản Lang Chánh và Công ty CP Lâm sản Lang Chánh. Hiện nay, các đơn vị này đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải và khắc phục các lỗi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, các giải pháp khắc phục vẫn mới chỉ mang tính tạm thời. Với việc tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, trong khi chế biến lâm sản là hoạt động có liên quan nhiều đến nước thải do quá trình ngâm, tẩy đều sử dụng hóa chất, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung ở CCN này đang là vấn đề rất cấp thiết. Trao đổi với ông Trương Văn Huyền, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lang Chánh, chúng tôi được biết: CCN Bãi Bùi hiện là một trong số ít CCN trên địa bàn tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp không tránh khỏi những vấn đề nguy hại tới môi trường, trong khi đó, hạ tầng CCN lại chưa được đầu tư hoàn chỉnh. Từ nguồn vốn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, huyện mới chỉ đầu tư được một số hạng mục giao thông nội bộ.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung chưa có mà các doanh nghiệp tự đầu tư quy trình xử lý riêng nên rất khó khăn trong công tác giám sát. Điển hình như tại Công ty CP Lâm sản Lang Chánh có 6 ao chứa nước thải với thể tích 35.000m2 là chưa thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất 3 dây chuyền của đơn vị. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp, CCN Bãi Bùi đã được điều chỉnh quy hoạch lên 40 ha. Công ty CP Lâm sản Lang Chánh cũng đã có nghiên cứu và đề xuất dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung phục vụ cho các đơn vị trong CCN. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng khu vực mở rộng dự kiến khoảng 3-5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện là rất khó khăn. Hơn nữa, vốn đầu tư xây dựng khu vực xử lý nước thải tập trung khá lớn, trong khi doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn khó khăn.


“Bí” trong vấn đề xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung không phải chỉ xảy ra ở CCN Bãi Bùi mà là tình trạng chung của các CCN trên địa bàn tỉnh. Vấn đề này càng trở nên nhức nhối hơn ở những CCN có hoạt động sản xuất liên quan nhiều đến sử dụng nước như công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp sản xuất đá xẻ... Huyện Hà Trung hiện được quy hoạch 6 CCN là CCN Hà Phong I, CCN Hà Phong II, CCN Hà Lĩnh, CCN Hà Tân, CCN Hà Bình. Đến nay, đã có 23 dự án thuê đất để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các cụm với tổng vốn đầu tư gần 107 tỷ đồng. Tuy nhiên, các CCN này cũng đều chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung. Các CCN sản xuất đá khác như CCN Vức, CCN Đông Hưng (TP Thanh Hóa), CCN Yên Lâm (Yên Định)... cũng đang trong tình trạng tương tự.


Theo quy hoạch CCN, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có 70 CCN với tổng diện tích 2.133 ha. Theo đánh giá của Sở Công Thương, việc quy hoạch và đầu tư phát triển CCN bước đầu đã khắc phục tình trạng các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong khu dân cư, hạn chế tình trạng đầu tư không theo quy hoạch gây ô nhiễm môi trường. Việc xử lý chất thải được quy hoạch bố trí tập trung tại khu tập kết và xử lý đảm bảo yêu cầu theo quy định.

Các CCN đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng đều có quy hoạch phân khu chức năng sản xuất và bố trí các nguồn chất thải phát sinh bụi bẩn, độc hại phù hợp với hướng gió. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp hoạt động trong các CCN đã đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường hoặc đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận. Chất thải rắn của các doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, chế biến nông - lâm - thủy sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và chất thải rắn từ sinh hoạt của các doanh nghiệp đều được thu gom tại nhà máy, hợp đồng với các đơn vị môi trường định kỳ vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Tuy nhiên, hầu hết CCN trên địa bàn tỉnh đều chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Một số CCN đã được Nhà nước hỗ trợ vốn để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhưng do lượng vốn hỗ trợ rất ít (CCN được hỗ trợ cao nhất là 6 tỷ đồng). Do đó, các CCN này cũng chỉ mới xây dựng được kênh thoát nước dọc theo các trục giao thông nội bộ.


Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành một số chính sách khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN, như: Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21-5-2012 của Chính phủ về khuyến công; Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT ngày 18-2-2014 của Bộ Tài chính và Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã được UBND tỉnh ban hành, là động lực để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN.

Theo đó, các doanh nghiệp, liên hiệp HTX, HTX khi thuê đất đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN thuộc quy hoạch phát triển CCN được UBND tỉnh phê duyệt, ngoài được hưởng các chính sách hiện hành còn được hỗ trợ một phần kinh phí để đầu tư các hạng mục, như: San lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống đường nội bộ, hệ thống cấp nước, thoát nước; xử lý nước thải, chất thải; cấp điện, chiếu sáng công cộng... Do đó, các ngành, các cấp chính quyền cần tổ chức công bố rộng rãi quy hoạch CCN, khẩn trương lập quy hoạch chi tiết CCN và tích cực thực hiện các giải pháp vận động đầu tư. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương để làm động lực khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật CCN.

Tác giả: Minh Hằng

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa điện tử

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok