Thể thao

Khi người Thái chơi trò… trốn tìm

Khoảng thời gian tính bằng cả thập niên chúng ta cứ mải miết chạy theo người Thái, mà không hay biết đấy chỉ là trò đuổi hình bắt chữ. Bóng đá trẻ của họ phát triển như mê hồn trận, rất khó nắm bắt.


Mỗi năm Thái Lan (phải) lại mang sang giải U21 quốc tế một đội hình hoàn toàn khác so với năm trước. Ảnh: Quang Nhựt

Giải U21 quốc tế đã vắt qua tuổi thứ 10, và chỉ 2 lần trong số này (các năm 2012 và 2013), Thái Lan không cử đại diện tham dự, dù họ từng là khách mời đầu tiên đá trận giao hữu năm 2006, khi VCK U21 QG ở Đà Nẵng kết thúc.

Theo đó, cứ mỗi năm, U21 Thái Lan lại trình làng một đội hình hoàn toàn mới tại các giải U21 quốc tế. Khi thì là đội hình sinh viên – học sinh, lúc lại là tuyến trẻ của CLB và rất hiếm khi họ mang đội hình xịn qua Việt Nam đánh giải.

Gần 10 năm sau lần đầu tiên năm 2007, khi giải đấu được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hoà, U21 Thái Lan mới lại đem đến giải U21 quốc tế đội hình tương đối mạnh, với rất nhiều cái tên thuộc diện quy hoạch cho SEA Games 2017. Về lý thuyết là thế, còn thực tế như nào phải chờ, để rồi có khi đến SEA Games 29 (Malaysia), thiên hạ có thể lại được thấy một ĐT U23 Thái Lan rất lạ, đã và đang tu luyện ở đâu đó.



Vua phá lưới AFF Suzuki Cup 2016, Teerasil Dangda, từng du học ở Manchester City ở tuổi 19 (năm 2007), chinh chiến ở giải VĐQG Thuỵ Sỹ theo hợp đồng cho mượn sau đó; những cái tên xuất sắc như Chanathip Songkrasin, Sarach Yoonyen, Charyl Chappuis, Tristan Do, Siroch Chatthong, Pokklaw Anan, Sarawut Masuk, Kroekrit Thawikan, Adisak Kraisorn… chưa từng đá các giải trẻ khu vực, cho đến SEA Games 2013, giải đấu mà bóng đá trẻ Thái Lan đòi lại được chiếc HCV lần đầu tiên, kể từ Korat 2007. Họ cũng đã chơi cho ĐTQG khi mới 21 – 22 tuổi.

Từ khi Học viện Thailand JMG (đại bản doanh đặt ở Chonburi, là chiến lược kinh doanh của các doanh nhân Pháp và Bỉ) bị khai tử năm 2012, sau 8 năm hoạt động thiếu hiệu quả, người Thái không cố gắng mở các Học viện liên doanh tương tự nữa, mà họ tập trung vào chiều sâu nội lực.

Như Thể thao & Văn hoá từng thông tin sau các chuyến “thị sát” bóng đá Thái Lan, mỗi một CLB chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp Thái Lan, là một phân xưởng cỡ lớn về đào tạo trẻ, với hệ thống sân bãi tuyệt vời, cùng các chuyên gia hàng đầu đứng lớp.

Việc các ông chủ người Thái sở hữu (toàn phần hoặc bán phần) các CLB lớn ở châu Âu đã tạo các cơ hội khác để cầu thủ trẻ Thái Lan được đào tạo trong môi trường bóng đá có đẳng cấp. Con số không chính thức cho biết, có khoảng 30-40 cầu thủ trẻ Thái Lan đang học bóng đá ở Leicester City. Tham vọng World Cup đã và đang được đặt lên vai lứa cầu thủ này. Đây cũng là công thức mà Nhật Bản từng theo đuổi và thành công. Chỉ 6 năm sau khi J-League ra đời (1992), Nhật Bản lần đầu tiên giành quyền tham dự World Cup 1998 và góp mặt đều đặn đến bây giờ.

Chúng ta đã nói nhiều về bóng đá Thái Lan, nền bóng đá số 1 Đông Nam Á, song dường như vẫn chưa thể học hỏi phương pháp phát triển bóng đá của họ một cách nghiêm túc, và thế là thất bại cứ nối tiếp thất bại.

Tác giả bài viết: Tùy Phong

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok