Du lịch

Khám phá Tây Bắc trong 5 ngày của dân văn phòng mê phượt

Chuyến phượt Tây Bắc năm nay của mình kéo dài 5 ngày, chạy xe khoảng 1000 km qua 5 tỉnh, trek cực Tây A Pa Chải, thị trấn sương mù Sa Pa, vượt 3 trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc.

Chuẩn bị cho chuyến phượt Tây Bắc 5 ngày

Bản đồ: Sử dụng Google Maps là tốt nhất, lưu lại bản đồ địa hình, bản đồ offline và book mark một số điểm sẽ đi qua.

Tiền bạc: Trước khi đi, mình dự kiến chi phí khoảng 2-2,5 triệu đồng/người, tiền và thẻ mang theo được chia ra, để ở nhiều nơi, trên balo và mang theo người.

Giấy tờ tùy thân: mang theo 2-3 giấy tờ có dán ảnh: CMND, hộ chiếu, bằng lái xe, cũng được chia ra nhiều nơi. Dùng backup để bay về hoặc phải gửi giấy tờ để thuê xe, nhà nghỉ...

Mũ bảo hiểm + bảo hộ tay chân: Bắt buộc mũ 3/4 hoặc fullface để đảm bảo an toàn, mang thêm giáp bảo hộ cho an tâm.

Áo mưa bộ, áo mưa balo, dây ràng balo phía sau xe, túi ngủ để phòng trường hợp không có nhà nghỉ. Đồ công nghệ, đồ sống ảo, pin dự phòng... và lưu số điện thoại các thành viên trong đoàn.

Một chút bánh kẹo, lương khô mang theo.

Khi xuất phát, luôn mua nước và xăng dự phòng.

Lịch trình phượt Tây Bắc 5 ngày

Đoàn gồm 4 người từ TP.HCM, tất cả đều đi làm và đi học. Do đó chúng tôi quyết định bay ra Hà Nội vào buổi tối và bay về vào sáng sớm rồi đi làm, để tiết kiệm thời gian nghỉ phép, như vậy sẽ có trọn 5 ngày dành cho việc lang thang các cung đường Tây Bắc.


Tổng quãng đường khoảng 1.041 km nhưng bản đồ đã không hiển thị có một đoạn khác ở ngày 2. Ở Mường Tè, chúng tôi đi đường Mường Tè - Pắc Ma - Chung Chải - A Pa Chải chứ không phải Mường Tè - Mường Nhé - A Pa Chải như trong bản đồ.

Ngày 0: TP HCM - Hà Nội

22h bay, 0h hạ cánh Nội Bài, bắt xe giường nằm đi Sa Pa ngay trong đêm, ngủ trên xe.

Các xe ở Hà Nội đi Sa Pa đều đi ngang sân bay Nội Bài, tuy nhiên đi giờ khuya như vậy thì chỉ có xe Phúc Xuyên (xe Quảng Ninh - Sa Pa) với giá 250.000đồng/vé. Xe có thể đợi ở ngã 3 với QL2 lúc 0h30.

Taxi từ Nội Bài - QL2: 40.000 đồng.

Ngày 1: Sa Pa - Đèo Ô Quy Hồ - Mường Tè - Pắc Ma: 242 km

Đường đi đẹp, trừ đoạn vừa ra khỏi thị trấn Sa Pa (9h) vừa bị sạt lở, và 8 km cung đường dọc sông Đà từ Mường Tè đến Pắc Ma chưa được làm, đường cấp phối.

Các đoạn đèo Ô Quy Hồ, Pa Tần - Mường Tè, Mường Tè - Pắc Ma (dọc sông Đà) cực đẹp.

Nghỉ đêm tại ngã 3 Pắc Ma (19h). Có một đường đi Mù Cả, Mường Nhé; một đường đi cột mốc 17, nơi con sông Đà chảy vào đất Việt. Nhà nghỉ duy nhất ở đây, giá khá cao: 400.000đồng/phòng 2 giường, máy lạnh, nước nóng, nhưng cả đoàn không còn sự lựa chọn nào khác.

Thượng nguồn sông Đà êm đềm và mang sắc đỏ của phù sa.

Ngày 2: Pắc Ma - A Pa Chải - Chợ Chà Cang: 60 km + 158 km

Đoàn mình xuất phát sớm lúc 5h30. Đoạn Pắc Ma - Chung Chải khoảng 60 km không có trên bản đồ, nhưng hiện tại đã thông và đi rất đẹp, một số đoạn bị sạt lở hoặc xuống cấp. Từ khi qua địa phận Điện Biên, đường đẹp hẳn, và từ ngã 3 Chung Chải (cầu Đoàn Kết) thì rẽ phải, đi thẳng qua A Pa Chải (37 km) chứ không cần qua Mường Nhé.

Trek cực Tây A Pa Chải, bạn phải liên hệ đồn Biên phòng A Pa Chải trên đường ra cửa khẩu để xin phép (để lại giáy tờ), và nhờ các anh bộ đội dẫn đường (nếu đến buổi tối có thể được sắp xếp chỗ ngủ. Ăn tối thì nhà ăn nấu với giá 70.000 đồng/suất). Mặc dù đường đi cực Tây đang được làm, bọn mình vẫn phải đi bộ khoảng 1,5 tiếng lên và 1 tiếng đi xuống.

Đoàn mình nghỉ đêm tại nhà nghỉ gần chợ Chà Cang (21h). Khu này cũng chỉ có một nhà nghỉ này, với giá 150.000 đồng/phòng 2 giường cho 4 người, có nước nóng, máy quạt.


Ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Việt Nam.

Ngày 3: Chà Cang - Mường Lay - Đèo Pha Đin - Mường Giôn: 242 km

Đường tắt từ Chà Cang đi Mường Lay rất đẹp, đi qua nhiều bản làng dân tộc và hồ thuỷ điện. Tuy nhiên đoạn QL6 từ Mường Lay đi Tuần Giáo xuống cấp nhiều.

Đèo Pha Đin hiện được làm lại khá đẹp. Đường lớn dễ đi, nếu ai muốn thử thách có thể rẽ vào QL6 cũ (trước khi lên đèo mới).

Tại ngã 3 chợ Thuận Châu (Sơn La), có đường rẽ vào QL 279. Đường 279 rất đẹp, tuy nhiên đoạn từ thị trấn Quỳnh Nhai - Mường Kim rất xấu. Đường ngoằn nghèo và xuống cấp trầm trọng.

Do đó, đoàn đã quyết định nghỉ tại Mường Giôn. Nhà nghỉ giá 150.000 đồng/phòng 2 giường cho 4 người, có nước nóng, máy quạt... Nhà nghỉ này không có bảng, mà chỉ có bảng quán cơm ngay cây xăng xã Mường Giôn, trung tâm văn hóa

Ngày 4: Mường Giôn - Đèo Khau Phạ - Tú Lệ - Mù Cang Chải: 173 km

Đường 279 đi quanh hồ thuỷ điện Bản Chát, và sau khi đi qua địa phận Lai Châu rất đẹp. Đường đi qua những đồi chè và bản làng của người dân tộc Thái.

Cung đường Mù Căng Chải - Khau Phạ - Tú Lệ đi qua nhiều ruộng bậc thang đẹp, có thể dừng lại chụp ảnh.

Đèo Khau Phạ là một trong những con đèo dài, có độ nguy hiểm, nhưng lại rất đẹp khi chìm trong sương mù và nhìn xuống bạt ngàn ruộng bậc thang ở thung lũng Cao Phạ, xã Lìm Mông, Lìm Thái.

Trên đường, bạn có thể ghé vào đồi Mâm Xôi (ngày cầu Ba Nhà) và Mũi Giày. Đây là 2 điểm chụp hình hay xuất hiện trong hình ảnh quảng cáo Mù Cang Chải. Gặp trời mưa và đường lầy, đoàn không ghé vào La Pán Tẩn, Lao Chải hay Chế Cu Nha được.

Bọn mình nghỉ đêm tại homestay nhà sàn ở bản Thái, cách thị trấn Mù Cang Chải 1 km, với giá 70.000 đồng/người, có chăn - mùng - gối - nệm đầy đủ, 2 nhà vệ sinh có tắm nước nóng.

Ngày 5: Mù Căng Chải - Sa Pa - Tả Phìn - Sa Pa: 157 km

Từ Mù Cang Chải, cả đoàn quay về Sa Pa, dọc QL 32 và 4D. Lần này bọn mình vượt đèo Ô Quy Hồ theo hướng ngược lại, vào một ngày đầy sương mù. Các bạn có thể ghé các quán ở đỉnh đèo ăn cơm lam, chụp ảnh với giá cũng khá rẻ (10.000 đồng một ống cơm lam).

Sau đó, bọn mình từ Sa Pa đi về bản Tả Phìn của người Dao Đỏ, tham quan động Tả Phìn và tắm lá thuốc.

Đến 22h đoàn lên xe về lại Hà Nội, 3h bắt taxi tại ngã 3 đi Nội Bài với giá 150.000 đồng/6 người (đi chung và chia tiền taxi 7 chỗ với 2 bạn người Pháp). Sau đó cả đoàn nghỉ ngơi và bay về TP.HCM chuyến 6h, đến 9h có mặt tại văn phòng làm việc.


Đèo Ô Quy Hồ trong mây.

Chi phí phượt Tây Bắc 5 ngày

Chi phí cho một chuyến đi phượt sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, do đó mỗi người đi sẽ có từng mức tiền khác nhau. Chi phí của đoàn mình 4 người từ Sài Gòn có thể giúp các bạn tham khảo để lên kế hoạch.

- Vé máy bay khứ hồi khoảng 1,2-2 triệu đồng (tùy hãng bay, thời điểm mua vé), Nên mua thêm hành lý ký gửi, vì đồ đạc rất nhiều (hơn 7 kg). Một đoàn mua 1 gói hành lý. Nên mua vé cuối ngày hoặc đầu ngày để tiết kiệm thời gian, và chi phí tốt hơn.

- Xe khách giường nằm: Dao động 200 - 250.000 đồng một chiều. Mình đi lên Sa Pa bằng xe Phúc Xuyên (0h30 ở ngã 3 Nội Bài, giá 250.000 đồng một vé) và đi về bằng xe Queen Cafe (22h xuất bến Sa Pa, có WC trên xe, 220.000 đồng một vé).

- Thuê xe máy ở Sa Pa: Việc di chuyển hơn 1.000 km đèo dốc ở Tây Bắc trong 5 ngày khá khó khăn với các xe máy cho thuê ở Sa Pa. Đa phần các chủ xe chỉ muốn cho thuê trong ngày. Mình thuê 2 chiếc Wave RSX với giá 120.000 đồng một ngày, xe khá khoẻ và cũng không quá cũ. Tuy nhiên khi nhận xe, bạn nhớ kiểm tra lại kỹ. Mình phải sửa lại cổ xe (lâu ngày bị lắc) và một xe bị rách vỏ, thay dầu nhớt, còn lại khá ổn sau khi bị cày ải liên tiếp 5 ngày, 2 người và 2 balo 10 kg.

- Nhà nghỉ: Chi phí trung bình khoảng 50.000-100.000 đồng/người/đêm, tùy thuộc vào khả năng mặc cả và chất lượng của nhà nghỉ. Nhóm mình chi 940.000 đồng cho 4 người, trong 4 đêm.

- Ăn uống: Ăn sáng cần chi phí khoảng 30.000 đồng/phần (phở, bún...), còn ăn cơm trưa, theo món thì khoảng 50.000 đồng/người.

- Xăng: Nhóm mình hết khoảng 400.000 đồng một xe (1.000 km) và còn dư khoảng 3 lít xăng khi trả xe

- Chi phí tham quan, vui chơi:

Vé khu du lịch thác Tình yêu: 70.000 đồng/người

Vé vào bản Tả Phìn: 40.000 đồng/người

Phí dẫn đoàn A Pa Chải: 400.000 đồng (dẫn theo đoàn, đi ít đi nhiều cũng thế)

Tổng chi (không tính tiền vé máy bay) khoảng 2,5 triệu đồng một người.

Tác giả bài viết: Lê Xuân Cường

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok