Thầy giáo Sông Trà cho rằng vụ việc như một tiếng chuông báo động về bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử, đặc biệt là khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi quốc gia đang đến gần.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Ngày 15/3, Báo Người lao động đưa tin: “Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh Nghệ An đã đình chỉ nhiệm vụ coi thi của một giám thị bị tố có hành vi "quay bài" giúp cho một học sinh khác trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh”.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh văn phòng Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh, xác nhận có thông tin trên mạng xã hội xôn xao chuyện một học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh Nghệ An tố một giám thị đã có hành vi “quay bài” giúp một thí sinh khác.
Sau khi nhận được thông tin dư luận phản ánh cô giáo N.T.L.H., giáo viên tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có hành vi copy, “quay bài” của các học sinh khác trong phòng thi để giúp một thí sinh khác, sáng 15/3, Sở Giáo Dục và Đào Tạo tỉnh nghệ An đã đình chỉ nhiệm vụ coi thi của cô giáo H., đồng thời sẽ cho xác minh, kiểm tra việc dư luận đã phản ánh.
Công tác coi thi cần được đảm bảo nghiêm túc. (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Vietnamnet.vn)
Trước đó, vào tối 14/5, trên Facebook được cho là của một em học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An năm học 2016-2017, em này đã viết thư ngỏ gửi cô giáo N.T.L.H.
Theo nội dung thư này, vào chiều 14/5, ngày thi đầu tiên của kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh, tại phòng thi 26, cô H., là giám thị của phòng thi, đã đến xem bài của các học sinh trường Phan Bội Châu, chép vào tay rồi cho một học sinh khác (sbd 010xxx) xem.
Từ sự việc cụ thể nêu trên đang được xem xét, kiểm tra đã gợi lên cho đội ngũ thầy, cô giáo chúng ta nhiều suy nghĩ, trăn trở về công tác tổ chức coi thi hiện nay.
Ắt hẳn, chúng ta vẫn chưa quên, những biểu hiện tiêu cực xảy ra ở một Hội đồng coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông thuộc tỉnh Hà Tây cũ, năm 2006, trong đó có sự tiếp tay, buông lỏng kỷ cương phòng thi của một số giám thị coi thi đã bị thầy giáo Đỗ Việt Khoa ghi hình, tố cáo.
Lãnh đạo hội đồng coi thi và hàng loạt giáo viên coi thi tại Hội đồng coi thi trường trung học phổ thông dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012 bị xử lý kỷ luật do có hành vi “gà bài”, ném tài liệu, để thí sinh ngang nhiên, tự do “quay” bài trong phòng thi, từng gây bức xúc dư luận xã hội.
Trước khi tiến hành tổ chức một kỳ thi, hội thi nào đó của ngành giáo dục, các ban, hội đồng coi thi đều dành một thời gian nhất định để triển khai, quán triệt rất kỹ về quy chế, quy định của kỳ thi, hội thi cho mọi cán bộ, giám thị coi thi.
Quy định thì chặt chẽ, tập huấn thì nghiêm túc, ban bệ coi thi thì đầy đủ, nhưng không hiểu sao một số cán bộ, giáo viên làm giám thị coi thi vẫn mắc sai phạm, coi thường quy chế.
"Là người trong cuộc, chúng tôi chẳng lạ gì những chuyện “động trời” sau khi kết thúc công việc coi thi.
Gặp gỡ đồng nghiệp, anh em, nhiều giáo viên lại rất tự hào, hả hê khi kể về những “thành tích” của mình từng “gà bài”, “giúp đỡ” thí sinh này; con, em phụ huynh kia.
Không ít em học sinh đi thi về vạch đủ “tội” của giám thị, nào là thiếu công bằng, chỉ bài cho bạn A, bạn B; nào là lấy bài của những em học giỏi, làm tốt đưa cho “gà” của mình chép; nào là bỏ phòng thi ra bên ngoài nói chuyện, làm việc riêng” - nhiều đồng nghiệp tâm sự với tôi.
Càng nghe đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh phơi bày sự thật coi thi của giáo viên mình, tôi càng thấy xót xa, buồn lòng.
Vậy đâu là những nguyên nhân chính dẫn đến một số cán bộ, giáo viên vi phạm quy chế coi thi?
Thứ nhất, giám thị có dấu hiệu vụ lợi, nặng quan hệ cá nhân, được người, được ta (để kiếm chác, để dạy thêm, để giúp qua, giúp lại…).
Một khi lãnh đạo hội đồng coi thi dễ dãi, nhẹ nhàng, mặc cho giám thị làm gì cũng được thì tình trạng, cơ hội vụ lợi, vì những quan hệ cá nhân càng có “đất” tung hoành ngang dọc, trường thi trở nên nhốn nháo, phức tạp.
Thứ hai, giám thị bị tác động từ lãnh đạo, sính bệnh thành tích, “thương” học trò của trường, địa phương mình nên trong coi thi sẵn sàng ra tay giải bài hoặc cùng phối hợp với các giáo viên khác để thí sinh tha hồ quay cóp, sử dụng tài liệu…
Thứ ba, có kiểu giám thị (nhất là giáo viên trẻ) mắc “bệnh” táy máy, thích thể hiện mình, chẳng ngại chỉ bài cho cả phòng thi khi các thí sinh than đề khó…
Những động cơ, biểu hiện sai phạm của giám thị coi thi đều đáng lên án, vì chính họ “giết chết” sự tôn nghiêm của quy chế, pháp luật, vì chính họ gây nên tình trạng thiếu công bằng trong thi cử, trong giáo dục.
Hai kỳ thi lớn, thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi quốc gia năm 2017 sắp đến gần, công tác tổ chức coi thi cần được thực hiện một cách triệt để, đúng quy chế, mọi biểu hiện tiêu cực, sai trái của cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ coi thi đều bị phát hiện, khống chế và xử lý nghiêm túc, kịp thời.
Đó là kỳ vọng, mong mỏi tha thiết của nhiều thầy, cô giáo, học sinh, phụ huynh và dư luận cả nước.
Tác giả bài viết: Sông Trà
Nguồn tin: