Thể thao

Khi VPF 'đá xoáy' VFF

Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vừa gửi công văn kiến nghị lên VFF, liên quan đến hạn chế của hai bộ phận cơ bản, thuộc trách nhiệm của Liên đoàn: Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật.

Trọng tài Trần Văn Lập (áo đen) là nhân vật trung tâm của sự cố trên sân Long An trong trận Long An - FLC Thanh Hóa.

Về trọng tài, có thể diễn đạt ngắn gọn ý của VPF, với số lượng hiện tại sẽ không đảm bảo nhu cầu sử dụng tại các giải chuyên nghiệp 2018.
Về Ban Kỷ luật, cần nhân sự am hiểu sâu về bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp nói riêng, mới hy vọng đưa ra những quyết định kỷ luật thuyết phục.

Trong các ban thuộc VFF hiện nay, Ban Trọng tài và Ban Kỷ luật là nhiều việc nhất, ảnh hưởng sát sườn nhất đến VPF nói chung, các CLB nói riêng. Đã nhiều việc thì dĩ nhiên năng lực phơi bày rất rõ. Tiếc rằng, chúng ta phải nói thẳng rằng, cả 2 cái ban này bao năm qua là khâu yếu kém nhất của bóng đá chuyên nghiệp. Đến mức, bầu Đức - người có 2 vai, từ lãnh đạo CLB đến lãnh đạo Liên đoàn từng nói thẳng: “Theo tôi, cứ đuổi ông Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi là xong. VFF hay VPF không cần họp hành gì để chấn chỉnh V-League”.

VFF phải chịu trách nhiệm về vấn đề trọng tài. Đáng tiếc, dư luận nhiều người vẫn “hiểu nhầm” trọng tài là của VPF, sai sót, yếu kém của “vua” thì VPF phải nhận lấy trách nhiệm.Khổ là thế, VPF không thuê trọng tài của VFF thì không được, dù nếu nói về tiền họ vẫn đủ sức vận động để thuê bộ khung "vua" ngoại điều hành V-League.

Còn Ban Kỷ luật luôn lý giải xử án theo nguyên tắc án tại hồ sơ. Nhưng, để quy trình hồ sơ đến tận tay kịp thời, hồ sơ rõ ràng, đảm bảo sự công bằng tuyệt đối, không ai có thể định hướng và can thiệp, thì vô cùng khó. Cho nên, Ban Kỷ luật chỉ giỏi xử án nguội, sau khi nghe ngóng chán chê phản ứng của dư luận, của chính những người trong cuộc rồi mới kết án, nên độ nhanh nhạy lẫn sự thuyết phục không cao.

VPF về danh nghĩa là một Công ty, dù thế hoạt động lại không độc lập, hay nói cách khác là chồng chéo, trong mối quan hệ với VFF. Cho nên, không ít vụ hai tổ chức này “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Nếu nói trách nhiệm của VPF điều hành, tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp không tốt, VFF phải được nêu tên đầu tiên. Vì, VFF là cổ đông góp vốn lớn nhất, cổ phần chiếm 35,4%. Trong ban bệ của VPF, nhiều vị trí xung yếu lại là người của VFF, như Phó Chủ tịch HĐQT VPF Trần Quốc Tuấn; như Trưởng giải kiêm Phó TGĐ Nguyễn Minh Ngọc. Về phía VPF, hàng loạt vị trí chủ chốt cũng có chân trong tổ chức VFF, thuộc các ban, phòng chức năng.

Cho nên, khi VPF và VFF còn hoạt động chưa thực sự minh bạch và chuyên nghiệp, thì rất khó phát triển, khó phân định trách nhiệm mỗi khi sai sót. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các ông Nguyễn Văn Mùi - Trưởng ban Trọng tài và Trưởng ban Kỷ luật Nguyễn Hải Hường bị cho nghỉ việc, với cơ chế hiện tại, cũng sẽ sản sinh ra một… ông Mùi, ông Hường khác. Chính ông Nguyễn Văn Mùi chẳng đã từng rút khỏi lãnh đạo Ban Trọng tài, rốt cuộc vẫn trở lại với phiếu tín nhiệm rất cao của các Ủy viên BCH VFF. Bản thân ông Đoàn Nguyên Đức đã đâm đơn xin từ chức, nhưng có được toại nguyện đâu?

Cho nên, cần gì phải lòng vòng cho mệt. Sau khi họp HĐQT VPF xong, ông Chủ tịch HĐQT VPF Võ Quốc Thắng cứ dí luôn công văn kiến nghị cho Phó Chủ tịch HĐQT VPF Trần Quốc Tuấn đồng thời là lãnh đạo có tiếng nói rất “to” ở VFF. Hoặc, các thành viên VPF tự xử lý nội bộ, chuyện trong nhà VPF cả mà.

Cá nhân người viết tin rằng, công văn kiến nghị kia không giải quyết điều gì to tát, chỉ là thao tác kỹ thuật nhằm né tránh trách nhiệm về V-League còn kém cỏi, của nhiều người đang ngồi trong ngôi nhà VPF, trong đó có cả những người là thành viên chủ chốt cả VPF lẫn VFF.

Tác giả: Hữu Quý

Nguồn tin: Báo Thể thao & Văn hóa

  Từ khóa: VFF , VPF

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok