Xã hội

Khi thú cưng biến thành kẻ "sát nhân"

Thời gian qua đã xảy ra không ít vụ chó dữ tấn công người gây thiệt hại về sức khỏe, thậm chí cả tính mạng. Tuy vậy, hiện trên địa bàn Hà Nội, tình trạng nuôi, thả chó dữ ra đường không rọ mõm vẫn diễn ra khá phổ biến.

Chó phản chủ - hậu quả khôn lường

Vào tháng 7-2018, tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội xảy ra sự việc khá đau lòng. Một bé gái 8 tháng tuổi đã nhập viện trong tình trạng huyết áp giảm sâu, da tái nhợt, bị biến chứng nặng nề của sốc mất máu. Nguyên nhân là do bé gái này bị con chó nặng 40kg cắn. Mặc dù ngay sau khi sự việc xảy ra, cháu bé đã được đưa đi cấp cứu, song do thương tích nặng, chảy máu quá nhiều nên nạn nhân đã tử vong sau đó.

Cũng tại Hà Nội, cách đây ít ngày, một người đàn ông ở quận Thanh Xuân, Hà Nội khi can ngăn 2 con chó becgie nhà nuôi đánh nhau đã bị chúng quay lại cắn đến tử vong.

Trước đó tại huyện Đông Anh, Hà Nội, trong lúc sang nhà hàng xóm chơi, bé M.N (18 tháng tuổi) đã bị chó cắn dập nát vành tai phải. Dù đã được những người thân có mặt tại đó can thiệp kịp thời nhưng cháu N vẫn bị tổn thương nặng nề vùng hàm, mặt. Con vật “gây án” là chó béc giê giống Đức nặng khoảng 30 kg mới được gia chủ mua về nuôi để giữ nhà.

Tình trạng chó thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến

Sau những vụ việc trên, nhiều người dân tỏ ra bất an trước tình trạng nuôi chó dữ tràn lan trong các gia đình. Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, chị Nguyễn Thảo Vân ở tổ 58 phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, trong ngõ nhà chị có 1 hộ gia đình nuôi hai con chó béc giê rất lớn. Ngày 2 lần, những con vật này được chủ thả ra đường để đi vệ sinh và tập thể dục cho bớt…cuồng chân.

“Không ít lần con gái học lớp 3 của tôi đi học về đến đầu ngõ đã co rúm người, khóc thét lên do nhìn thấy 2 con chó lông đen sì, mắt long sòng sọc lưỡi thè ra vừa được sổ lồng lao thẳng vào người. Chỉ đến khi chủ của chúng chạy ra quát nạt, lùa vào chuồng, những con thú này mới cụp đuôi quay trở lại. Tôi chỉ lo những lúc ấy chủ của chúng không chạy ra kịp, hậu quả sẽ khó lường” – chị Vân thở dài.

Không chỉ chị Vân mà còn nhiều người khác đang hàng ngày phải sống chung với nỗi lo có thể bị chó dữ tấn công bất cứ lúc nào. Dạo một vòng qua các con ngõ, vườn hoa, công viên tại Hà Nội vào buổi sáng hoặc cuối giờ chiều, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những con chó khá lớn không đeo rọ mõm chạy rông trên đường.

Quy định có nhưng khó thực hiện?

Những năm gần đây, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… nuôi chó dữ đã trở thành trào lưu. Không ít người đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua những loại chó dữ quý, hiếm được nhập từ nước ngoài như chó Bec-giê, Ngao Tây Tạng, Pit Bull…nhằm thể hiện đẳng cấp. Đây là các loài chó có đặc tính rất hung dữ, thông minh, thiện chiến, thường chỉ nghe lệnh một chủ nhân duy nhất là người nuôi dưỡng chúng. Nếu chúng được huấn luyện có bài bản có thể trở thành chó nghiệp vụ, một lòng bảo vệ chủ, song nếu chủ vật nuôi thiếu kiến thức, mắc sai lầm trong việc nuôi và dạy chó thì nguy cơ bị chúng tấn công trở lại là khá cao. Khi đó những con chó cưng chẳng khác nào “sát thủ máu lạnh”.

Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong quản lý vật nuôi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y. Theo đó, từ 15-9-2017, người nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó, không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị cơ quan chức năng phạt tiền từ 600.000-800.000 đồng. Chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ đem đi tiêu huỷ. Ngoài ra, người thả rông chó trong thành phố, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác sẽ bị phạt từ 100.000 – 1.000.000 đồng. Nếu chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về vấn đề kiểm dịch, Khoản 2 Điều 37 của Luật Thú y nêu rõ, động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch và trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được kiểm dịch.

Quy định là vậy song thời gian qua hầu như chưa có cá nhân nào nuôi chó thả rông, không đeo rọ mõm bị xử phạt hành chính. Bên cạnh đó, hiện Nhà nước mới chỉ quản lý ở mặt phòng dịch, còn với chó dữ thì chưa có quy định cụ thể để phòng tránh các nguy cơ gây nguy hiểm cho người dân. Do vậy, để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc tiếp theo, cơ quan chức năng cần phân loại, kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc nuôi chó trong các gia đình, đặc biệt là đối với những loài chó dữ, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cá nhân có hành vi vi phạm trong việc nuôi và quản lý vật nuôi.

Tác giả: Huệ Linh

Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô

  Từ khóa: thú cưng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok