Kinh tế

Iphone: Nguy cơ tăng giá lên 42 triệu đồng/chiếc

Nếu tất cả các bộ phận của Iphone được sản xuất tại Mỹ, chi phí của nó có thể lên tới 600 USD, như vậy giá bán lẻ của một chiếc iPhone ra thị trường sẽ vào khoảng… 2.000 USD.

Trong một đoạn video kéo dài hơn 2 phút được chia sẻ trên Youtube và là phát biểu chính thức đầu tiên sau khi giành chiến thắng, ông Donald Trump đã thẳng thắn nêu lên quan điểm của mình về các vấn đề thương mại.

Ông nói rằng, vào ngày đầu nhận chức ở Nhà Trắng ông sẽ “phát đi thông báo rút khỏi TPP” và gọi đó là “thảm họa đối với nước Mỹ”.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump cũng thể hiện quan điểm khá dứt khoát đối với các vấn đề gây tranh cãi xung quanh những hiệp định thương mại tự do như TPP và NAFTA. TPP chưa chính thức có hiệu lực, nhưng với NAFTA và một vài thỏa thuận thương mại khác, ông Trump cho rằng đây là nguyên nhân khiến nhiều việc làm chuyển ra nước ngoài và làm tổn thương nền kinh tế Mỹ.

Về cơ bản, chi phí sản xuất hàng hóa tại Mỹ luôn cao hơn rất nhiều so với các quốc gia có nguồn lao động giá rẻ như Trung Quốc, Việt Nam hay Mexico. Nếu những sản phẩm quen thuộc như Iphone hay giày thể thao được sản xuất tại Mỹ thay vì ở nước ngoài, giá của chúng sẽ đáng để bạn “nâng lên hạ xuống” vài lần trước khi mua.

Dưới đây là giá của 5 sản phẩm phổ biến chúng ta vẫn dùng hàng ngày nếu được sản xuất tại Mỹ dưới “triều đại” Trump.

Iphone

Suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Trump đặc biệt nhấn mạnh đến việc sẽ tạo điều kiện cho Apple sản xuất máy tính và các thiết bị khác ngay tại quê hương, thay vì ở các quốc gia khác như hiện nay.


Vào tuần trước, tờ Nikkei Asian Review cho biết Foxconn – nhà lắp ráp lớn nhất của Apple đang nghiên cứu về khả năng chuyển hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ. Tuy nhiên, nguồn tin này cũng tiết lộ, nếu điều đó được thực hiện, giá của một chiếc iPhone sẽ tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với hiện nay.

Theo ước tính của Marketplace, chi phí sản xuất trung bình 1 chiếc iPhone hiện nay là 230 USD. Nếu tất cả các bộ phận của iPhone được sản xuất tại Mỹ, chi phí của nó có thể lên tới 600 USD, như vậy giá bán lẻ của một chiếc iPhone ra thị trường sẽ vào khoảng… 2.000 USD (gần 45 triệu VNĐ).

Trong khi đó, một phân tích khác của MIT Technology Review cho rằng, nếu việc lắp ráp Iphone tiến hành ở Mỹ nhưng các bộ phận của nó vẫn được sản xuất tại nước ngoài thì chi phí sản xuất sẽ chỉ tăng 5%. Ngược lại, nếu các bộ phận này được sản xuất tại Mỹ, chi phí của nó sẽ tăng từ 30-40% và phản ánh trực tiếp vào giá bán lẻ.

Dan Panzica – chuyên gia phân tích tại IHS Markit Technology cho biết, ngoài chi phí còn một vấn đề lớn khác mà Apple cần phải xem xét nếu chuyển nhà nhà máy sản xuất iPhone về Mỹ.

“Chúng ta quên mất rằng, để sản xuất ra một số lượng lớn iPhone như vậy sẽ cần rất nhiều nhân công” – ông đặt câu hỏi.

Ước tính lực lượng lao động Trung Quốc đang làm việc trong các nhà máy sản xuất và lắp ráp iPhone hiện nay là 150.000 người.

“Bây giờ bạn có gom lực lượng lao động ở cả GE, GM và Ford lại thì con số này vẫn thấp hơn 4 nhà máy lắp ráp của Foxconn 20%. Chính quyền sẽ làm gì để hỗ trợ các nhà máy này tuyển dụng đủ 60.000 lao động?” – vị chuyên gia này cho hay.

Quần bò

Theo ông Dan Panzica, giá của các sản phẩm may mặc cũng sẽ tăng cao hơn nhiều nếu được sản xuất tại Mỹ. Với một thiết bị như iPhone, phần lớn chi phí đến từ các bộ phận cấu thành nên nó. Nhưng nguyên liệu sản xuất một chiếc quần hay áo rất nhỏ, chi phí lao động mới là điều đáng nói. Đó là lý do các công ty may mặc luôn phải đặt nhà máy sản xuất ở nước ngoài.

“Nhìn vào thị trường lao động bạn sẽ thấy nhiều quốc gia có chi phí lao động trung bình cực kì rẻ như Việt Nam 2,5 USD/giờ, hay Bangladesh 1,8 USD/giờ trong khi ở Mỹ lại lên tới 25-30 USD/giờ. Vì vậy, nếu được mang về sản xuất tại Mỹ, giá của một chiếc áo sản xuất trong 1 giờ lao động sẽ tăng ít nhất 25 USD” – ông nói.


Chi phí cho một chiếc quần bò Levi’s hiện nay khoảng 128 USD, nhưng nếu chiếc quần này nằm trong bộ sản phẩm “Made in USA” được sản xuất từ loại denim cao cấp ở Bắc Carolina, giá bán online của nó sẽ tăng lên 348 USD.

Tivi

Tại một bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump từng nói rằng nước Mỹ không còn sản xuất tivi nữa. “Chúng tôi muốn sản xuất tivi. Chúng tôi đã từng sản xuất rất nhiều. Bạn còn nhớ Sylvania, RCA chứ? Nhưng hiện nay đã không còn” – ông Trump phát biểu.

Trên thực tế, hầu hết các linh kiện điện tử tạo nên một chiếc tivi đều được sản xuất ở châu Á. Do kích thước và khối lượng lớn nên chi phí vận chuyển những chiếc tivi khá cao, vì thế việc đặt nhà máy sản xuất và lắp ráp ở tại quốc gia tiêu thụ sẽ làm cho sản phẩm rẻ hơn rất nhiều.

Hiện nay vẫn có một vài công ty lắp ráp các sản phẩm tivi ở Mỹ, đơn cử là Element Electronics – nhà cung cấp các sản phẩm tivi cho Walmart và Target. Tivi của Element Electronics được đánh giá rẻ nhất thị trường hiện nay mặc dù chúng được lắp ráp tại Winnsboro, Bắc Carolina.

Giá của một chiếc smart tivi 32 inches của Element Electronics hiện nay khoảng 129 USD (được giảm từ 179 USD); không quá cao so với sản phẩm giá rẻ tương tự của Trung Quốc – một chiếc smart tivi 32 inches thương hiệu Roku có giá 169 USD.

Giầy thể thao

Theo thống kê của Hiệp hội phân phối và bán lẻ Hoa Kỳ, phần lớn các sản phẩm giày dép trên thế giới hiện nay được sản xuất ở châu Á, bao gồm các nước TPP và có tới 97-99% giày thể thao đang bán ở Mỹ được sản xuất từ các nước khác.


TPP sẽ tạo điều kiện cắt giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với sản phẩm giày dép nhập khẩu từ Việt Nam và các nước khác. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí tổng thể của các nhà sản xuất Mỹ sẽ giảm theo. Các công ty như Adidas và Nike hiện nay có khoảng 26 nhà máy sản xuất giày dép ở Việt Nam rất ủng hộ hiệp định này.

Trong khi đó, New Balance – một thương hiệu giày khác lại kịch liệt phản đối TPP. Theo hãng này, mỗi năm họ đang sản xuất khoảng 4 triệu đôi giày thể thao tại Mỹ. Giá của 1 đôi giày New Balance trung bình từ 65-399 USD, nhưng đối với những sản phẩm sản xuất hoàn toàn tại Mỹ sẽ có giá không dưới 165 USD.

Tương tự đối với Reebok khi hãng này cho ra đời dòng sản phẩm Postal Express được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ và được thiết kế đặc biệt phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Những sản phẩm này có giá khá cao từ 167-230 USD, trong khi giá của một đôi giày Reebok trung bình từ 80-165 USD.

Năng lượng mặt trời

Nhiều nhà môi trường phản đối TPP vì lo ngại các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên liệu cũng như khuyến khích khai thác nhiều than, dầu và khí đốt dẫn đến tăng lượng khí thải. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, các nhà phân tích cho rằng TPP chính là cơ hội để ngành năng lượng tái tạo phát triển.

“TPP có tác động một chút đến môi trường đó chứ, ít nhất nó làm giảm thuế các sản phẩm công nghệ khí hậu. Nếu không có TPP, chúng ta cũng chẳng thay đổi được môi trường” - Joshua Meltzer, chuyên gia cao cấp của chương trình phát triển kinh tế toàn cầu tại Viện nghiên cứu Brookings chia sẻ.

Đối với năng lượng mặt trời, chi phí sản xuất trong nước bao giờ cũng cao hơn chi phí nhập khẩu. Chẳng hạn, 1 tấm pin năng lượng 330W của Canadian Solar được sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam có giá khoảng 69 cents/watt; trong khi sản phẩm tương tự của SolarWorld sản xuất tại Mỹ lại lên tới 85 cent/watt. Như vậy, nếu một hộ gia đình sử dụng 7.000 watt năng lượng mặt trời, mức độ chênh lệch giá sẽ lên tới 1.120 USD.

“Tôi cho rằng các hiệp định thương mại nên nghĩ xa hơn đến việc giảm thuế cho các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Không có gì sai khi chúng ta đề cập đến những cách tiếp cận thương mại khác nhau. Tất nhiên, không phải lúc nào nó cũng đúng” – ông Meltzer nói.

“Những nỗ lực của ông Trump trong việc phá vỡ thương mại tự do có thể gây ra những hậu quả cực kì nghiêm trọng. Nước Mỹ sẽ phải tốn thêm rất nhiều tiền nếu thực sự đi theo con đường này” – chuyên gia Joshua Meltzer khẳng định.

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP
ok