Thể thao

Khi Nhật Bản, Thái Lan "chơi chấp tuổi" các đối thủ ở giải U23 châu Á

Mới đây, Nhật Bản tuyên bố họ chỉ dùng lứa U21 để tham dự VCK U23 châu Á 2018. Còn trước đó, Thái Lan không dùng thành phần mạnh nhất trong lứa tuổi 22 để dự SEA Games 29. Họ dùng các giải trẻ để chuẩn bị cho tương lai, khác với thực tế đang diễn ra trong bóng Việt Nam.

Không phải Nhật Bản không xem trọng VCK U23 châu Á sắp diễn ra ở Trung Quốc, nhưng họ còn mục tiêu khác xa hơn, quan trọng hơn, đó là Olympic Tokyo diễn ra trên sân nhà của Nhật Bản sau đây 2 năm. Đấy là giải đấu mà bóng đá Nhật Bản có trách nhiệm giữ vị thế của nước chủ nhà, khẳng định sự vươn lên của cường quốc bóng đá số 1 châu Á với thế giới, nên họ cần chuẩn bị ngay từ bây giờ cho giải đấu đấy.

VCK U23 châu Á là cơ hội quá quý giá để lứa cầu thủ sẽ dự Olympic Tokyo 2020 của Nhật Bản tích luỹ kinh nghiệm, và rèn luyện bản lĩnh. Đấy là một hình thức chuẩn bị cho tương lai gần.

Trước đó, ở đẳng cấp thấp hơn, nhưng Thái Lan cũng có ý thức chuẩn bị cho tương lai thông qua các giải trẻ. Bằng chứng là tại SEA Games 29 vừa rồi, U22 Thái Lan thậm chí còn không gọi đầy đủ các cầu thủ có chất lượng tốt nhất trong lứa tuổi đến Malaysia dự Đại hội thể thao Đông Nam Á.

Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 trên sân nhà, Nhật Bản sẵn sàng đá chấp tuổi các đối thủ tại VCK U23 châu Á 2018
Để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 trên sân nhà, Nhật Bản sẵn sàng đá "chấp tuổi" các đối thủ tại VCK U23 châu Á 2018

Đấy là nhóm các cầu thủ đã khoác áo các đội bóng chuyên nghiệp, có chỗ thi đấu ở Thai-League và họ không nhất thiết phải quay trở lại đội tuyển U22 nước này, tạm bỏ giải vô địch quốc gia, để thi đấu tại SEA Games.

Đấy là xu thế chung ở các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới: Bóng đá trẻ, các giải đấu trẻ là bàn đạp để các cầu thủ tiến lên bóng đá chuyên nghiệp, gia nhập đội tuyển quốc gia, chứ không phải ngược lại, tức là tuyển thủ quốc gia quay về khoác áo các đội trẻ, thi thố ở các giải đấu trẻ.

Nhìn rộng ra hơn chút nữa, những Messi, Tevez, Aguero (Argentina), Owen, Rooney (Anh) đều thành danh khi còn rất trẻ. Nhưng sau khi đã thành danh rồi, cho dù đủ tuổi, họ vẫn gần như đoạn tuyệt với các đội trẻ, các giải trẻ. Vì đơn giản đấy không còn là sân chơi mà nhất thiết họ phải có mặt nữa.

Bóng đá Việt Nam thì khác, Công Phượng, Tuấn Anh… dù đã là tuyển thủ quốc gia nhưng vẫn đá ở hàng loạt giải trẻ, thậm chí ở các trận đấu giao hữu và các giải giao hữu.

Điều đấy thấy rõ là có hại chứ không có lợi. Thứ nhất, các cầu thủ vừa nêu sẽ quá tải vì thi đấu quá nhiều. Thứ nhì, tốc độ phát triển của họ bị ảnh hưởng, vì thử hỏi họ học được gì về chuyên môn, từ các đối thủ trẻ tuổi, vốn có trình độ về lý thuyết còn thấp hơn họ?

Thứ ba, dễ nẩy sinh tâm lý tự mãn, ít chịu sửa các khiếm khuyết của mình, vì việc đá với các cầu thủ có trình độ thấp hơn, rồi toả sáng ở đấy dễ dẫn đến sự ngộ nhận về trình độ.

Và đấy đều là những thực tế mà người ta có thể thấy ở trường hợp liên quan đến Công Phượng trong vài năm trở lại đây, khiến cho cầu thủ này giờ muốn thay đổi tư duy chơi bóng cũng khó khăn hơn các đồng nghiệp khác.

Nhưng lỗi lớn nhất chắc chắn không thuộc về các cầu thủ, mà thuộc về những người lớn. Chẳng phải trong bóng đá Việt Nam, để khoả lấp cho thất bại của bộ mặt của nền bóng đá, thông qua thành tích thiếu thuyết phục của đội tuyển quốc gia, khoả lấp cho nền tảng của toàn bộ nền bóng đá là hệ thống giải quốc nội yếu kém, người ta thường hay mượn thành tích của một vài đội bóng trẻ ra để tô hồng các bản báo cáo đó sao?

Đấy cũng là khác biệt cực lớn giữa những nhà quản lý bóng đá thế giới với những nhà quản lý bóng đá nội: Thế giới dùng bóng đá trẻ để chuẩn bị cho tương lai, còn bóng đá Việt Nam dùng các đội trẻ để báo cáo thành tích!

Tác giả: Trọng Vũ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok