Trong tỉnh

Khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa

Sáng ngày 02/2, tại xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa(Thanh Hóa) tổ chức Lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973).

Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Thiệu Hóa cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, học sinh và Nhân dân xã Thiệu Viên.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh cùng lãnh đạo huyện Thiệu Hóa cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973).

Thay mặt lãnh đạo UBND huyện Thiệu Hóa, đồng chí Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã trình bày quá trình triển khai dự án Tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973). Cách đây 55 năm, bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh xâm lược nước ta bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và mở cuộc leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã sơ tán và đặt trụ sở làm việc của cơ quan Tỉnh ủy ở làng Viên Nội, xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa. Tại đây, Tỉnh ủy đã cho thi công xây dựng các công trình như: Nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy; hội trường lớn của Tỉnh ủy; nhà ăn, nhà ở và làm việc của cán bộ; các công trình khác như hầm trú ẩn, hệ thống giao thông, hào công sự…). Cũng chính tại nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, diễn ra từ ngày 6/9 đến ngày 9/9/1969; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 7 diễn ra từ ngày 21-10 đến ngày 4-11-1969, Hội nghị nghiên cứu Nghị quyết của Quân uỷ Trung ương và bàn công tác quân sự địa phương diễn ra từ ngày 4-4 đến ngày 6-4-1971,…

Ngày 17/10/2019, UBND tỉnh Thanh Hoá đã ban hành Quyết định số 4274/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án: Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973), xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa; đến ngày 17/4/2020 UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1345/QĐ-UBND với quy mô đầu tư tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích: Nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, Hội trường lớn, Nhà truyền thống, bia giới thiệu di tích, hào, hầm chữ A và một số hạ tầng kỹ thuật khác.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan và chụp ảnh lưu niệm ở khu nhà Thường trực Tỉnh ủy tại khu di tích.



Như vậy, sau 17 tháng thi công dự án đã được hoàn thành và tổ chức khánh thành đúng dịp kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2023) góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, đáp ứng tình cảm, sự mong đợi của các thế hệ lãnh đạo và các tầng lớp Nhân dân.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, của các đơn vị chức năng, đặc biệt là của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Viên đã đóng góp tích cực vào việc hoàn thành xây dựng công trình Khu di tích lịch sử cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thiệu Hóa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng Thiệu Hóa thành huyện vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng - an ninh, sớm trở thành một trong những huyện dẫn đầu của tỉnh.

Đồng thời, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền huyện Thiệu Hóa, xã Thiệu Viên cần làm tốt công tác quản lý, giữ gìn, bổ sung thêm các tư liệu và phát huy tối đa giá trị sử dụng đưa công trình trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt chính trị, văn hóa, tư tưởng, du khảo về nguồn, nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, qua đó bồi đắp thêm niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước và khát vọng vươn lên cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tác giả: Duy Thịnh

Nguồn tin: moitruongvadothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok