Trong tỉnh

Kết luận nguyên nhân ngao chết bất thường tại Thanh Hóa

Tảo độc nở hoa cộng với việc nuôi mật độ quá dày là nguyên nhân ngao chết bất thường tại phường Hải Ninh và Hải Châu (thị xã Nghi Sơn).

Tranh chấp thức ăn, nơi trú ẩn do mật độ nuôi quá dày, ngao bị yếu sau quá trình sinh sản cùng với điều kiện môi trường biến động đột ngột, N-NO2 vượt ngưỡng; tảo nở hoa sinh ra độc tố gây thiếu hụt ô xi trong nước khiến ngao chết bất thường. Ảnh: Võ Dũng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành kết luận chính thức về nguyên nhân ngao chết bất thường tại phường Hải Ninh và Hải Châu.

Theo đó, hiện tượng ngao chết bất thường bắt đầu xẩy ra tại phường Hải Ninh, Hải Châu từ ngày 1/3, đến ngày 4/3 bắt đầu chết nhiều. Tổng diện tích ngao bị chết là 3,8 ha, tại 5 hộ nuôi, tỷ lệ chết 20-25%.

Ngày 5/3, Chi cục Chăn nuôi & Thú y Thanh Hóa đã lấy mẫu ngao, mẫu nước tại vùng nuôi gửi Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Thanh Hóa lấy mẫu ngao, nước gửi gửi trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nông lâm thủy sản vùng I Hải Phòng để xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Ngày 11/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa phối hợp cùng Sở TNMT, Sở KH-CN, UBND thị xã Nghi Sơn và UBND phường Hải Ninh, hải Châu xác minh kiểm tra nguyên nhân ngao chết.

Kết quả cho thấy, ngao chết là ngao thương phẩm, kích cỡ 70-120 con/kg, mật độ nuôi 2.000 con/m2 (theo hướng dân kỹ thuật nuôi, mật độ thả nuôi giống phù hợp là 500 con/m2 với cỡ 400-500 con/m2; 250-300 con với cỡ 300 con/m2).

Tại vùng nuôi ngao ngày 11/3, nước có màu đỏ theo từng vệt; một số khu vực ở chân cọc vây lưới có màu đỏ đậm đặc. Màu đỏ này được xác định là xác chết của tảo. Thời điểm này, ngao vẫn đang tiếp tục chết.

Theo kết quả phân tích mẫu của Viện Nuôi trồng thủy sản I cho thấy, các chỉ tiêu dịch bệnh mẫu ngao chết: Vi khuẩn Vibrio, bệnh Perkinsus sp đều âm tính. Các chỉ tiêu môi trường nước nuôi ngao: độ mặn N-NH3, P-PO42, COD, H2S và chlorophyll-a đều có giá trị trong khoảng phù hợp cho nuôi thủy sản. Chỉ tiêu N-NO2 của hai mẫu kiểm tra đều có giá trị cao vượt ngưỡng 2,6 lần.

Từ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa kết luận, độ mặn N-NH3, P-PO42, COD, H2S và chlorophyll-a, vi khuẩn Vibrio, bệnh Perkinsus sp không phải là nguyên nhân gây chết ngao.

Hiện tượng ngao chết là do mật độ nuôi quá dày khiến ngao tranh chấp thức ăn, nơi trú ẩn, ngao bị yếu sau quá trình sinh sản. Điều kiện môi trường biến động đột ngột, N-NO2 vượt ngưỡng 2,6 lần; tảo nở hoa sinh ra độc tố gây thiếu hụt ô xi trong nước có thể khiến động vật dưới nước chết hàng loạt bao gồm cả tầng đáy và tầng trên.

Hầu như năm nào tại các vùng nuôi ngao của Thanh Hóa cũng xuất hiện ngao chết bất thường, nhất là vào thời điểm thời tiết đổi mùa. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, đến tháng 3/2021, toàn tỉnh đã thả nuôi ngao thương phẩm được trên 1,1 nghìn ha. Ngoài Hải Ninh và Hải châu, ngao ở các vùng nuôi khác vẫn phát triển bình thường.

Trước đó, như NNVN đã đưa tin, hiện tượng ngao chết bất thường xẩy ra tại hai phường Hải Ninh và Hải Châu.

Sau khi ngao chết bất thường, các cơ quan chức năng đã xuống vùng nuôi lấy mẫu xác định nguyên nhân, hướng dẫn nhân dân thu gom ngao chết, san thưa hoặc chuyển đến vùng an toàn.

Điều đáng nói, năm 2020, tại phường Hải Ninh, ngao cũng chết bất thường. Tại các vùng nuôi ngao của tỉnh Thanh Hóa hầu như năm nào cũng xẩy ra tình trạng ngao chết, gây thiệt hại cho người nuôi. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, các cơ quan chức năng đều kết luận, nguyên nhân xuất phát từ việc nuôi với mật độ quá dày, gặp thời tiết bất thường gây ra hiện tượng ngao chết.

Tác giả: Võ Văn Dũng

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok