Lễ hội Lam Kinh được bắt đầu với nghi lễ rước kiệu Đức vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai và các văn thần, võ tướng vương triều Hậu Lê vào sân Rồng chính điện Lam Kinh, với sự tham dự đông đảo của nhân dân địa phương và du khách khắp mọi miền đất nước.
Sau phần lễ là phần hội với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Hào khí Lam Sơn - tỏa sáng trường tồn” có sự tham gia của hơn 300 nghệ sĩ, diễn viên nhằm khơi dậy lòng tự hào dân tộc đối với các tầng lớp nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các nghi lễ khai hội Lam Kinh 2022 (Ảnh: VOV). |
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Đầu Thanh Tùng nhấn mạnh, những trang sử truyền thống chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc và tri ân, tôn vinh trước những cống hiến, hy sinh của Anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng các tướng sĩ, nghĩa quân và nhân dân trong cả nước đã có công lao to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước cao cả của dân tộc.
Được biết, Lễ hội Lam Kinh gắn với Khu Di tích lịch sử Lam Kinh và vùng đất Lam Sơn. Cụ thể, nơi đây là “vùng đất căn bản” của nhà Lê, nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi giặc Minh cách đây cách đây 604 năm (vào mùa Xuân Mậu Tuất năm 1418). Sau khi khởi nghĩa thắng lợi, năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế và mở ra triều đại nhà Hậu Lê huy hoàng trong lịch sử dân tộc.
Được khởi dựng từ những thập kỷ đầu Thế kỷ 15, song hành cùng Đông Kinh - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước dưới thời hậu Lê - Di tích Lam Kinh gồm nhiều hạng mục công trình kiến trúc phục vụ chức năng tín ngưỡng, tri ân tổ tiên nhà hậu Lê, là nơi an nghỉ của các Vua và Hoàng hậu.
Di tích Lam Kinh là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử quan trọng về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc. Giá trị lịch sử của Lam Kinh được thể hiện như là một “Bảo tàng lịch sử” về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Với những giá trị nổi bật, 10 năm về trước, di tích Lam Kinh được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 27/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong những năm qua, di tích Lam Kinh được dành nguồn lực đầu tư lớn để phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị. Nhiều hạng mục công trình tại di tích Lam Kinh được phục dựng như: Các tòa thái miếu, Nghinh môn, Chính điện, hệ thống các lăng mộ, nhà bia, đường thăm quan, đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, đền thờ vua Lê Thái Tổ…
Đồng thời, Di tích Lam Kinh được xây dựng thêm các công trình tôn vinh, gắn việc bảo lưu giá trị nguyên gốc đi đôi với phát huy, khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch tâm linh của quần thể di tích này.
Cùng với nguồn lực đầu tư của Trung ương và của tỉnh, tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, tổ chức các loại hình dịch vụ nhằm có thêm nhiều sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách.
Đã 6 thế kỷ trôi qua, Di tích Lam kinh đã trở thành biểu tượng của lòng tự hào dân tộc về một giai đoạn lịch sử oai hùng chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được bảo tồn, tôn vinh và gìn giữ.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Lam Kinh 2022 (Ảnh: TTXVN). |
Lễ hội Lam Kinh cũng là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp cho lịch sử luôn sống mãi trong thế hệ mai sau. Đặc biệt, với một không gian văn hóa đặc sắc, cùng những ý nghĩa và giá trị vô giá, lễ hội Lam Kinh đã khẳng định vai trò quan trọng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa. Đồng thời, thể hiện sức mạnh tự thân, sức sống quật cường trước bao biến động lịch sử.
Có được một lễ hội Lam Kinh quy mô, hoành tráng, một di sản phi vật thể đặc sắc, giàu giá trị như ngày hôm nay không thể phủ nhận những nỗ lực, đóng góp của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân trong việc bảo tồn, lưu giữ, phục dựng và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của lễ hội Lam Kinh.
Gìn giữ lễ hội Lam Kinh chính là sự tôn vinh công lao của các anh hùng hào kiệt; là gìn giữ văn hóa truyền thống. Đồng thời, giáo dục mọi thế hệ luôn biết trân trọng lịch sử, để xác định trách nhiệm của mình trong gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tác giả: Đông phong
Nguồn tin: thoidai.com.vn