Giáo dục

Khai bút đầu năm 2022: Nên xin chữ gì để học hành tấn tới, thi cử đỗ đạt?

Hằng năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, các sĩ tử lại háo hức với phong tục khai bút đầu năm để mong con đường học hành tấn tới, thi cử đạt nhiều kết quả cao.

Khai bút đầu xuân, còn gọi là tục chắp bút đầu năm là một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của người Việt.

Tục khai bút ngày xưa thường được các bậc nho sĩ, học giả thực hiện và coi như một nghi lễ quan trọng vào dịp đầu xuân năm mới với ý nghĩa thể hiện sự tôn trọng với việc học tập và mong mỏi về một năm mới học hành tấn tới, suôn sẻ.

Cho đến nay truyền thống này vẫn được giữ gìn và tiếp tục phát huy ở thế hệ các bạn học sinh, nhằm gửi gắm những điều tốt lành, cầu chúc mọi điều may mắn sẽ đến với bản thân và gia đình trong năm mới.

Khai bút đầu năm là một nét văn hóa đặc trưng của người Việt (Ảnh minh họa)

Khai bút đầu năm 2022 và những điều cần biết

Chia sẻ về phong tục xin chữ, khai bút đầu năm 2022, TS. Lê Văn Cường - Phó Trưởng khoa Văn Học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, chữ Hán du nhập vào Việt Nam tồn tại suốt cả hàng nghìn năm thời Bắc thuộc. Đến năm 1919, Việt Nam chấm dứt khoa cử, chữ Hán không còn được sử dụng như một thứ văn tự chính thống mà thay vào đó là chữ Quốc ngữ. Mặc dù vậy, chữ Hán vẫn trường tồn đến tận ngày nay bởi lẽ trong tiếng Việt sử dụng hàng ngày có đến 80 % là từ Hán Việt.

Việc khai bút và cho chữ đầu xuân được định hình cùng với sự phát triển của chữ Hán, nhưng có lẽ mỹ tục này được ra đời sau khi chữ Hán đã trở thành văn tự chính thống và khi Nho giáo ăn sâu vào gốc rễ của người dân Việt Nam. Một điểm quan trọng nữa là xuất phát từ tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo của người Việt.

Khai bút đầu năm 2022 ngày nào đẹp?

Trao đổi về vấn đề này, TS Cường cho hay, ngày khai bút, xin chữ đầu năm không có một định lệ cụ thể. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán là một dấu mốc thiêng liêng, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới ("Nguyên Đán" nghĩa là buổi sáng đầu tiên của 1 năm).

Chính vì thế, thông thường học trò, sĩ tử thường khai bút, tặng chữ, cho chữ vào những dịp đầu năm để mong cho một năm mới hành thông, trí tuệ, sáng suốt, thuận lợi trên mọi phương diện. Vậy nên sĩ tử, học trò có thể chọn một ngày đẹp hoặc một ngày phù hợp để viết chữ hoặc cho chữ.

Tuy nhiên, không phải vì xin chữ mà học trò có thể học tốt hơn và thi cao đỗ đạt. TS Cường cho rằng, việc xin chữ là một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa và vẫn được duy trì liên tục cho đến tật ngày nay. Mỗi độ xuân về hoạt động xin chữ và cho chữ lại được diễn ra vào những ngày đầu năm mới.

Tuy vậy nếu nói rằng việc xin chữ và cho chữ khiến cho học sinh, sinh viên có thể học tập tốt và thi đỗ cao trong các kỳ thi thì không đúng. Vì nếu xin chữ về treo nhưng không nỗ lực vươn lên trong học tập thì chắc chắn sẽ không mang lại kết quả, và may mắn cũng không mang lại với những người như vậy.

Khai bút đầu xuân là truyền thống tốt đẹp được nhiều học sinh áp dụng (Ảnh minh họa)

Khai bút đầu năm nên xin chữ gì?

Khai bút đầu năm nên xin những chữ phù hợp với nguyện vọng, là động lực để người xin chữ nương theo đó mà nỗ lực vươn lên. Các bạn trẻ có thể xin những chữ chủ về học hành như: CHÍ, TRÍ, MINH, TUỆ, ĐẠT, THÀNH...; chủ đề tu dưỡng như ĐỨC, NHÂN, NGHĨA, LỄ, NHẪN... Ngoài ra, ngày nay việc xin chữ và cho chữ bằng tiếng Việt cũng được đề cao.

Hiện nay một số trường đại học như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Khoa học Huế; Đại học Hồng Đức, Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn dùng chữ Hán giảng dạy cho sinh viên Hán Nôm, Văn học, Lịch sử, Ngôn ngữ, Du lịch, Nhân học, Đông phương học... Ngoài ra, các học xá tư nhân, chùa, các Học viện Phật giáo cũng được dạy chữ Hán với một thời lượng không ít. Do vậy, việc học chữ Hán của người Việt ở các thời kỳ có sự khác nhau nhưng gần như chưa có sự đứt đoạn và ngày càng phát triển.

Khai bút đầu năm là phong tục luôn được đề cao (Ảnh minh họa)

Hàng năm, tại Văn miếu Quốc Tử giám vẫn tổ chức cuộc thi chọn lựa những người có khả năng chữ nghĩa để tham gia viết chữ đầu năm. Tuy nhiên, TS Cường cho rằng, để phát huy tốt cũng như duy trì truyền thống xin-cho chữ được lâu dài và mang ý nghĩa thiết thực thì rất cần sự giám sát, định hướng cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể của những nhà chuyên môn.

Hơn nữa, việc xin chữ, khai bút đầu năm giữa ngày xưa và ngày nay về mặt ý nghĩa không có gì khác biệt. Sự khác biệt chỉ có thể ở chỗ phương thức hoạt động hoặc do nhu cầu của xã hội tuỳ thuộc vào từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Hoạt động viết chữ ở Văn Miếu đã có sự thay đổi ít nhiều, đôi khi có thiên hướng thương mại hoá, không còn là sự cho tặng chữ thông thường như truyền thống tốt đẹp vốn có.

Tác giả: Thúy Ngà

Nguồn tin: giadinhonline.vn

  Từ khóa: ông đồ , khai bút , học hành

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok