|
Dù khác biệt về thế hệ, thì có những trật tự không bao giờ thay đổi, đó chính là sự tôn trọng lẫn nhau, giữa cha mẹ và con cái, người nhiều tuổi và ít tuổi, giữa vợ và chồng.
Cháu có thể nói năng thoải mái với bạn trai mình như vậy, cô nghĩ là do hai đứa sàn sàn tuổi nhau. Nếu hơn kém nhau một tuổi là bạn bè thì có thể là trò chuyện đồng vai phải lứa, nhưng cậu ấy là bạn trai cháu, tương lai có thể là chồng. Nếu cháu không thể hiện sự tôn trọng ngay từ vấn đề nhỏ nhất như cách xưng hô thì những chuyện to tát hơn sẽ như thế nào?
Cô đã có con dâu rồi, nếu cô nghe con dâu bảo con trai mình “ngu như lợn” thì cô cũng không hài lòng. Huống hồ cháu đây là lần đầu đến nhà, người ta chưa biết tính cách cháu ra sao, lại nghĩ cháu sẽ là con dâu tương lai, dĩ nhiên cô ấy khó chịu cũng là lẽ bình thường.
Cháu nói đúng, ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng quan trọng, nhưng ông bà ta còn có câu “ở lâu mới biết lòng người”. Nếu cháu và bạn trai có ý định nghiêm túc thì nhân dịp các ngày lễ hay sinh nhật thành viên nào đó trong gia đình cháu nên đến nhà. Cháu nên lựa thời điểm thích hợp xin lỗi mẹ bạn trai nếu câu nói đó làm bà phật ý.
Cũng hãy nói rõ rằng hai đứa thỉnh thoảng vẫn đùa nhau như vậy, sau này cháu sẽ chú ý không nói năng như vậy nữa. Cô tin nếu cháu chân thành thì mẹ của bạn trai cháu sẽ nhận ra thôi. Cô ấy là cô giáo nên chắc chắn sẽ rất vui khi thấy con trẻ biết sai biết sửa.
Về chuyện cô ấy nói cách nói năng của cháu là do ảnh hưởng từ bố mẹ cháu vì họ là dân buôn bán, cháu cũng đừng quá nặng nề. Thường thì con cái sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường giáo dục của gia đình. Cha mẹ thường ngày cư xử nói năng thế nào thì con cái sẽ có xu hướng tiếp thu như vậy.
Mẹ bạn trai cháu nhận xét có thể là theo suy nghĩ chung như vậy chứ không phải ác cảm bố mẹ cháu là “dân buôn”.
Cô vẫn nghĩ, sự việc dẫn đến như cháu nói không phải do mẹ bạn trai cháu quá khó tính, cũng không phải do lỗi của cháu không thể chấp nhận, mà là vì mọi người chưa tiếp xúc nhiều, chưa có cơ hội hiểu nhau. Cha mẹ lần đầu thấy con trai đưa bạn gái về nhà đã nghe những câu khó nghe thì khó chịu. Con trẻ lần đầu tới nhà đã thấy phụ huynh có thành kiến thì cho rằng khó tính, nghiêm khắc. Cuối cùng vẫn là cần thời gian để có thể quen nhau và hiểu nhau hơn.
Nếu bản chất cháu là người tốt thì không thể chỉ vì một vài lời nói mà người ta cho rằng cháu không tốt. Nhưng dù thế nào đi nữa cháu vẫn phải để ý cách nói năng cư xử. Cách ăn nói cũng là một khía cạnh để người khác đánh giá con người mình. Đừng cho rằng nói cho vui chứ không hề có ý coi thường hay xúc phạm. Mình nói vui miệng mà người nghe không vui lòng thì kết cục vẫn là không vui.
Còn cháu lo lắng nếu về làm dâu sẽ khó hòa hợp với gia đình bạn trai, đó là nỗi lo chung của hầu hết mọi cô gái khi đi làm dâu. Bởi mỗi nhà mỗi cách sống, mỗi nếp sinh hoạt riêng, và nếu sống chung thì phải tìm cách cân bằng cho hòa hợp. Chỉ khi nhà chồng quá soi mói, gia trưởng, áp đặt hay khắc nghiệt thì mới đáng lo. Chứ về làm dâu một gia đình có nề nếp, lễ nghĩa, thì có gì mà phải sợ?
Chỉ cần cháu biết tiếp thu cái tốt, cái hay thì rồi cháu cũng sẽ trở thành con người hay, con cháu ra đời trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt thì sẽ trở thành một đứa trẻ tốt.
Nói gì thì nói, cháu vẫn còn trẻ, chuyện hôn nhân nên cân nhắc kĩ càng. Nếu chưa thực sự sẵn sàng bước vào cuộc sống gia đình thì chớ vội vàng. Một khi đã thương nhau thật lòng, tình yêu đã đủ lớn thì dù bao khó khăn, bao ngăn trở cũng vượt qua được, chứ đâu chỉ vì một vài câu nhận xét không hay đã khiến lòng lung lay.
Tác giả: Lưu Hà
Nguồn tin: Báo Dân trí