Xã hội

Khi tiếng hô 'Công an đánh người' càng lớn, kinh hãi nhận ra côn đồ trỗi dậy khắp nơi

Khi tiếng hô “công an đánh dân” ngày càng phổ biến cũng là lúc người lương thiện kinh hãi nhận ra côn đồ đã bủa vây họ tứ bề.

Lãnh đạo Công an tỉnh Cà Mau hôm qua công bố việc xử lý kỷ luật một loạt cán bộ chiến sỹ liên quan đến vụ “dùng gót giày đạp vào ngực dân”.

Theo đó, người CSGT trực tiếp “đạp vào ngực dân” và đội trưởng đội CSGT thuộc Công an huyện Thới Bình (Cà Mau) bị kỷ luật hạ bậc thi đua, điều chuyển công tác. Một chiến sỹ khác trong tổ công tác cũng bị kỷ luật, hạ bậc thi đua. Trưởng và phó trưởng Công an huyện cũng bị nhắc nhở, phê bình, yêu cầu rút kinh nghiệm.

Nhiều trường hợp cảnh sát trấn áp hoặc hành động theo sự cho phép của pháp luật đối với những kẻ vi phạm vẫn bị gọi là “Công an đánh người”, “Công an đánh dân”.

Sự việc bắt nguồn từ việc một người đàn ông trung niên đi nhậu về, gặp tổ CSGT, bị tổ công tác yêu cầu đo nồng độ cồn, lập biên bản, giữ xe. Người đàn ông này lao đến xô ngã một CSGT và bị viên cảnh sát đạp vào ngực. Sau đó người đàn ông tố cáo tổ công tác đạp vào ngực khiến anh ta phải nhập viện.

Thật kinh ngạc khi CSGT thi hành công vụ lại bị xử lý kỷ luật. Cái sai đã thắng cái đúng. Một kẻ say rượu, lao vào cảnh sát giằng co, ở đây có thể được hiểu là hành động chống đối nhân viên công lực đang thừa hành nhiệm vụ buộc người cảnh sát này phải phản ứng.

Hành động phản ứng đó có thể quá đà, nhưng có đến mức phải xử lý như vậy? Và thước đo luật pháp nào để kết luận rằng chiến sỹ và tổ CSGT có sai phạm? Hay đó là sự xử lý theo cảm tính; do sức ép của dư luận, vốn phần lớn là những người luôn coi lực lượng công an, lực lượng bảo vệ pháp luật là đối kháng, bất kể họ đúng sai ra sao. Cũng từ đây, cụm từ “Công an đánh dân”, “Công an đánh người” đã trở nên thông dụng hơn bao giờ hết.

Phải thừa nhận, trong không ít trường hợp, cụm từ trên phản ánh đúng vấn đề khi nhân viên công lực hành hung nạn nhân khi họ không hề chống cự hoặc không thể chống cự.

Nhưng trong đa số trường hợp, cả trên báo chí và cả khi người viết bài được tận mắt nhìn thấy, cảnh sát trấn áp hoặc hành động theo sự cho phép của pháp luật đối với những kẻ vi phạm vẫn bị gọi là “Công an đánh người”, “Công an đánh dân”.

Với cách xử lý đầy cảm tính, mang tính đối phó, làm yên dư luận, thử hỏi những người thừa hành công vụ trong lực lượng công an sẽ nhụt chí đến mức nào?

Họ sẽ ko còn tinh thần đối phó tội phạm bởi họ có thể đang từ nhân viên thực thi công vụ trở thành kẻ tội đồ. Họ sẽ mang tâm lý: Thôi tránh cho lành, chẳng phải đầu thì phải tai.

Đây cũng là lý do chính giải thích cho việc tại sao côn đồ ngày càng lộng hành, càng coi thường lực lượng bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự bình yên cuộc sống.

Những tên côn đồ du thủ du thực, trẻ có, già có, trâng tráo, ngông nghênh, ngang nhiên thoá mạ các chiến sỹ công an phường đang làm nhiệm vụ trên đường Trường Chinh (Hà Nội) mới đây là điển hình cho sự yếu mềm của lực lượng bảo vệ pháp luật lẽ ra phải đầy uy lực trước cái ác, trước hành vi vi phạm pháp luật.

Những kẻ đó ở các nước có kỷ cương, chắc chắn, ít nhất, đã bị quật ngã và phải trả giá rất đắt cho hành động ngông cuồng, coi thường pháp luật. Chứng kiến sự hung hăng, coi thường pháp luật, coi thường những người thực thi pháp luật ở đó, có ai dám chắc rằng một ngày nào đó chúng sẽ không sẵn sàng lao vào giết người lương thiện như những con dã thú vì một va chạm nhỏ trên đường?

Những người lương thiện, hiền lành và những người có lương tri tất thảy đều mong một lực lượng công an hùng mạnh, đầy trách nhiệm, đầy uy lực trước sự trỗi dậy của côn đồ ở khắp nơi trên đất nước này. Muốn vậy, lực lượng công an phải thực sự trong sạch, không còn những Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá và những con sâu bự đang ngày ngày làm xói mòn niềm tin của người dân.

Tác giả: HẢI HÀ

Nguồn tin: Báo VTC NEWS

  Từ khóa: côn đồ , công an

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok