Hội nghị lần này tập trung thảo luận cho ý kiến vào ba nhóm nội dung lớn, đó là nhóm nội dung về công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho mục tiêu tiếp tục cải cách, đổi mới đất nước trong thời gian tới và nhóm nội dung về công tác cán bộ.
![]() |
Tổng bí thư Tô Lâm phát biểu khai mạc. Ảnh: Ngọc Thành |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các tiểu ban Văn kiện đã gấp rút điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các Văn kiện để trình Trung ương cho ý kiến. Qua nhiều lần bổ sung, hoàn thiện, nội dung Văn kiện cơ bản đã đảm bảo các yêu cầu đề ra như tính cách mạng, tính khoa học, tính chiến lược, tính thực tiễn, tính đồng bộ, tính khả thi, tính định hướng… Tuy nhiên để nội dung Dự thảo Văn kiện lần này không chỉ là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, mà còn là “ngọn đuốc soi đường” cho công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới, vì vậy, từng câu chữ, từng nội dung trong các dự thảo Văn kiện phải thực sự cô đọng, súc tích, chiến lược mà cụ thể, vi mô vì vĩ mô, phản ánh đúng thực tiễn, dự báo đúng xu thế và định hướng được tương lai.
![]() |
Hội nghị Trung ương 12 chính thức khai mạc sáng nay (18.7) tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành |
Liên quan đến nhóm nội dung tạo cơ sở chính trị cho việc tiếp tục cải cách, đối mới trong thời gian tới, Tổng Bí thư khẳng định, tại Hội nghị này, Trung ương cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại các Nghị quyết Trung ương trong lĩnh vực đất đai (NQ18 ngày16/6/2022); xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN (NQ27 ngày 09/11/2022); giáo dục và đào tạo (NQ29 ngày 04/11/2013; NQ19 ngày25/10/2017); cho chủ trương định hướng điều chỉnh Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đề cập về nội dung công tác cán bộ, xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh, nội dung này đã được Ban Tổ chức Trung ương chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, lớp lang, tuân thủ Điều lệ và các qui định của Đảng, của Pháp luật hiện hành.
Để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn, Tổng Bí thư nêu rõ yêu cầu đặt ra là từng Ủy viên Trung ương cần phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, khách quan và cầu thị. Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Không để bất kỳ lợi ích cục bộ, cảm tính cá nhân hay nể nang, né tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng quyết sách. Bởi mỗi ý kiến đóng góp tại Hội nghị lần này không chỉ có ý nghĩa với nội dung văn kiện, mà còn có vai trò trong việc hình thành đường lối chiến lược của Đảng ta từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, 2050.
Tác giả: Văn Hiếu
Nguồn tin: Báo VOV